Chuyện nhặt ở bệnh viện...

07-10-2019 06:06 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày nào cũng như vậy đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn làm công việc lặp đi lặp lại: Đi về trên con đường ấy, ngồi ở căn phòng làm việc ấy, vẫn những căn bệnh như vậy và có khi vẫn là những người bệnh ấy nhưng tôi chẳng bao giờ thấy chán cái công việc mình làm bởi vì mỗi ngày qua đi mỗi bệnh nhân đến với tôi là một câu chuyện để tôi tìm hiểu, suy ngẫm và là một cung bậc cảm xúc khác nhau.

Chị bệnh nhân của tôi ngày hôm nay tuổi 45, được cả nhà đưa đến trên chiếc xe đẩy. Cơ thể gầy, mệt mỏi, khó thở và kèm theo những tiếng rên rỉ. Cậu con trai và người chồng rất lo lắng. Tôi hỏi thăm bệnh tình của chị, chị nhanh chóng thấy khỏe mạnh và kể bệnh với bác sĩ như không có bệnh gì: Bác sĩ ơi em lo lắng quá, con gái em năm nay 26 tuổi chưa lấy chồng, rồi em mới chuyển nhà lên trên thành phố, cái điện thờ ở nhà không ai chăm lo...

Trời ơi, 26 tuổi chưa lấy chồng thì có sao đâu, tôi ngày xưa 30 tuổi mới lấy chồng đấy!

Bác sĩ ơi nhưng nó chẳng yêu ai bác sĩ ạ, em lo lắm và em mệt quá bác ơi.

Nói đến đây, chị bệnh nhân lại xỉu đi và hổn hển: Em chỉ muốn ở cùng bác sĩ thôi...

Úi trời ơi, có bệnh nhân lại đòi ở cùng bác sĩ. Vậy tôi sẽ cho chị nhập viện để chị được ở cùng nhiều bác sĩ nhé!

Trái lại với hoàn cảnh của chị, bệnh nhân Yến đã khám tôi nhiều năm nay chưa bao giờ đi cùng chồng hay con. Một mình chị cô đơn trên con đường chữa bệnh của mình. Bệnh của chị đã nhiều năm nay và được chẩn đoán là rối loạn lo âu lan tỏa. Cứ mỗi lần có việc gì căng thẳng trong gia đình, bệnh lại nặng lên, mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng và ăn kém. Mỗi lần lên khám lại chị đều có những điều chia sẻ với tôi: Lần thì anh con rể đi bồ bịch làm con gái chị suy nghĩ và khiến chị lo lắng, lần thì cửa hàng bia của chị vào mùa đông ít khách, thu nhập giảm làm chị lo lắng. Tiền thuốc của chị mỗi tháng chỉ hết vài trăm nghìn nhưng chị hàng tháng phải giấu tiền hàng để đi khám bệnh và mua thuốc. Có lần đi bệnh viện khám và mua thuốc, anh chồng chị biết được là chửi chị vì cho là chị không có bệnh gì, không chịu làm và suốt ngày thuốc thang tốn tiền. Một năm được mấy tháng mùa hè đông khách, chị tranh thủ giấu ít tiền để dành đi khám bệnh vào những tháng mùa đông...

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần luôn chia sẻ động viên người bệnh.

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần luôn chia sẻ động viên người bệnh.

Có những câu chuyện của bệnh nhân làm tôi nhớ mãi không thể quên. Đó là những câu chuyện rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng làm cho người ta phải đi khám bệnh tâm thần.

Một bác bệnh nhân đang có cuộc sống bình thường như bao người khác thì đến một ngày, nhà hàng xóm làm nhà. Không hiểu do vô tình hay cố ý, nhà hàng xóm ấy đặt cái bể phốt ngay cạnh cái bể nước ăn của nhà bác ấy. Thế là bác này suy nghĩ, cả đêm không ngủ và đến chỗ tôi khám bệnh.

Rồi một chị đi cùng chồng đến gặp tôi kể trong nước mắt lưng tròng:  Ôi bác sĩ ơi, mấy ngày nay em không ngủ được. Em đau hết cả đầu.

Thế có vấn đề gì làm chị lo lắng không? Chị kể liền một mạch như gặp được chỗ để bày tỏ nỗi lòng mình: Nguyên nhân là mẹ chồng em. Bao năm nay em đi làm dâu thường xuyên bị bà chửi. Mà bà đã chửi thì chửi cả ngày cả đêm, chửi mấy ngày liền em không thể chịu được.

Thế bà năm nay bao nhiều tuổi rồi?

Bà hơn 90 rồi nhưng còn khỏe lắm, chả ốm đau bệnh tật gì cả.

Anh chồng lại nói thêm vào: Nhà em có gene thọ lắm bác sĩ ạ, toàn người sống hơn 100 tuổi.

Tôi buồn cười mà không dám cười, chỉ nói với chị bệnh nhân: Khi bà chửi chị đi chỗ khác, bà chửi một lúc chả có ai nghe thì bà thôi mà...

Và thật sự là mỗi ngày mỗi chuyện và những người làm thầy thuốc như chúng tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ của riêng mình. Hôm nay, tôi cũng gặp lại em bệnh nhân cách đây đã 10 năm. Em tìm lại tôi khi đã chữa bệnh từ lúc chưa lấy chồng, đến giờ đã lấy chồng và có con. Em  đến bệnh viện khám lại thấy bệnh viện thay đổi nhiều quá và không tìm thấy tôi cứ nghĩ rằng tôi đã chuyển đi một nơi nào đó. Qua mạng xã hội ở nhóm “chiến thắng trầm cảm”, em biết tôi vẫn còn làm ở chỗ cũ và tìm được đến tôi. Em phấn khởi như gặp lại người thân và tôi cũng thấy vậy. Em kể lại cho tôi nghe bệnh tình của mình và mong muốn được chữa tiếp tục căn bệnh cách đây 10 năm từ thời con gái của em.

Mỗi bệnh nhân đến với tôi là một người bệnh, căn bệnh khác nhau với những điều tâm sự riêng tư mà họ chỉ muốn gặp bác sĩ để chia sẻ. Và tôi như càng hiểu câu ngạn ngữ “Con người không ai tắm hai lần trên một dòng sông”  - một câu nói mà ngày tôi còn là học sinh tôi thấy nó trừu tượng lắm không thể hiểu nổi. Giờ cuộc sống đã làm cho tôi ngày càng hiểu thấu hơn.


BS. Yến Trang
Ý kiến của bạn