Từ một cậu bé nhặt bóng cho mẹ, được cha đèo 60 cây số mỗi ngày đi tập, tay vợt quê Tây Ninh của “lò” Bình Dương đã làm nên kỳ tích lịch sử với ngôi vô địch Wimbledon trẻ 2015. Ngôi sao tennis 18 tuổi không biết tiêu tiền này đang hướng tới mục tiêu trở thành tay vợt chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, mà trước mắt là lọt vào Top 300 ATP trong 2 năm tới.
Cậu bé nhặt bóng con nhà nghèo
Bước lên đỉnh thế giới của tay vợt quê Tây Ninh này thực sự là một hành trình khó tin, với một xuất phải điểm quá khác biệt so với các tay vợt Việt Nam khác. Nam sinh ra trong 1 gia đình chẳng những không liên quan gì đến thể thao mà điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Cả vùng quê Tây Ninh của Nam cũng chỉ là một vùng “đất trắng” thể thao đỉnh cao và tennis.


Lý Hoàng Nam giành chức vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015.
Cuộc chinh phục của Nam được bắt đầu từ những lần theo mẹ - một người rất ham tennis - ra sân làm nhiệm vụ nhặt bóng. 6 tuổi đã học để biết chơi, rồi chỉ sau đó 1 năm, Nam đã bộc lộ sự đam mê cùng tố chất thiên bẩm. Thật may mắn cho Nam và cả tennis Việt Nam, trong khi gia đình chưa hề mảy may nghĩ tới việc con trai sẽ theo con đường thể thao, đã được một người bạn hiểu biết “xui” đưa con sang Bình Dương, nơi có mô hình đào tạo mới của doanh nghiệp Becamex đang tuyển chọn VĐV.
Thấy con mê quá, lại được bạn thuyết phục nhiều lần, mãi sau đó, bố Nam mới liều đèo con sang đất Thủ cũng cốt chỉ để thử xem thế nào. Đâu ngờ, Nam lập tức lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch, được đặc cách cho vào đội ngay. Trong suốt thời gian đầu, ngày ngày, Nam phải vượt tới 60 cây số, trên chiếc xe máy cà tàng của bố đi tập.
Tài năng đặc biệt và mẫu hình chuẩn quốc tế
Ngã rẽ quyết định để có được một Hoàng Nam rực sáng hiện tại chính là việc gia nhập trung tâm tennis Becamex Bình Dương, dưới sự kèm cặp của ông thầy trẻ có tư duy rất hiện đại Trần Đức Quỳnh. Nam đã lớn như thổi trong một môi trường chuyên nghiệp, bên cạnh ông thầy lý tưởng. Sau chức vô địch quốc gia ở tuổi 15 và 8 tháng năm 2012, nhà Quán quân trẻ nhất lịch sử cũng kịp thời được Becamex Bình Dương đặt vào một quy trình đầu tư chuyên biệt, trong đó đáp ứng tối đa các nhu cầu xuất ngoại tập huấn thi đấu. Qua 4 năm, số kinh phí mà đơn vị chủ quản đầu tư cho Nam đã lên tới 4 tỷ đồng. Tất nhiên, khoản tiền rất lớn đó cũng chỉ đóng vai điều kiện quan trọng, trong cả một quy trình kỳ công, lâu dài. Hoàng Nam là sản phẩm hoàn hảo của sự hội tụ giữa một tài năng trẻ xuất chúng với một cách nghĩ cách làm đúng chuẩn quốc tế.
Top 300 ATP trong tầm tay
Về chuyên môn thuần túy, thực sự kỳ tích vô địch Wimbledon trẻ của Hoàng Nam chưa nói lên được nhiều cho khả năng vươn cao khi bước sang thi đấu chuyên nghiệp từ năm tới. Tuy nhiên, điều cốt yếu, nó đã chứng tỏ Nam đã có một tích lũy mọi mặt chí ít cũng ngang tầm với nhóm hàng đầu trẻ thể giới, đồng thời giúp anh có một cú “hích” tinh thần vô giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mọi chuyện hãy còn phụ thuộc cả vào nội lực cùng cách thức đầu tư. Song, đích nhắm lọt vào Top 300, hay 200 ATP trong 3 năm tới của Nam là khả thi và vừa sức. Thậm chí, Top 100 cũng hoàn toàn có thể. Ngoài các kỹ năng tương đối toàn diện với sự ổn định ở mức cao, thể hình thể lực tốt, điểm mạnh lớn nhất của Nam, kể cả so với các hảo thủ hàng đầu, nằm ở một bản lĩnh thi đấu hơn người.
Hiện tại ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương cũng đang rất quyết tâm dành cho Nam một chương trình đầu tư chuyên biệt, mà ở đó kinh phí không còn phải là nỗi lo. Theo kế hoạch, ngay tới đây, Nam sẽ có một chuyên gia ngoại chất lượng cao, và sẵn sàng được đáp ứng tối đa để có được một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y học hồi phục riêng, cùng 20-25 giải đấu quốc tế. Không hề ngạc nhiên nếu mức đầu tư cho Nam sẽ vượt mức 2 tỷ đồng kể từ năm tới.
Không biết tiêu tiền
Nếu như ở một môn khác hay với một đơn vị chủ quản khác, Hoàng Nam đã có thể mang về cho gia đình mình tiền tỷ, chỉ tính riêng từ thưởng thành tích. Song đến giờ, nhà Quán quân Grand Slam trẻ và Á vận hội trẻ vẫn là ngôi sao không tiền thưởng. Sau 4 năm liên tục thành công vang dội, tổng số tiền thưởng của Nam từ các nguồn chưa đến 100 triệu đồng.
Becamex Bình Dương chưa từng thưởng cho Nam, với quan điểm ở giai đoạn này “đầu tư bao nhiêu cũng không tiếc, nhưng thưởng thì không”. Họ muốn Nam tập trung cao độ cho việc tập luyện, thi đấu, cũng như muốn rèn giũa cả những mặt ngoài chuyên môn khác. Ngay cả mức thu nhập “cứng” các loại của Nam cũng chưa đến 10 triệu đồng, và luôn được chuyển thẳng về cho gia đình. Chính vì thế, ngôi sao số 1 của tennis Việt Nam chưa bao giờ vướng bận về chuyện tiền, và sự thực Nam cũng gần như không biết tiêu tiền. Việc của Nam chỉ là vác vợt ra sân và lên đường đấu giải quốc tế. Cũng bởi nghiệp banh nỉ, Nam đã phải hy sinh cả tuổi thơ, gần như không có điều kiện để gặp gỡ, giao lưu ở mức tối thiểu với bạn bè, chứ chưa nói gì đến chuyện yêu đương.
Bản lĩnh siêu phàm
Từ khi Nam giành chức vô địch quốc gia ở tuổi 15, ông thầy ruột Trần Đức Quỳnh đã dự báo học trò sẽ tiến rất xa nhờ một điểm tựa khác biệt với mọi tay vợt Việt Nam: độ “lì”. Ông thừa nhận, ngay cả mình lúc đã 25 tuổi, 2 lần vô địch quốc gia, chinh chiến đủ các đấu trường cũng còn kém xa Nam.
Cái sự “lì” đến mức hồn nhiên của Nam sau đó còn được thể hiện vượt ra ngoài thảm đấu. Suốt 2014, Nam bỗng dưng là nạn nhân của người lớn với 2 lần không lên ĐTQG rồi nhận án kỷ luật treo tay, cùng búa rìu của dư luận. VĐV khác, nhất là mới ở tuổi 17 có thể bị thui chột và chán nản, riêng Nam không hề. Trong khi chính ông thầy, lãnh đạo lo lắng, bức xúc, Nam vẫn bình thản như không. Thậm chí, Nam còn lao vào tập luyện mê mải và hiệu quả hơn, để rồi khi trở lại anh lập tức chứng tỏ được mình bằng việc lập công giúp ĐTVN giành quyền lên chơi nhóm 2 Davis Cup. Ở một ĐTQG tennis vốn là môi trường phức tạp, khó lường nhất của TTVN, với đủ các biểu hiện của sự cục bộ, chiêu trò, Nam cũng hoàn toàn miễn nhiễm.
Xuyến Chi