Chuyện nhà văn “xin” vé máy bay

14-06-2022 09:31 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Giữa lúc giá xăng tăng lên tới hơn 32 ngàn một lít mà chúng ta bàn về văn chương thì bản thân cái sự bàn này đã là một loại văn chương khôi hài. Thế mà chúng ta còn bàn về việc nhà văn đi xin vé máy bay thì hài lắm lắm.

Nếu bạn hỏi về một sự liên quan thì tôi xin đáp là máy bay cũng chạy bằng xăng mà thôi. Hoặc giả chạy bằng không khí đi chăng nữa thì bạn vẫn phải đổ xăng cho ô-tô, xe máy mới tới được sân bay. Vậy là đã có một mối "quan hệ biện chứng" giữa xăng và văn chương. Ấy là nói trong bối cảnh hôm qua giá loại xăng RON 95 vọt lên 32.370 đồng/lít.

Nếu giới văn chương đã ngã ngũ chuyện "nghệ thuật vị nhân sinh" hay "nghệ thuật vị nghệ thuật" từ hàng chục năm trước thì lẽ ra phải hiểu cho rằng: Mỗi một bình luận của độc giả ủng hộ việc các tỉnh thành từ chối hỗ trợ vé máy bay cho nhà văn trẻ đi dự hội nghị ở Đà Nẵng chính là thời cuộc, là nhân sinh; Mỗi một bài đăng dù nghiêm túc hay hài hước trên Facebook nói về giá xăng tăng liên tục cũng là nhân sinh, là thời cuộc. Cả xã hội đang cực nhọc gượng dậy sau đại dịch COVID-19. Những con số nhảy múa ở đồng hồ cột bơm xăng mấy tháng gần đây càng khiến người dân hốt hoảng. Ấy đều là nhân sinh.

Tôi không phủ nhận khả năng một bài thơ thật hay lúc này với cái tựa kiểu "Đầy bình em ơi!" biết đâu sẽ xoa dịu nhân sinh được phần nào, nhưng tôi chắc chắn dẫu có ngàn bài thơ, trăm truyện ngắn như vậy cũng trở thành vô nghĩa khi nhà văn xin hỗ trợ chi phí đi lại giữa lúc nước sôi lửa bỏng này.

Ai cũng hiểu rằng lùm xùm có thể chỉ bắt nguồn từ việc Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm, chăm lo cho các cây bút trẻ trong bối cảnh khó khăn chung. Nhưng, một ý đồ tốt đẹp trong một không gian này chưa chắc đã đúng với một không gian khác. 

"Sống đã rồi hãy viết, hãy hoà mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân". Theo lời cụ Nam Cao là như vậy. "Sống đã" trong tình cảnh này là phải tự lo được vé máy bay đã, cực lắm thì Hội Nhà văn hỗ trợ một số ít hoàn cảnh đặc biệt, chứ gửi công văn xin tiền vé khắp nơi cho một sự kiện 5 năm mới làm một lần là chưa sống đúng với thời cuộc, là xa rời nhân sinh, là vội muốn hòa mình vào sự vĩ đại mơ hồ nào đó bằng văn học, và vô hình trung khiến chính các nhà văn trẻ mang tiếng.

Hà Nội có thể chẳng khó khăn gì chuyện hỗ trợ vé máy bay cho 27 nhà văn đến Đà Nẵng, thậm chí bất kỳ một đại gia nào yêu văn chương ở Hà Nội cũng có thể đài thọ một cách dễ dàng. Thế nhưng, "xin hỗ trợ" là một việc thật trần trụi, thật đau đớn, thật không đáng và thật ít tính văn chương. Tôi đồ rằng các địa phương từ chối hoặc phớt lờ đề nghị của Hội Nhà văn Việt Nam cũng một phần vì thấy việc này thật lạ đời, thật kém văn, giữa lúc… "nhà bao việc".

Có lẽ các vị đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam chưa quen với sự thật trần trụi là tỷ trọng người bình luận ủng hộ hay phản đối trên mỗi bài viết của cơ quan báo chí, thậm chí trên mạng xã hội sẽ là tấm gương phản chiếu xã hội chính xác nhất, là góc nhìn xã hội chuẩn xác nhất. Ngay trong bài báo của Tuổi trẻ với tựa "Hội Nhà văn ‘thất vọng’ vì Hà Nội ngó lơ đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho nhà văn trẻ dự hội nghị", độc giả hầu hết bất bình với việc Hội gửi công văn xin hỗ trợ. Có người còn phũ phàng đến mức: "Tự kiếm tiền mà hội họp, đừng bám vào ngân sách nữa".

Tôi tin rằng, các nhà văn nếu bình tâm lại, nếu gạt cái tôi văn chương quá lớn sang một bên để đọc hết những bình luận của người dân trên cả báo chí và mạng xã hội về sự việc lần này… chắc chắn họ sẽ đau và coi đây là một bài học. Hơi thở cuộc sống đang phả vào văn chương một cách phũ phàng như vậy. Không một ai dám coi nhẹ văn chương, thậm chí không ít người thèm được khoác lên cái danh cao quý đó, nhưng "nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại" (Balzac), các cây bút sẽ viết thế nào về hiện thực kia?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


Việt Nguyễn
Ý kiến của bạn