Tôi ngưỡng mộ nhà văn Phong Thu bắt đầu từ bài hát Bác Hồ - Người cho em tất cả (nhạc sĩ Phong Nhã phổ thơ Phong Thu) từ hồi đầu thập niên 70. Người ta nói ông rất hóm hỉnh nhưng lại hơi ngang. Đến khi học cùng nhau tại lớp bồi dưỡng viết văn khóa 7 của Hội Nhà văn Việt Nam (1974-1975), tôi mới thấy ông đúng là ngang thật, nhưng lại đáng yêu. Từ đó, tôi trở thành cộng tác viên của nhà văn Phong Thu trên tờ báo Thiếu niên và trở thành bạn tâm giao cho đến nay đã chừng 40 năm có lẻ…
Một lối ngông dị biệt
Hồi nhà văn Phong Thu còn dạy học cấp 1 ở Mai Đà, Mai Châu, Hòa Bình (1953) cứ như một ông đồ vậy. Người ta nói ông dở hơi lại xung phong lên miền núi dạy học, trong khi được giữ lại Trường Sư phạm (Khu Học xá) tận bên Trung Quốc làm giáo viên. Cùng khóa học với ông còn có nhà văn Nguyễn Kiên, chỉ có hai người được giữ lại trường. Vậy là ông về nước chẳng đoái hoài gì. Người khác thì tiếc đứt ruột, nhưng ông lại khác, thích gõ đầu trẻ. Quả đâu có sung sướng gì. Tôi ngỡ hình ảnh anh giáo bản của ông ngày đó chẳng khác gì chưởng giáo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy trò lớp 3 tại cao nguyên Bảo Lộc vậy. Lớp thì độ mươi trò. Khác với Trịnh Công Sơn hồi 1967, ngồi bàn ghế dạy học đàng hoàng thì nhà văn Phong Thu lại đóng một cái hòm gỗ làm bàn, tựa như chiếc cháp văn của ông đồ vậy. Các trò thì ê a cặm cụi ngồi cày từng chữ một trên bàn gỗ kê tạm.
Chiếc bàn viết dị biệt của nhà văn Phong Thu và những dấu tích trên bàn viết.
Ấy thế rồi, giờ đây nhà văn Phong Thu vẫn khoe rằng có một học trò lớp 3 của mình hồi đó giờ đã trở thành nhà văn nổi tiếng trên văn đàn. Mắt ông hấp háy nét vui lý thú. Đó chính là nhà văn Phạm Quang Đẩu, đại tá quân đội, đến nay vẫn thường gặp gỡ bàn chuyện văn chương với ông. Và họ chẳng thể nào quên chuyện, ngày ấy ông giáo Phong Thu đã từng phạt trò Đẩu vì luôn luôn quậy phá, nghịch ngợm. Làm ông đồ về bản cũng có cái sướng mà chẳng ai có. Nhiều lúc ông tự trào rằng quyết định về bản của mình có giá ra phết.
Nhưng có lẽ cái hòm gỗ trở thành bàn viết của ông đồ Phong Thu thì cũng thật hy hữu, nếu không phải nói đó là chuyện hiếm chỉ có ở Việt Nam. Chiếc bàn viết đặc biệt này theo ông suốt nhiều năm. Đúng là bầu rượu túi thơ. Trong hòm gỗ của ông ngập những bản thảo và không bao giờ thiếu một cút rượu. Ông đồ Phong Thu cúi mình viết quanh năm trên chiếc bàn gỗ như vậy kể cũng là tài. Nếu không mỏi cổ thì cũng chệch đốt sống lưng, hay vẹo xương sườn. Nhưng không, ngay từ bản tin đầu tiên, được in hồi năm 1954-1955, bắt đầu khởi thảo từ cái bàn viết ông đồ này. Thế rồi truyện ngắn đầu tiên của Phong Thu in năm 1956 cũng in dấu bút cày trên đó với cả đêm thức trắng. Sau này thôi dạy học, được điều về Ty Giáo dục Hòa Bình (1959), rồi Sở Giáo dục Hà Nội (1961) nhưng ông đồ Phong Thu vẫn không xa rời cái bàn viết còng lưng này.
Đến khi về báo Thiếu niên năm 1964, ai cũng bật cười khi nhìn thấy nhà văn Phong Thu còng lưng viết bài, nhưng ông vẫn tỉnh bơ coi như điếc. Khi vào học lớp bồi dưỡng viết văn khóa 7 cũng vậy. Ông ôm nó đặt lên giường, khoanh chân viết với cút rượu nếp cẩm thơm nức mũi. Rồi cũng chẳng ai bàn tán nữa. Cả một đời chịu ôm cái cháp đúng là ông đồ gàn. Ấy vậy mà cái cháp ông đồ này là chứng nhân lịch sử hàng ngàn bài báo, hàng trăm truyện ngắn của Phong Thu đó. Tôi chợt nhớ ông có đến 18 giải thưởng và 83 cuốn sách viết cho thiếu nhi được viết trên chiếc bàn kỳ dị này. Tính ra cho đến nay, đã 62 năm nhà văn Phong Thu vẫn thần người ôm lấy chiếc cháp quý báu này như một bảo bối gia truyền vậy. Trong chiếc hòm ấy ẩn chứa hàng ngàn bài học dạy đạo làm người và những nụ cười trẻ thơ. Có lúc tôi tưởng tượng đó là chiếc phong cầm với những bản thánh ca dịu êm. Ông hát cùng với bầy trẻ thơ đúng như nguyên tắc viết của mình: “Hãy bám lấy các em mà viết”. Giống như chuyện thần tiên vậy, “đạo sĩ” Phong Thu mở nắp ra, ở đó là một xứ sở tâm hồn non tươi của tuổi thơ.
Lại nhớ cái đận mới về báo Thiếu niên nghèo lắm, đi thực tế toàn cuốc bộ không có xe đạp, thời bao cấp mà. Chờ đợi chia chác mãi, tức mình nhà văn Phong Thu tự dựng lấy xe đạp hồi năm 1968. Ông chơi kiểu trả góp như thời nay. Mua gom từng thứ một. Đầu tiên là dành dụm tiền nhuận bút mua cái khung cũ ở chợ Giời. Gỉ và bong sơn. Nhà văn tự sửa sang và quét sơn rồi treo lên. Năm sau mua đôi vành, đôi lốp. Riêng nan hoa phải mua mới cũng phải gom cả năm trời mới đủ trăm cái. Rồi năm tiếp theo dồn tiền mua ghi đông, yên, đùi đĩa. Ki cóp nhuận bút trong 4 năm mới dựng nổi cái xe để đi thực tế. Anh em phóng viên phát khiếp về sự kiên nhẫn có một không hai ấy. Nhưng không ít người lại nói ông gàn không khác gì chuyện khư khư khênh chiếc hòm viết kia. Nghe. Ông im lặng rồi cũng có lúc bật cười với chính mình rằng, nói mình gàn cũng chẳng sai.
Nhưng quả là chiếc xe tự chế mang nhãn hiệu “Phong Thu” đã đưa ông đi khắp nơi khắp chốn. Lắp xong xe, ông phấn chấn đi luôn một mạch suốt hai tháng trời ròng rã, qua năm tỉnh miền núi phía Bắc và vài tỉnh đồng bằng. Mòn lốp bục săm lại thay, chiếc xe với vòng quay văn chương Phong Thu cứ thế bon bon chào đời trên chiếc bàn viết đơn sơ. Đó là những vòng quay của bảy sắc cầu vồng với những câu chuyện về tình yêu thương con người và lòng vị tha đúng như ông đồ Phong Thu trong những câu chuyện của mình vẫn dạy rằng, sự giàu có của con người chính là sự bao dung nhân ái. Cũng phải hơn mười năm sau ông mới gom đủ tiền nhuận bút mua chiếc xe mi ni mang nhãn hiệu Eska, chệnh choạng đi cho đến năm 1995, khi về hưu mới thôi. Có dịp tôi hỏi về chiếc xe tự chế đó, sao không giữ lại. Có mà dở hơi à!? Không ngờ ông nổi nóng vì cho tôi lại dám chê ông gàn. Tôi cười trừ. Lát sau ông bắt phạt tôi phải uống với ông ba chén rượu liền. Nhưng nhìn con mắt ông, tôi biết đó là sự tiếc nuối vì nếu giữ nó lại, như cái bàn viết thì hẳn đó cũng là một chiếc xe đáng được nộp vào bảo tàng văn học.
Những chuyện “chẳng ra làm sao”!?
Thói quen khác người như vậy, nhà văn Phong Thu còn ối chuyện ngông không kém, nào chuyện uống rượu và giả vờ điếc để tránh phải nghe và nói những điều chẳng ra làm sao trên cõi đời này. Những điều “chẳng ra làm sao” chính là câu nói của một ông đồ chính hiệu. Nói ẩn ý, nhưng không ác ý về những nơi ông đã thay đổi việc làm, trong quãng đời hơn 40 năm công tác. Ông hay bất bình về những cái gọi là “chẳng ra làm sao” ấy. Lại nhớ, khoảng đầu năm 80, nhà văn Phong Thu đã từng tống cổ tôi ra khỏi cửa chỉ vì chuyện mang biếu ông một chai rượu Tây để cảm ơn ông cho in bài trên báo Thiếu niên. Tôi lủi thủi, ngượng ngùng ra về. Bà Vân - vợ nhà văn chạy theo nói, anh ấy gàn thế đấy, nhưng đừng buồn em ạ. Trực tính và nóng nảy - đó là chuyện ngỡ như ngược lại sự ấm áp của văn chương Phong Thu viết cho thiếu nhi. Nhưng nhà văn Phong Thu là thế, không ưa thói nịnh bợ và chèn ép người khác.
Một số tác phẩm mới (2016) của nhà văn Phong Thu.
Ngay cả chuyện được phân nhà mới của gia đình ông cũng vậy. Trước đó, gia đình nhà văn Phong Thu được phân một gian nhỏ ở khu tập thể Trung ương Đoàn, số 62 Bà Triệu. Mấy năm sau, Trung ương Đoàn lấy để xây tòa nhà làm việc của nhiều cơ quan như hiện nay nên các gia đình đều phải chuyển sang khu tập thể mới xây ở phố Trương Hán Siêu. Khi đó không ít người xúi ông lo lót để được ở tầng dưới tiện lợi hơn, nhưng ông không nghe. Thế là ông đồ Phong Thu được xếp vào bảng “ngoại hạng”, tít trên tầng 5, góc trong cùng. Ngày ấy chính tôi là người dọn nhà hộ ông hết sức vất vả mất mấy ngày, lên lên xuống xuống, hàng trăm bậc cầu thang mệt tưởng đứt hơi. Nhưng chưa hết, sau đó là chuyện xách nước hàng ngày của mọi người trong gia đình ông. Không ngày nào là nhà văn Phong Thu không phải hai tay hai xô xách nước từ dưới tầng một đến tầng năm. Vợ ông có lúc thở bở hơi tai hổn hển nói với tôi, ý trách ông gàn cho chết. Nhưng ngược lại ông vẫn thoải mái vì đã thực hiện đúng sự phân công của tổ chức.
Người đời xưa mỉa mai có câu: “Chính chuyên chết cũng ra ma…”, nhưng nhà văn Phong Thu không hề dao động với những lời chỉ trích và chê bai cái sự “gàn bát sách” của mình. Nhất là những điều “chẳng ra làm sao” của người này người kia có quyền chức khi giải quyết công việc. Chính vì thế mà ông đã tự xin chuyển tới 13 nơi làm việc. Lâu nhất là giai đoạn làm ở báo Thiếu niên 19 năm (1964-1983), đến chức Trưởng ban Văn nghệ thì nhà văn Phong Thu vẫn chỉ do chuyện “chẳng ra làm sao”, lập tức xin chuyển về Hội đồng Lịch sử Đoàn-Đội Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Làm đến chức Phó Tổng thư ký, nhưng nhà văn Phong Thu lại tiếp tục chuyển mấy đơn vị nữa; cho đến khi về hưu, năm 1994, với cấp bậc Chuyên viên cao cấp.
Tự trào
Mới đây đến thăm ông, tôi hỏi có gì mới không? Ngay lập tức ông giơ chiếc kính lúp lên nói, mù dở rồi dùng nó để đọc sách báo, “chẳng ra làm sao” cả. Lại điếc lòi hơn trước nên phải chơi trò “nhìn mồm đoán chữ” thôi, “chẳng ra làm sao” nữa. Chỉ có cái mới đó là mình “mới” có 82 tuổi.
À mà không, còn! Nhà văn Phong Thu chợt ném ra hai cuốn sách: Chú bé hạt tiêu và Chuyện kể bên cửa sổ do NXB Kim Đồng mới in năm 2016. Ông nói tưng tửng, họ in có mấy ngàn cuốn, bõ bèn gì, “chẳng ra làm sao” cả. Nhìn đôi mắt cười của ông, tôi biết ánh lên niềm vui đang trào dâng. Ông còn kể lại sắp có thêm chuyện “chẳng ra làm sao” với mình, vì cuốn Tuyển tập của ông sắp tái bản. Tôi phì cười khi chụp chân dung ông. Rõ ràng ông đồ Phong Thu đang khoái trá.