Chuyện người thân bổ nhiệm người thân

29-03-2019 07:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Thực tế đã có rất nhiều vụ, ở nhiều nơi mà cả nhà, cả họ cùng họp cơ quan do người đứng đầu là người trong nhà, trong họ để rồi ngoài giờ làm việc, cả cơ quan lại về giao lưu trong những cuộc gặp mặt trong họ, trong nhà.

Cũng chả hiếm chuyện bố hay anh là thủ trưởng cấp trên của con hay em đang là thủ trưởng của cơ quan cấp dưới. Tất nhiên, chuyện bổ nhiệm, “sum họp” này chả ai nói lý do vì con ông cháu cha, vì người nhà lãnh đạo mà hoàn toàn đúng quy trình, được lựa chọn từ nhân sự tại chỗ, được tập thể tín nhiệm qua các cuộc họp và bỏ phiếu kín. Và cũng rất nhiều vụ việc chứng minh chuyện nghiêm túc, đúng quy trình này hóa ra không phải thế như ở tỉnh miền Trung nọ, con ông Bí thư tỉnh vốn giỏi chơi chim cảnh thoắt cái thành Giám đốc Sở KH&ĐT trẻ nhất nước đã bị UBKTTW yêu cầu cách chức là một ví dụ. Khái niệm người thân bổ nhiệm người thân không hẳn là trực tiếp ký quyết định mà thường do cấp dưới đề xuất, ký quyết định do chịu ảnh hưởng sau tấm mộc “theo đúng quy trình”.

Trên thế giới không hiếm chuyện đời cha làm tổng thống đời con cũng làm tổng thống.

Trên thế giới không hiếm chuyện đời cha làm tổng thống đời con cũng làm tổng thống.

Thế nên, ở Bộ TN&MT vừa có chuyện bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái - em trai Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn khiến dư luận xôn xao, nghi vấn cũng chẳng có gì là lạ.

Tuy nhiên, không phải cứ có hiện tượng tiêu cực là mọi trường hợp khác cũng đều tiêu cực theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Trên thế giới không hiếm chuyện đời cha làm tổng thống đến đời con cũng làm tổng thống hoặc chồng làm tổng thống, vợ cũng tranh cử tổng thống hoặc mấy anh em người làm tổng thống, những người khác nắm bộ này, cơ quan kia. Ở ta, nhiều gia đình có truyền thống nghề nghiệp và các thành viên trong nhà đều giỏi cả như trong ngành y chẳng hạn, không có lẽ anh làm giám đốc sở y tế thì em không thể làm giám đốc bệnh viện, chồng làm giám đốc bệnh viện thì vợ không được làm trưởng khoa dù cả hai đều xứng đáng?

Việc bổ nhiệm là việc sắp đặt công dân vào những chức trách, vị trí để phục vụ xã hội và chuyện anh bổ nhiệm em, bố bổ nhiệm con trước hết là công dân ở vị trí này bổ nhiệm công dân kia vào vị trí nọ theo thẩm quyền và luật định từ những quy định nghiêm ngặt. Khi một cơ quan, tổ chức thiếu dân chủ, thói xu phụ lộng hành thì quy trình, quy định nghiêm ngặt đến mấy cũng có kẽ hở để lách và lợi dụng. Và điều này gây nên những bất công, cản trở sự phát triển của cơ quan, tổ chức và của đất nước. Thế nhưng chỉ vì anh em, bố con cùng trong cơ quan với những chức vụ khác nhau đúng với năng lực lại không thể cũng là sự bất hợp lý, cản trở sự phát triển của cơ quan, tổ chức và của đất nước khi bỏ sót, lãng phí những khả năng đóng góp chỉ vì sự xôn xao, nghi ngờ của dư luận trước những tiêu cực đã có trong xã hội. Không thể có cái gọi là khách quan khi là “thân” thì đáng khen 10 chỉ dám khen 5, đáng chê 5 thì chê thành 10 và với người không “thân” thì ngược lại. Không thể có cái gọi là đạo đức khi lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy quyền để lách luật, lách quy trình núp bóng dân chủ, “tập thể tín nhiệm, giới thiệu” để đặt người thân vào vị trí không xứng đáng. Nhưng đạo đức cũng không phải là chuyện để tránh hiểu lầm mà bỏ sót người có năng lực xứng đáng chỉ vì đó là người thân!!!

Việc ông Trần Hồng Thái được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn sao lại gây xôn xao, ngờ vực khi ông này chỉ là em trai Bộ trưởng Trần Hồng Hà? Điều quan tâm trước tiên phải là ông có phải là PGS.TS chuyên ngành khoa học trái đất và toán học không. Ông Thái lấy bằng tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Heidelberg (Đức) năm 2005 có trình độ thật như tấm bằng ông có hay không? Và việc Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn được thành lập chưa lâu thì ai xứng đáng làm người đứng đầu lúc này? Quá trình ông Thái làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn Khí tượng Thủy văn và Môi trường rồi Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đủ kinh nghiệm chuyên môn và quản lý chưa, năng lực và uy tín ra sao để tin tưởng hay “ngờ vực” chứ!

Không có cơ sở ngoài sự ngờ vực chung chung trước hiện tượng tiêu cực trong xã hội thì sự ngờ vực này trước hết sẽ giết chết khả năng, sự nhiệt thành của một nhà khoa học, sau là thiệt hại cho cả một cơ quan, tổ chức.

Chúng ta đang cần một sự công bằng xã hội nhưng những “xôn xao”, “ngờ vực” thiếu cơ sở phải chăng cũng là sự thiếu công bằng?


Lưu Thủy
Ý kiến của bạn