Chuyện người phụ nữ bên cánh đồng muối

20-02-2017 14:47 | Xã hội

SKĐS - Về thôn Tam Đồng (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) vào một ngày rét mướt những ngày gần đây, tôi gặp người phụ nữ nay đã bước sang tuổi 76

Về thôn Tam Đồng (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) vào một ngày rét mướt những ngày gần đây, tôi gặp người phụ nữ nay đã bước sang tuổi 76 - đó chính là bà Lê Thị Thy. Cả xã Thụy Hải ai cũng biết bà Thy vì cuộc đời bà là một câu chuyện cảm động về sự gắn bó với nghề và những nỗi buồn dai dẳng của phận người.

Mở cánh cổng sắt han gỉ, đi qua con ngõ có lớp đá dăm lẫn đất cát ngổn ngang, tôi đánh tiếng vọng vào trong nhà. Một người phụ nữ tuổi ngoài tứ tuần đang bê nồi canh bí đao bốc hơi nghi ngút đưa ánh mắt tò mò về phía vị khách lạ. Khi cô biết khách đến tìm bà Thy, cô vội vàng chạy ra ngoài ngõ mà quên cả một lời chào. Không lâu sau, một người phụ nữ mặt đầy nếp nhăn, lưng hơi gù chầm chậm tiến về phía tôi và mời tôi vào nhà uống nước, trò chuyện. Không ai khác, đó là bà Lê Thị Thy - người phụ nữ bình dị nhưng lại có nhiều câu chuyện cảm động tại làng muối Tam Đồng. Bà bảo: “Con gái của tôi thấy người lạ vào nhà nên vừa chạy ra đấy...”!

Chuyện người phụ nữ bên cánh đồng muốiBà Lê Thị Thy.

Đời người gắn bó bên cánh đồng muối

Từ năm 24 tuổi, về làm dâu ở thôn Tam Đồng thì cuộc đời bà Thy chỉ gắn với một nghề - làm muối. Đó là nghề của cả làng, của cả gia đình nhà chồng và đến bây giờ, nghề muối đã theo bà Thy hơn nửa thế kỷ với bao vui buồn, cay đắng. Được biết, làng nghề muối Tam Đồng đã và đang có nguy cơ lụi tàn vì người dân không còn mấy mặn mà với nghề do thu nhập từ việc làm muối quá ít ỏi. Bà con diêm dân vẫn lưu truyền câu nói: “Đời ông cho chí đời cha/ Có một đống cát xe ra xe vào” nói về sự cơ cực của nghề làm muối. Không những vất vả mà thu nhập còn bấp bênh, người dân Tam Đồng cũng như bà Thy bấy lâu lao đao với nghề  làm muối. Giờ ở làng muối nổi tiếng ngày nào trên cả nước - thôn Tam Đồng chẳng còn mấy người theo nghề. Có lẽ vì thế, bà Thy được xem như “báu vật sống” của làng muối Tam Đồng hiện nay, ít ra cũng vì bà đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ lăn lộn với nghề “tiền ít công nhiều” này!

Tôi nói với bà Thy, việc tìm về gặp bà là muốn học cách làm muối vì nghe danh bà đã lâu. Bà Thy nhoẻn miệng cười hiền từ, đôi mắt sáng lên và trả lời người ngồi đối diện “Học làm muối dễ thôi nhưng vất vả, mà chẳng có nhiều tiền. Muốn học thì ở lại đây với bà, bà dạy miễn phí”. Vừa dứt lời, bà Thy tiếp tục chia sẻ, để làm ra hạt muối trắng trong, đạt chuẩn thì phải trải qua nhiều công đoạn. Thường là giữa trưa và chiều, khi nhiệt độ ngoài trời từ 32- 38 độ C, người làm muối ở Tam Đồng nói chung và bà Thy nói riêng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên ruộng để phơi, lọc muối và đóng bao. Vất vả, cơ cực là vậy thế nhưng người làm muối như bà Thy còn phải lo tìm đầu ra, thậm chí còn phải thồ từng xe muối đi bán rong khắp nơi khiến những người theo nghề luôn phải đối mặt với cái nghèo, cái khổ.

Nhắc đến những ngày mới làm muối, bà trầm ngâm kể, nghề gắn liền với cái nắng, nắng càng to muối thu được càng nhiều, xưa kia, bà theo bố mẹ chồng cào cát, cào muối giữa những lúc nắng đỉnh điểm. Do làm vất vả, tốn sức nên bà Thy ngất lịm đi như cơm bữa. Có ngày bà ngất mấy lần, mọi người phải khiêng bà về nhà nằm nghỉ, tỉnh dậy bà lại cùng gia đình tiếp tục ra cánh đồng muối mênh mông phía sau nhà. Hơn 50 năm, giờ đây bà vẫn oằn mình bên cánh đồng dưới cái nắng, gió khắc nghiệt dù tuổi đời đã ở diện xưa nay hiếm. Cánh đồng muối ở Tam Đồng bây giờ dường như chỉ in dấu chân bà vì người dân nơi đây hầu như đã không bám trụ được mãi với nghề làm muối, đơn giản vì “thừa quỹ đất” nhưng lại “thiếu thu nhập”. Tuy nhiên, đối với bà Thy thì khác, vẫn gắn bó với nghề bằng sức chịu đựng bền bỉ của một người phụ nữ vùng biển.

Bà Thy cho biết, vụ thu hoạch muối chính từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, thời điểm này, nắng lên, thu hoạch muối được nhanh và được nhiều còn thời tiết lạnh như mùa đông và mùa xuân phải mất 3-4 ngày mới được thu hoạch một lượt muối. Muối gom về kho được ít, giá cả lại rẻ mạt dưới 1.000đồng/1kg. Vụ đông những năm vừa qua, bà nhẩm tính chỉ bán được 200 nghìn tiền muối/tháng. Thời gian gần đây, để có thêm tiền lo bữa ăn hàng ngày, bất chấp mưa rét, bà ngâm mình dưới con mương cạnh cánh đồng nhà vớt từng đám rong để đem bán. Thế nhưng, mỗi ngày cố gắng lắm bà cũng chỉ kiếm được thêm... 1 nghìn đồng. Vì người ta không mua rong tươi, chỉ khi phơi khô thì mới bán được, trong khi đó một chậu lớn rong tươi bưng bê nặng nhọc hàng chục kg, khi phơi khô thì chỉ còn được vài cân. Người mua rong thì chỉ trả khoảng 400 đồng/kg rong khô.

Nắng bà ngất vì làm muối, rét bà lại ngất vì mò rong. Bà Thy kể, những ngày rét đậm thời gian vừa qua, bà ra con mương ngay cạnh cánh đồng muối vớt rong đem về phơi. Có lần ông trưởng thôn bắt gặp, có lời khuyên bà không được lội mương những ngày rét mướt vì sợ bà gặp chuyện chẳng lành, bà là vợ liệt sĩ nhưng bà vẫn cố thu gom chút rong để kiếm thêm thu nhập. Không thu được muối, không vớt được rong, bà lại ra cắt cỏ trên những bờ ruộng. Đôi chân nửa đời người ngấm vị mặn của muối chẳng khi nào chịu nghỉ ngơi, vẫn hàng ngày in dấu trên cánh đồng vắng bóng người. Cuộc đời bà sinh ra như một sự đọa đầy thân xác, cho đến cuối đời có thể bà cũng vẫn sống với kiếp nghèo khổ, cơ cực bởi bà nói rằng, đời này bà chỉ làm muối thôi.

Chuyện người phụ nữ bên cánh đồng muốiBà Lê Thị Thy (trái) và PV trên cánh đồng muối trước nhà bà Thy đang sinh sống.

Có lẽ, nghề muối đến với bà như một định mệnh mà bà buộc phải chấp nhận sống với  nó. Đất ở Tam Đồng mặn mòi như muối, không một loại cây lương thực nào có thể đơm mầm, kết trái. Truyền thống của làng và gia đình là nghề muối, nên từ thâm tâm, bà muốn níu giữ lại nghề đã nuôi sống gia đình qua nhiều thế hệ. Hơn nữa, căn nhà bà sinh sống hơn nửa đời người lại nằm sát bên đền bà chúa Muối linh thiêng như một cái duyên trời định gắn bà với nghề muối. Vì thế, cứ những hôm rằm và mùng một bà lại sang đền thành tâm cầu khấn cho gia đình nhỏ của mình đỡ cực khổ. Hiện tại, bà Thy vẫn bám trụ ở những đồng muối dài, rộng tít tắp...

“Bà mới cắm sổ lương hưu gia đình liệt sĩ để lấy tiền cho con gái chữa bệnh. Còn đứa cháu mới xin đi làm công ty sứ nhưng bị mọi người dè bỉu, nó khóc rồi xin nghỉ trốn trong nhà mấy ngày nay. Đấy, kẻ đầu bạc lo người đầu xanh” - bà Lê Thị Thy chia sẻ.

Tất cả dành hết cho con

Là phụ nữ, ai cũng đáng được yêu thương và nâng niu, thế nhưng cuộc đời bà nhiều nỗi bất hạnh. Sống trong thời chiến tranh loạn lạc, năm 16 tuổi, bà xung phong vào đội trực chiến tại các hố bom ở địa phương, biết bao lần đối mặt với cái chết. Bà Thy lần hồi trí nhớ kể cho khách lạ: “16 tuổi, bà cùng bạn bè vác cuốc xẻng ra tận thị trấn, cách đây mấy cây số để lấp hố bom. Mấy lần xém chết vì thấy máy bay địch trên trời mà còn chưa chạy được vào hầm trú ẩn. Bà từng chứng kiến đồng đội hy sinh, đau đớn lắm!”.

Đến khi lấy chồng, ở với nhau được vài tháng, chồng bà lại vào chiến trường Tây Ninh đánh đuổi đế quốc xâm lược theo tiếng gọi của non sông, Tổ quốc. Khi con gái được hai tuổi thì cũng là lúc bà Thy nhận được giấy báo tử của chồng. Nỗi khổ đau, cơ cực của bà lại tăng bội phần, nhưng cũng từ đó một mình bà làm lụng quần quật, vừa phụ giúp bố mẹ chồng già yếu vừa nuôi nấng đứa con gái bé bỏng. Ban ngày phơi mình trên cánh đồng muối đến cháy da cháy thịt; đêm về, giường đơn gối chiếc đằng đẵng mấy chục năm trời, chỉ có con gái là động lực để bà cố gắng. Bao tháng ngày nuôi con gái lớn khôn, khi con lập gia đình bà thấy lóe lên những niềm tin, nhưng một lần nữa niềm vui không mỉm cười với bà. Con gái bà Thy không may lấy phải một người chuyên đi uống rượu, bỏ vợ lấy người khác, để lại con gái bà cùng đứa cháu gái bơ vơ. Hiện tại, trong căn nhà tình nghĩa có ba người phụ nữ tội nghiệp dựa vào nhau sống qua ngày gồm bà Thy, con gái bà và cô gái tên An - cháu ngoại bà Thy.

Dường như lâu lắm mới có người ngồi cùng tâm sự, lắng nghe nên bà Thy dốc lòng chia sẻ. Bà bảo rằng, con gái bà năm nay đã 47 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm, bệnh tật. “Trông nó to thế kia thôi nhưng không làm được gì. Người ta bảo nó mắc bệnh tim. Bà mới cắm sổ lương hưu gia đình liệt sĩ để lấy tiền cho nó chữa bệnh. Còn đứa cháu, mới xin đi làm công ty sứ nhưng bị mọi người dè bỉu, nó khóc rồi xin nghỉ trốn trong nhà mấy ngày nay. Đấy, kẻ đầu bạc lo người đầu xanh” - bà Thy nói như muốn khóc. Bà cũng lo lắng, không biết đến lúc nào mới có thể chuộc lại được sổ lương, khi nào bữa cơm mới có thêm miếng thịt để mẹ con, bà cháu đỡ khổ.

Bà Thy cho biết thêm, trong người có bệnh nhưng không có điều kiện khám chữa, bà dành tất cả số tiền để cho cô con gái bớt đau đớn vì bệnh tật dày vò. Giọng bà nghe đắng chát: “Bà không chữa bệnh vì bà biết đã già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, nhưng con bà còn trẻ, bà phải dành tiền chữa bệnh cho con dù có nhịn đói cũng được”. Còn với câu hỏi của tôi “Sao bà không lấy chồng khác?”, bà Thy nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ và nhỏ nhẹ: “Bà mà lấy người khác, con bà ai lo. Duyên số không may thì chấp nhận thôi”. Thế mới biết, ở người phụ nữ ấy là cả sự hy sinh lớn lao về tình nghĩa vợ chồng, tình thương con vô bờ bến, nghị lực sống phi thường mà hiếm ai có được. Bà Thy nay chẳng có gì, bà chỉ có những tình yêu lớn: yêu nghề, son sắt thủy chung với người chồng đã khuất và thương yêu con đến bất tận.


Bài, ảnh: Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn