Trong căn nhà nhỏ tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (SN 1940) - một trong ba thanh niên xung phong đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi chăm chú nghe kể về những lần người phụ nữ này được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mở đầu câu chuyện, bà kể tuổi thơ bà mồ côi, lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Trưởng thành rồi kết hôn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Cuối năm 1965, bà Huế làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 12A huyền thoại.
Bà Huế được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 gồm 16 chị em, được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Đây là tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng để hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá với một lượng bom đạn khổng lồ nhằm cắt đứt con đường này. Cũng từ đó, những chiến công của bà cùng đồng đội liên tiếp được lập nên.
Năm 1966, bà Huế được cử ra Hưng Yên tập huấn tại Trường Chính trị nghiệp vụ Thanh niên xung phong Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên người phụ nữ này được gặp Bác Hồ.
Vào buổi chiều kiểm tra môn bắn súng, cả 3 lần bắn bà đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái quê Quảng Bình bắn súng giỏi, Bác đến thăm hỏi và khen. Hôm tổng kết lớp, Bác Hồ khen: "Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi", bà Huế tự hào nhớ lại giây phút thiêng liêng đó.
Cuối năm 1966, bà Nguyễn Thị Kim Huế lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành Giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác.
Lần thứ ba, bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ là dịp Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Lần này, bà Huế được vinh danh Anh hùng, được Bác Hồ tự tay gắn huy hiệu Anh hùng lên ngực áo, quàng khăn rồi tặng một chiếc đồng hồ đeo tay của Nga.
Lần thứ tư được gặp Bác có thể nói là lần gặp xúc động và vinh dự nhất trong cuộc đời bà Huế. Tại Đại hội TNXP lần thứ tư tháng 7/1967, lần này, bà Huế cùng bà Nguyễn Thị Nguyệt, dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam thay mặt Đại hội tặng hoa cho Bác. Cũng từ khoảnh khắc ấy, bức ảnh "Bác Hồ với TNXP" ra đời.
Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác Hồ là lúc bà chuẩn bị sang Liên Xô. Đoàn của bà được Bác mời cơm tại Phủ Chủ tịch để nghe dặn dò. Kỷ niệm đáng nhớ và in dấu mãi trong đời bà cũng diễn ra trong bữa cơm này. Khi đó, một hạt cơm vô tình bị rơi ra ngoài, Bác cầm lên và dặn: "Hạt cơm từ hạt gạo mà ra. Người nông dân làm ra hạt gạo là biết bao nhiêu công sức. Từ cày bừa, gieo hạt đến khi thu hoạch đem xay, giã, giần, sàng, nấu chín mới thành hạt cơm bác cháu ta ăn. Vì vậy hạt gạo là hạt ngọc...", bà Huế thuật lại lời Bác.
Bà Huế cũng không ngờ đây là lần cuối cùng bà được gặp Bác, vào mùa thu năm 1969 Bác Hồ ra đi mãi mãi.
"Lúc biết tin Bác Hồ mất tôi đau buồn lắm. Người đã dành cả cuộc đời, dành tình yêu thương cho nhân dân, cho đất nước, nay Bác mất lòng tôi đau khôn xiết. Đợt đó tôi cũng được cử đi viếng Người, nước mắt tuôn trào khi tôi được vào viếng Bác".
Giờ đây, đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm", bà Huế vẫn vui sống với những ký ức đẹp đẽ mà mình đã được trải qua trong những ngày đất nước chìm trong khói lửa.
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng