Hà Nội

Chuyện mưu sinh khó tin của những người hùng Việt Nam tại Paralympic

15-09-2016 11:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Các tuyển thủ Việt Nam đang làm nức lòng người dân cả nước khi đoạt tới 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại cuộc đấu quốc tế lớn nhất dành cho những người khuyết tật.

Các tuyển thủ Việt Nam đang làm nức lòng người dân cả nước khi đoạt tới 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại cuộc đấu quốc tế lớn nhất dành cho những người khuyết tật. Để bước tới đỉnh cao nhất ấy, họ đã không chỉ phải vượt qua những nghịch cảnh về thể chất, trong tập luyện thi đấu mà cả gánh nặng cơm áo đè nặng.  Nhà vô địch cử tạ Lê Văn Công hay Á quân bơi Võ Thanh Tùng chính là những điển hình.

Nhà vô địch Văn Công với nghề buôn, sửa đồ dạo

Nhà tân vô địch và kỷ lục gia Paralympic Lê Văn Công từ quê Hà Tĩnh vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi chân teo do dị tật bẩm sinh. Suốt 11 năm trước khi chinh phục đỉnh cao nhất thế giới, đô cử sinh năm 1984 không ngày nào không bị ám ảnh bởi một câu hỏi làm gì để có ít nhất 100 nghìn đủ tiền thuê nhà và ăn. Gần đây, tình cảnh  cũng có phần đỡ hơn khi Công lấy vợ, học được một nghề sửa chữa máy móc, điện tử, song gánh nặng cơm áo vẫn thường trực. Cả gia đình anh ở trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2 và cứ buổi sáng, Công lại phải ra đường trên chiếc xe lăn cùng lỉnh kỉnh đồ nghề để đi khắp các nơi trên địa bàn quận Tân Bình rao mua hay sửa đồ cũ. Thi thoảng Công cũng có mối đặt sửa chữa tại nhà, song với số lượng rất nhỏ.

Nhà vô địch cử tạ Lê Văn Công.

Thu nhập của cái nghề “dạo” này rất bấp bênh, cố gắng lắm Công cũng kiếm không quá 3 triệu đồng/tháng. Cộng thêm phần của vợ, tổng nguồn thu đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống và nuôi con đã là may lắm. Kể từ lúc có con, vợ chồng anh vui lắm song lúc nào cũng chỉ lo con ốm hay phải đi viện thì thực sự không thể xoay sở.

Sau kỳ tích trên đỉnh Paralympic, Công có thể sẽ nhận được số tiền thưởng lên tới cả tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Phía sau cuộc đổi đời ngoạn mục ngày hôm nay là cả một hành trình vượt khó đầy khổ ải.

Á quân Thanh Tùng sống nhờ những chiếc điện thoại hỏng

Không phải đến khi giành HCB Paralympic mà kình ngư Võ Thanh Tùng chính là tuyển thủ người khuyết tật xuất sắc nhất Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây. Nếu như ở Hàn Quốc hay Thái Lan, những nơi thể thao khuyết tật đã chuyên nghiệp hóa, chắc hẳn một VĐV đẳng cấp như tay bơi 31 tuổi này không giàu to thì cũng có một cuộc sống dư dả. Chỉ có điều, ở Việt Nam, cái nghề chính từng nuôi sống anh cùng nghiệp thể thao trong một thời gian dài lại là việc sửa chữa điện thoại di động.

Kình ngư bị teo hai chân từ nhỏ này là một cử nhân và kỹ sư “xịn” từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành điện tử viễn thông Đại học Công nghệ thông tin. Mất tới gần 20 năm, qua nhiều lần dang dở mới hoàn thành chương trình phổ thông, rồi có được tấm bằng đại học, song Tùng cầm hồ sơ xin việc đến đâu cũng bị từ chối, thậm chí muốn thử việc để khẳng định mình cũng không được chấp nhận.

Á quân bơi Võ Thanh Tùng.

Cực chẳng đã, anh đành phải xin làm thợ sửa chữa thuê cho các cửa hàng điện thoại di động tư nhân với mức lương vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng. Mất 2 năm làm thuê, sau đó nhờ có được một khoản tích lũy mấy chục triệu đồng tiền thưởng thành tích, Tùng đã liều thuê địa điểm, mở một cửa hàng nhỏ của riêng mình. Rất may, nhờ tay nghề cao và luôn chu đáo nên cửa hàng của nhà vô địch khá đông khách, mỗi tháng cũng có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng. Mới đây, nhờ danh tiếng nên Tùng cũng xin được đi dạy thêm bơi cho trẻ em mỗi tuần vài buổi tối, có thêm 2 triệu nữa.

Mỗi ngày là một “cuộc chiến” gian nan

Văn Công, Thanh Tùng chính là những trường hợp điển hình cho cuộc sống, việc tập luyện thi đấu của hàng nghìn VĐV khuyết tật Việt Nam. Để có thể duy trì việc tập luyện, chứ chưa nói đến chuyện nâng cao trình độ, có thành tích các giải đấu, với họ, là cả một cuộc “chiến đấu” từng ngày, trước hết là với những nhọc nhằn mưu sinh thiết thân và nỗi đau của thân thể.

Điều đó hiện hữu một cách sinh động không chỉ tại nơi tập, điểm thi đấu mà trong cuộc sống, việc sinh hoạt của họ. Một VĐV điền kinh liệt chân phải dậy từ 4-5h sáng, tốn cả tiếng di chuyển trên chiếc xe lăn cho kịp buổi tập, rồi sau đó lại rong ruổi khắp các phố bán bánh mì hay chổi tự làm. Một VĐV bơi mất một chân kiêm dược sĩ sau hai buổi ngồi bán thuốc vội vàng đi bộ như chạy ra bể để thầy không phải chờ. Hai VĐV khiếm thị sau buổi tập ban ngày hăng say lại cùng nhau vác đồ nghề nhanh chóng đến tiệm xoa bóp để thực hiện công việc có thể giúp họ có vài chục nghìn. Xen giữa những cuộc gồng mình gắng sức ấy là bữa cơm bụi, bát phở hay chỉ là chiếc bánh mì mà với người khác chỉ là ăn tạm hay ăn nhỡ. Do điều kiện khó khăn chung cùng những bó buộc nên việc tập luyện  thể thao chưa thể đảm bảo cho mức thu nhập tối thiểu cho sinh hoạt. Họ chỉ được nhận mức hỗ trợ từ các địa phương giống như cho đối tượng phong trào, thường chỉ vài trăm nghìn và cao cũng khoảng 1 triệu mỗi tháng.


Bài, ảnh: Xuyến Chi
Ý kiến của bạn