Cứ mỗi khi Tết sắp cận, ngày trở nên gấp gáp với cái cảm giác nôn nao, nửa âu lo nửa háo hức, nhà nhà bận rộn sắm Tết, tôi lại nhớ tới dáng mẹ ngồi đảo mứt nơi góc bếp nhỏ xưa.
Thường cứ sau ngày 23 tháng Chạp, tiễn ông Công ông Táo về trời xong là mẹ tôi bắt đầu mua các loại nguyên liệu về chuẩn bị làm mứt Tết. Mẹ tôi làm bác sĩ, công việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu vắt kiệt sức lực của bà. Vậy mà bà vẫn tìm đâu ra thời gian để đi chợ mua gừng, cà rốt, dừa, bí xanh để làm mứt. Thời bao cấp, đây là mấy loại mứt phổ biến, có lẽ bởi nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền. Bí xanh là món ăn mà tôi ghét nhất. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghĩ tới bí xanh tôi lại nhớ tới cái mùi chua chua, nồng nồng của món bí luộc mà các bếp ăn tập thể hầu như bữa nào cũng có. Ngày ấy mẹ bận trực viện, bố ở chiến trường, tôi lang thang trong bệnh viện. Đến bữa, các cô y tá trong khoa dắt tôi xuống bếp tập thể ăn cơm. Mà ngay cả cơm nhà, nhiều khi cũng có món bí xào, bí nấu. Bí xanh khi ấy không có quả nào non xanh như bí bày bán ngoài chợ hay siêu thị bây giờ. Thời ấy, bí xanh (hay còn gọi là bí đao) cùng với bí đỏ là loại thực phẩm có thể để trữ được từ mùa này sang mùa khác và vì thế quả nào quả nấy già câng. Lớp vỏ bí rắn đanh, mốc trắng luôn là nguồn cơn sợ hãi của tôi mỗi lần phải gọt bí nấu ăn. Không chỉ một lần con bé là tôi khi ấy bị dao gọt trượt trên vỏ cứa luôn vào tay. Có lẽ vì thế, ngoài ngán món bí xanh già chua chua, tôi còn sợ nữa. Thế nhưng bí xanh già lại là nguyên liệu làm mứt bí rất vừa vặn. Giờ mà các bà nội trợ hay các em gái muốn kiếm bí xanh già thì hơi khó, có lẽ phải dặn trước nhà vườn hoặc mua trên miền núi, nhưng thời bao cấp, gầm giường nhà nào cũng có bí xanh loại này. Bí xanh già quả, gọt vỏ, bỏ ruột, thái miếng con chì nho nhỏ. Tại sao lại có cái cách hình dung “con chì”? Hồi bé tôi cũng thắc mắc với mẹ như thế. Mẹ tôi nhẹ nhàng giải thích rằng, con chì là những miếng chì nho nhỏ người ta mắc vào lưới đánh cá với mục đích để quăng lưới chính xác, con chì nặng nên khi quăng lưới kéo lưới xuống không để lưới bị sóng nước đánh trôi. Cắt miếng con chì là cách cắt thành miếng hình khối chữ nhật, dài cỡ 2 đốt ngón tay giữa của người lớn, dày cỡ 1-1,5cm. Trí óc non nớt của tôi lập tức hình dung ra ngay cảnh đánh lưới, quăng chài vẫn nhìn thấy trên ảnh báo chí, có điều chẳng sao liên hệ được mấy cái cục chì dù là nho nhỏ ấy với miếng mứt bí trắng ngần mà mẹ làm ra.
Mứt bí đao thơm ngọt trên bàn mời khách.
Làm mứt bí hay mứt cà rốt không thể thiếu được món vôi tôi. Bà bác tôi đã ngoài 90 tuổi, lưng còng gập, răng móm mém nhưng vẫn nghiện ăn trầu. Bước vào phòng bà bây giờ, có ít nhất là 3 hũ vôi tôi. Cái thì tôi vào ấm tích, cái thì tôi trong vỏ hộp sữa. Bà bảo, trữ vôi tôi để ăn dần vì giờ kiếm được vôi cục để tôi khó khó là. Con cháu nhờ mãi mới lấy về được vài cục nên bà quý lắm. Dẫu khó thế nhưng nếu muốn làm mứt bí hay mứt cà rốt bây giờ vẫn phải cố lùng cho ra. Thời bao cấp thì quá dễ để có một cục vôi. Lúc ấy, làm gì có sơn tường như bây giờ, nhà nào gần Tết muốn sửa sang cũng chỉ quét một lượt vôi trắng, sau đó phủ lên vôi ve màu xanh hoặc vàng. Bí hay cà rốt đều phải ngâm qua nước vôi trong (vôi đã tôi, hòa ra với nước, để lắng lấy nước trong). Bí ngâm nước vôi một đêm, bẻ miếng bí thấy trong trắng là được. Vớt ra rửa kỹ cho hết nước vôi rồi trần qua nước sôi có bỏ tí phèn chua. Bí muốn trắng phải đem phơi nắng vài tiếng. Phơi xong lại bỏ bí vào ngâm tiếp với nước phèn 2-3 tiếng mới vớt ra rửa sạch, để ráo. Cho bí vào xoong, trộn đều với đường trắng một đêm cho ngấm. Khi sên mứt bí phải để lửa nhỏ, sôi kỹ thì bắc ra để nguội. Lần sên thứ hai, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho đến khi nước đường sánh lại, kéo đũa thấy như sợi tơ thì bắc xuống cho vani vào. Lúc này tôi luôn ngồi ghé ngay bên cạnh mẹ tôi, ngóng chờ lúc miếng mứt bí dưới đôi đũa cả thần kỳ của mẹ nhào lên lộn xuống trong ít phút trở nên cứng lại, lớp đường hoán trắng bám đều xung quanh rất hấp dẫn. Chỉ nhìn thôi đã biết ngon ngọt thế nào. Trong mấy loại mứt mẹ làm, tôi hay ngồi xem nhất là mứt bí. Mứt cà rốt theo mẹ nói là loại “dễ nhất trần đời” chỉ thu hút tôi khi mẹ tỉa hoa. Những bông hoa cúc, những cây thông đỏ hồng rơi ra dưới con dao bài của mẹ. Mứt dừa cũng vậy, nạo xong dừa là tôi quên luôn. Nhưng riêng mứt bí, tôi luôn dõi theo từ đầu cho tới lúc những miếng mứt trắng tinh được mẹ để nguội xếp vào vỏ hộp sữa Guigoz. Giờ nghĩ lại, có lẽ chính sự biến đổi thần kỳ từ một thứ mà tôi rất ghét ăn thành món mứt thơm ngon đẹp đẽ bắt mắt và khiến đứa trẻ con là tôi khi ấy phải tứa nước bọt mới thực sự thu hút tôi.
Mẹ kể, chính trong một lần đảo mứt như thế, mẹ nghe râm râm đau bụng, bố tôi đang trực tại bệnh viện nên mẹ cố sên cho xong chảo mứt mới đứng lên thay quần áo, xách cái làn mây đã chuẩn bị sẵn từ trước, đi bộ vào bệnh viện để... đẻ. May mà nhà tôi gần bệnh viện. Bố tôi đi một vòng các khoa, khi quay về đón được tôi trên tay cô đỡ. Chẳng biết có phải vì câu chuyện này hay vì dáng ngồi tảo tần của mẹ vào ngày sát Tết bên bếp lửa mà tôi luôn nhớ đến những món mứt ngày xưa. Khi ấy, vì sên mứt rất lâu nên chiếc bếp dầu phải hạ từ trên bệ bếp xuống dưới sàn. Mẹ ngồi trên chiếc ghế đẩu, xung quanh là chạn bát, vại dưa. Căn bếp thời bao cấp bé tẹo tèo teo nhưng ấm sực, thơm nức mùi vani.
Bây giờ mứt Tết rất phong phú.
Giờ mứt Tết có rất nhiều loại và thường được đóng hộp rất đẹp, bày bán trong các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị. Có thời gian, mứt là mặt hàng ế ẩm trên các kệ hàng Tết. Một vài năm nay, rất nhiều giá trị cũ quay trở lại trong đó có mứt Tết. Đặc biệt là mứt Tết hanmade. Cháu gái tôi đảm đang có tiếng, trước Tết Nguyên đán hàng tháng trời đã bắt đầu up lên facebook ảnh và clip làm mứt. Nào là mứt khế vườn nhà, có ít quả nên số lượng có hạn. Nào là mứt gừng mật ong, rồi mứt dừa các vị, đủ màu. Lạ là nó làm đến đâu, người ta đặt mua hết veo đến đấy. Không biết bao nhiêu người trong đó ngoài chất lượng mứt còn bị thu hút bởi mấy cái clip cháu tôi ngồi đảo mứt? Cái mác hanmade hay là mác nhà làm thu hút hơn nhỉ? Riêng với tôi, mứt Tết gắn với dáng ngồi bên bếp lửa ấm áp của mẹ. Chữ “nhà” hình dung thân thương làm sao!