Chuyển mùa, coi chừng viêm kết mạc cấp

23-09-2018 07:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm kết mạc cấp hay còn gọi là đau mắt đỏ thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Dịch thường xuất hiện vào tháng 6-7, hoặc đầu tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virut.

Đặc biệt trong thời gian này, mưa lũ khiến đồng bào ở nhiều địa phương phải sống trong cảnh ngập nước, thiếu thốn điều kiện ăn ở, vệ sinh, bệnh viêm giác mạc cấp càng dễ bùng phát.

Nguyên nhân của bệnh viêm kết mạc cấp, 65-90% là do Adenovirus, ngoài ra có thể là Enterovirus. Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể là liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Viêm kết mạc do lậu gặp ở trẻ sơ sinh do lây truyền từ mẹ sang con là một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây thành dịch. Một người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần, do đó cần giữ vệ sinh tốt để kiểm soát tránh nhiễm bệnh cho mình và lây cho người xung quanh.

Cảnh giác bệnh dễ lây thành dịch

Mùa mưa là thời điểm dịch đau mắt có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan nhanh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virut tấn công dễ dàng hơn.

Chuyển mùa, coi chừng viêm kết mạc cấpKhi có dấu hiệu đau mắt, phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt đề điều trị kịp thời.          Ảnh: TM

Bệnh lây lan do tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.

Viêm kết mạc cấp có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh. Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc thường từ 5-10 ngày. Đa số trường hợp khỏi sau 7-14 ngày, một số trường hợp bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần. Phần lớn các bệnh nhân viêm kết mạc cấp khỏi hoàn toàn, một số ít trường hợp bệnh có thể để lại di chứng viêm giác mạc kéo dài, dẫn tới giảm thị lực.

Dấu hiệu mắc bệnh

Bệnh viêm kết mạc cấp biểu hiện ở mắt đỏ, cộm như có cát trong mắt và có nhiều dử ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó có thể lan qua mắt thứ hai. Buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu trong hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh. Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng, bám vào mặt kết mạc của mi, thấy khi lật mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Giả mạc xuất hiện thường gây ra các tổn thương trên giác mạc (trợt, viêm biểu mô giác mạc) làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, sợ ánh sáng, có thể gây giảm thị lực sau này.

Trong trường hợp chưa có biến chứng trên giác mạc, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm.

Một số người bệnh còn có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai, họng đau mỗi khi nuốt nước bọt.

Cần phân biệt viêm kết mạc cấp do lậu cầu: diễn biến tối cấp 12-48giờ, xuất tiết, tiết mủ rất nhiều, chảy trào ra khe mi, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Diễn biến bệnh rất nhanh và dẫn tới nhuyễn thủng giác mạc. Trường hợp có viêm kết mạc lậu cầu cần đến khám ngay tại cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng ngừa lây lan

Không dụi mắt bằng tay.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi tra thuốc và vệ sinh mắt.

Giặt khăn mặt bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.

Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm thường xuyên.

Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.

Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.Nếu bị đau mắt (thông thường sẽ bị một bên mắt trước), cần chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Tránh nằm nghiêng sang bên lành, nhỏ mắt rồi lau ngay gỉ và nước mắt chảy ra không để chảy sang mắt lành.

Chuyển mùa, coi chừng viêm kết mạc cấpViêm cương tụ  kết mạc nhãn cầu.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại. Trẻ bị bệnh nên ở nhà, không đưa đến trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

Cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.

Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, đặc biệt không đi bơi trong giai đoạn có dịch.

Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần. Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, nên ngủ riêng hoặc ngủ khác gối. Hạn chế đến chỗ đông người, đặc biệt là nơi đang có nguồn dịch.

Nếu nhiều người trong gia đình bị đau mắt đỏ thì mỗi người phải dùng riêng một chai thuốc nhỏ. Việc dùng chung một chai thuốc sẽ khiến bệnh có thể diễn tiến nặng thêm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị đau mắt đỏ phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt. Nếu bệnh không kịp thời được điều trị, chăm sóc cẩn thận, người bệnh sẽ bị giảm thị lực. Không tự ý mua thuốc tra nhỏ hoặc dùng thuốc của người khác tra nhỏ khi bị bệnh. Không tự đắp lá nha đam, lá trầu, lá dâu, ếch nhái vào mắt, không xông lá trầu, hạt na... vì có thể bị bỏng mắt và gây nhiễm trùng nặng thêm. Không nên tự mua thuốc tra nhỏ mắt có corticoid vì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và dử mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Việc điều trị, dùng thuốc tuyệt đối phải tuân theo lời dặn của thầy thuốc.


TS.BS. Nguyễn Thị Thu Thủy
Ý kiến của bạn