Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân trong đó có các nguyên nhân thuận lợi khiến nhiều trường hợp có nguy cơ mắc viêm phế quản cấp cao hơn những người khác, những đối tượng này bao gồm: Thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột; Cơ thể suy mòn, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch; Ứ đọng phổi do suy tim; Các bệnh của phổi như lao phổi và ung thư phổi. Đặc biệt, ngày nay, nhiều nghiên cứu cho rằng môi trường sống ẩm thấp nhiều khói bụi sẽ gây gia tăng người mắc bệnh.
Nguyên nhân tiếp theo là virut, vi khuẩn trong đó các virut thường gây nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm: influenza A và B, parainfluenza, corona virut (type 1-3), rhino virut, virut hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virut) và metapneumo virut ở người.
Các vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae, Moraxella catarrhalis...
Một số nguyên nhân khác: Hít phải hơi độc: khói thuốc lá, chlore, amoniac, acid, dung môi công nghiệp, yếu tố dị ứng: viêm phế quản cấp xảy ra giống như cơn hen phế quản, viêm phế quản cấp cũng hay xảy ra trên người hen, mày đay, phù Quinck.
Viêm phế quản thường khởi phát lúc giao mùa.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi. Khi tình trạng viêm chỉ khu trú ở phía trên hai dây thanh âm sẽ được các thầy thuốc chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên, bao gồm: viêm mũi, họng, thanh quản...
Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm (người bệnh có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Sau đó, bệnh nhân xuất hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đờm nhưng nhiều trường hợp có ho, khạc đờm. Trong những trường hợp này, người bệnh nên khạc đờm ra tờ giấy trắng và nhận biết màu sắc đờm của mình. Nếu đờm màu trắng trong, khi đó bệnh thường chỉ do virut, nhưng khi thấy đờm có màu vàng, màu xanh hoặc màu đục như mủ: những trường hợp này thường là viêm phế quản cấp do vi khuẩn, cần được dùng kháng sinh.
Một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có thể có khó thở hoặc có sốt, thậm chí có thể có đau ngực. Để tránh nhầm lẫn viêm phế quản cấp với những bệnh nhiễm trùng hô hấp khác, tất cả những trường hợp có ho, khạc đờm mà kèm theo chỉ cần một trong các biểu hiện như: bệnh kéo dài quá 5 ngày, có thêm biểu hiện sốt, khó thở, tức ngực hoặc mệt nhiều..., cần đến khám bác sĩ ngay.
Điều trị như thế nào?
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp do căn nguyên virut. Ở những trường hợp này, dùng kháng sinh không có tác dụng. Do đó, việc chỉ định nhất loạt kháng sinh cho tất cả các trường hợp viêm phế quản cấp là không cần thiết. Chỉ nên dùng kháng sinh cho các trường hợp viêm phế quản cấp có kèm thêm: Bệnh nhân có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch; Bệnh nhân trên 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau (hoặc bệnh nhân trên 80 tuổi kèm thêm 1 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu): nhập viện trong 1 năm trước; có đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2; tiền sử suy tim xung huyết; hiện đang dùng corticoid uống.
Ngoài sử dụng các kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ thì bệnh nhân cần uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để hạn chế viêm phế quản cấp, cần vệ sinh họng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng và súc họng nước muối nhạt sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Không nên hút thuốc, bất kể là thuốc lào hay thuốc lá, không nên uống nhiều rượu bia. Nên vận động cơ thể đều đặn, chú ý tập thở (hít sâu, thở ra từ từ) hoặc đi bộ (vừa đi vừa hít thở đều đặn).
Loại bỏ yếu tố kích thích tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm; giữ ấm vào mùa lạnh.
Tiêm vắc-xin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65. Cần điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch là vô cùng cần thiết.
Viêm phế quản cấp cũng thường liên quan nhiều tới tình trạng dùng kháng sinh không phù hợp. Căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất là do virut. Kháng sinh không trị được virut, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu nhận thấy, có tới 70% số trường hợp viêm phế quản cấp đã dùng kháng sinh. Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết những bệnh nhân khi đến khám bác sĩ đều đã dùng kháng sinh: khoảng 75,5% bệnh nhân viêm phổi do phế cầu và tụ cầu đã dùng kháng sinh từ 1 - 4 ngày trước vào viện. Nhiều trường hợp bệnh lý khác, do có triệu chứng không điển hình nên có thể chẩn đoán nhầm với viêm phế quản cấp như viêm phổi, hen phế quản, ung thư phổi.
Trong thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện xu hướng kê kháng sinh phổ rộng trong điều trị viêm phế quản cấp. Điều này gợi ý trong tương lai gần, tình trạng kháng những kháng sinh này sẽ tăng nghiêm trọng.