Hà Nội

Chuyện "mắt thấy tai nghe" ở phòng khám nhi Nhật Bản

19-07-2014 09:23 | Đời sống
google news

Khi cho con đến khám phòng khám nhi tại Nhật Bản, nhìn y tá dán miếng gạc có hình Pikachu dễ thương lên vết tiêm, mình cảm thấy vui

Mẹ Masao - một bà mẹ Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian sống và nuôi con ở đất nước này.

Thi thoảng mình cũng hay phải bế bé đi viện. Đến bệnh viện cho trẻ (phòng khám nhi) ở Nhật thật thích, nhìn cách y tá họ dán cái miếng gạc có in hình Pikachu dễ thương lên vết tiêm ở tay mỗi em bé sau khi tiêm luôn làm mình thấy vui. Họ chu đáo đến từng thứ nhỏ nhặt nhất, như cây bút, miếng ghim cài bảng tên của bác sĩ, y tá cũng có in hình Mickey, gấu Pooh… miếng giấy hướng dẫn cha mẹ theo dõi con sau tiêm mặt trước là chữ, mặt sau là bộ sticker hoạt hình cho bé, hay trên mấy cây truyền nước cho trẻ ốm đều được treo một con gấu bông xinh xinh cho trẻ và gia đình đỡ căng thẳng khi tới viện. Những điều nho nhỏ luôn làm mình cảm động ấy, hẳn là được làm xuất phát từ sự chu đáo, tận tụy và tình yêu con trẻ mà ra, chứ không hẳn phụ thuộc vào sự giàu có và văn minh.

1. Hôm nay đưa Masao đi khám vì bé bị ho. Ngồi cạnh mình có một bà mẹ trạc độ 30 tuổi và một bé trai độ 3 tuổi. Cả hai ăn mặc rất giản dị, nhưng sao mình thấy hình ảnh hai mẹ con ấy đẹp thế. Vì mình được chứng kiến một buổi chiều ấn tượng thế này.

Trong lúc chờ con khám và lấy thuốc, bà mẹ thật kiên nhẫn ngồi chơi với bé. Bé cứ đưa từng đồ chơi nhân vật hoạt hình Anpanman cho mẹ để mẹ sắp thành hàng và gọi lên chúng, rồi lại lặp lại tới chục lần. Người mẹ không lúc nào tỏ ra mất kiên nhẫn, luôn khen và động viên khi bé gọi lên đúng nhân vật. Sau khi khám xong, nhận thuốc xong hết rồi, mẹ vẫn thư thả nhắc bé: “Mẹ con mình ngồi đọc hết quyển sách này rồi hãy về nhé”.

Cả buổi hai mẹ con đọc hết 4 cuốn sách. Người mẹ chỉ ngồi một chỗ, bé tự ra giá sách lấy và tự chọn sách mình thích. Khi trả lại sách, bé đứng rất lâu để xếp sách đúng vào vị trí cũ, quay bìa sách ra ngoài một cách ngay ngắn nhất.

Mỗi lần đi lấy sách, bé tự động vòng ra đằng sau ghế để ko đi qua trước mặt người lớn. Vì băng ghế sau có nhà mình ngồi nên mẹ bé quay lại xin lỗi vì làm phiền cả nhà.

Mẹ nói bé đi vứt rác đi, bé tự động tìm và vứt rác đúng thùng được phân loại.

Lúc ra về, đứng trước cửa tự động cần nhấn nút mới mở, bà mẹ cao hơn nhưng không làm mà nhắc bé tìm xem nút ở đâu. Bé tự tìm và tự nhấn nút, cửa mở để hai mẹ con ra về.

Sau mỗi lần bé làm điều gì, mẹ cũng gửi tới bé 1 lời cảm ơn và lời khen rất chân thành.

Mình cứ nghĩ mãi, lý thuyết là phải động viên con, phải cho con tự lập, phải rèn con ngăn nắp thì mình biết rồi... nhưng làm thì hẳn không dễ, vì làm thế nào để có phong thái bình thản, kiên nhẫn và nhất quán trong cách nghĩ như của người mẹ kia? Hình như đến giờ mình mới lờ mờ hiểu cái câu “sinh con rồi mới sinh cha”, muốn dạy con cha mẹ phải tự răn mình cái đã!

 1

 

2. Trước hôm đi khám ho thì Masao phải đi viện một lần do bị nghi có triệu chứng bệnh tim (nhưng cuối cùng không sao cả). Trước khi tới viện, bố Masao có lên mạng tìm hiểu về triệu chứng này, ngạc nhiên khi thấy có những bà mẹ con ngừng thở cả chục giây vẫn bình tĩnh lên mạng tham khảo ý kiến, không vội vã đi viện. Nhìn lại thì thấy người Nhật không phải cứ khi con có triệu chứng gì cũng bế con đi viện, mà họ luôn theo dõi, tìm hiểu rồi mới quyết định phải khám hay không. Mọi người nói vì do bản tính họ bình tĩnh, còn theo mẹ Masao, có thể lý giải thêm theo mấy hướng sau đây:

- Khi gặp vấn đề về sức khỏe của bé, họ có thể tìm thông tin trên một số diễn đàn nuôi con của Nhật và thông tin ở đây thường chính xác và ít khi bị loạn xạ bát nháo. Trong cuộc sống, người Nhật khá thận trọng khi đưa ra lời khuyên hay thông tin đối với người khác và trên diễn đàn thì cũng như vậy. Người mẹ người cha được trang bị kiến thức rất tốt, họ đủ hiểu biết để phán đoán tình hình.

- Hệ thống y tế cộng đồng của Nhật rất tốt và người dân được hỗ trợ y tế rất sát sao. Khi em bé có vấn đề về sức khỏe, nếu có khúc mắc, bố mẹ có thể gọi điện thoại tới tư vấn với bác sĩ ở các cơ sở y tế công hay sở phúc lợi để giảm bớt lo lắng hoặc có hướng giải quyết cụ thể. Khi Masao mới sinh được 1 tháng, cơ quan này đã cử người tới thăm, hỏi han tình hình sức khỏe mẹ và bé và nếu cần hỗ trợ về thông tin họ luôn sẵn lòng. Sau đó khi bé được 3 tháng tuổi, bố Masao có gọi để nhờ tư vấn sắp xếp lịch tiêm chủng sao cho phù hợp, thì hôm sau họ cử người tới thăm luôn.

- Tuy được khám chữa bệnh và cấp thuốc cho bé với mức phí cực kỳ rẻ nhờ được sự hỗ trợ của nhà nước nhưng không phải bà mẹ nào cũng thích bế con đi viện. Bạn có biết bệnh viện là nơi dễ lây nhiễm bệnh nhất vì đông bệnh nhân lui tới mỗi ngày, chúng ta có thể hít phải hoặc tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh? Vì thế nếu con không bị bệnh nghiêm trọng, người ta thường theo dõi ở nhà chứ không muốn đưa đi viện. Mỗi lần Masao phải đi viện, vài người quen của nhà Masao luôn nhắc nếu không cần thiết thì đừng đi vì đang vào mùa bệnh dịch.

- Cuối cùng là ở cách nghĩ của họ: Đưa con đi khám bệnh khi con không thực sự cần khám (có thể dùng thuốc tại nhà) đánh mất rất nhiều thời gian, tiền bạc của cả bố mẹ lẫn bác sĩ. Nếu con chỉ hắt hơi xổ mũi mà ai cũng vội đưa con đi viện có thể dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, bác sĩ làm việc quá sức, bệnh nhân cũng phải chờ đợi mệt mỏi theo.

Trích đăng từ Facebook Trải nghiệm Nhật Bản của gia đình Masao

Theo afamily

 


Ý kiến của bạn