Chuyện ma hời trên đồi Trầu

28-10-2016 09:05 | Xã hội

SKĐS - Đến Phan Rang - Tháp Chàm, thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, ai cũng lên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh để chiêm ngưỡng ba ngọn tháp Chăm.

Đến Phan Rang - Tháp Chàm, thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, ai cũng lên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh để chiêm ngưỡng ba ngọn tháp Chăm. Ngọn tháp cao nhất (20,5m) thờ vua Po Klong Garai (1151-1205), người khai sáng nền nông nghiệp cùng với hệ thống thủy lợi, phát triển những nghề thủ công như dệt, gốm dân dụng, chế tác kim hoàn và giao thương đem lại sự phồn thịnh trong một giai đoạn dài của dân tộc Chăm. Hằng năm, hàng ngàn người Chăm về dự lễ hội Ka Tê để tưởng nhớ vị Thánh của dân tộc mình.

Những kho báu bí ẩn

Người kể những câu chuyện này là nghệ nhân Đàng Thị Phan ở làng gốm Bầu Trúc, người mà tôi gặp ở ngay Bảo tàng Chăm ở chân đồi Trầu. Chuyện ma hời xa xưa còn ám ảnh cho đến nay cũng bởi những kho báu bí ẩn của người Chăm còn rải rác đâu đó trong rừng hay trên những đồi cao. Người già kể lại, xưa dân tộc Chăm tạo nên thánh địa của riêng mình ngàn năm trước, ở rải rác từ Mỹ Sơn (Quảng Nam) vào tới Bình Thuận. Trải qua nhiều triều đại lịch sử chiến tranh liên miên đã làm thành trì Chăm đổ vỡ. Cách đây khoảng 500 năm, hàng chục ngàn người Chăm phải phiêu bạt khắp nơi để tránh họa đổ máu. Họ chia nhau tha hương nhiều ngả, khắp mọi nơi. Có khi cả một làng trôi dạt sang Cao Miên. Hàng ngàn người bỏ lên núi cao sinh sống. Họ trở thành cộng đồng với các dân tộc Tây Nguyên như Chu Ru hay Raglai. Trong cuộc bỏ chạy, vua chúa cùng nhiều dòng họ giàu có người Chăm đã đem theo của cải vàng bạc và báu vật gia truyền quý hiếm. Trước hết là phòng thân và sau đó giữ lấy những gì mang yếu tố văn hóa cội nguồn. Họ thường nhờ những người Raglai chôn giấu. Mỗi khi cần họ mới tìm đến.

Cảnh lễ hội Ka Tê.

Thời gian hàng trăm năm, cứ theo lệ, mỗi lần vào lễ hội Ka Tê là người Chăm lại nhờ người ở bộ tộc Raglai mang hộ những đồ tế lễ như tượng Thánh, xiêm y, vòng bạc... về đồi Trầu để làm lễ tắm cho Thánh rồi sau đó lại nhờ người Raglai đem lên núi. Thế rồi những kho châu báu rơi vào quên lãng. Có nhà tìm lại được nhưng đa phần chính những người Raglai cũng mất hết vết tích nơi chôn giấu. Từ đó nảy sinh những cuộc săn tìm đào bới những kho vàng của người Chăm. Những cuộc tranh chấp đã nảy sinh và những chuyện dao búa giữa các băng nhóm cũng thường xuyên diễn ra. Người chết trong cuộc chiến cũng như kẻ làm ma cho những cuộc săn lùng kho báu đã hiện về với hình bóng vảng vất lang thang trong đêm tối. Cho dù đã hàng trăm năm qua, lịch sử tiêu vong của một nhà nước Chăm, cùng với những kho báu bí ẩn đã trở thành huyền thoại ám ảnh và khêu gợi những dục vọng của những kẻ săn vàng qua bao thế hệ, bất chấp mọi hiểm nguy.

Sau khi ngồi nghỉ, hướng lên đồi Trầu, nghệ nhân Đàng Thị Phan nheo mắt nói, hồn ma cũng thường hiện lên ở đây. Ngoài những ngày lễ hội, còn quanh năm đồi Trầu quạnh vắng, thi thoảng mới có người lên thăm viếng. Đặc biệt các buổi tối và đêm khuya không mấy ai dám lên đây. Bởi khi bóng tối bao trùm, không gian trên đồi trở nên kỳ ảo và gợi sự ám ảnh hoang vu. Xương cốt của hàng ngàn người vẫn còn bị chôn vùi theo thời gian ở ngay dưới chân đồi. Từ xưa, người dân xung quanh thường nhìn thấy những hồn ma mờ ảo không đầu trong trang phục màu trắng nhấp nhổm hiện về. Những luồng gió từ sa mạc cát thổi về rú rít âm u làm không gian trên đồi càng rùng rợn, cùng với những tiếng khóc than và lời nỉ non ai oán. Người dân cho đó là những con ma hời, hiện về để thăm người thân hoặc đi tìm lại kho báu đã mất đi trong tiếc nuối.

Nghe đến đây tôi chợt rùng mình khi nhớ lại những câu thơ trong bài Đầu rơi của cố thi sĩ Chế Lan Viên: “Hãy trả lại đầu cho thi thể. Và hãy chôn trong cùng đáy mồ sâu. Đừng có để những đêm mờ vắng vẻ. Phải dội vang tiếng khóc quỷ không đầu”. Những câu thơ khóc cho một kỷ nguyên Chăm lụi tàn thật thê lương: “Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/ Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi/ Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn/ Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy” (Trích trong Điêu tàn - Chế Lan Viên). Sau này để xóa đi những cảm giác bi ai của dân tộc mình, nhà thơ người Chăm Inrasara ở Ninh Thuận đã viết những câu thơ đầy tâm trạng trong tập thơ Tháp nắng, với sự rạo rực tươi mới nhưng vẫn ẩn chứa sự hoang hoải tàn phai qua những câu thơ: “Rồi tôi ngóc đầu dậy. Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ. Như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố. Tôi tìm lại tôi - tìm thấy bóng quê hương”. Tôi chợt thấy nghệ nhân Đàng Thị Phan thở dài. Đôi mắt Chăm nhăn nheo khóe buồn rơi xuống gò má. Bà đứng dậy. Tôi theo bà về Bầu Trúc, nơi có những mảnh đất đỏ au như chính hồn cốt của con sông Quao nhập vào.

Lung linh hồn Chăm

Sân nhà nghệ nhân Đàng Thị Phan tràn ngập những vò lọ các kiểu dáng và những pho tượng Apsara cùng những chân dung cô gái Chăm. Đây là các tác phẩm của người con trai bà tên là Đàng Năng Tự (tục người Chăm - con lấy họ của mẹ). Tôi lại bất ngờ thấy nơi góc sân có một sa bàn dựng cụm tháp Po Klong Garai khá lớn. Nghệ nhân trẻ Đàng Năng Tự đến bên nói, đó là biểu tượng cho người Chăm về người anh hùng của mình. Đồng thời đây cũng là tác phẩm trình làng của anh về nghệ thuật gốm Chăm mà gia đình anh năm đời truyền lại. Hình ảnh đồi Trầu bỗng lại hiện lên câu chuyện ma hời trong dân gian. Khi tôi hỏi về những cuộc đào mộ lấy vàng của những hồn ma, anh Tự mỉm cười nhưng đôi mắt anh như pha một màu mây khói, ánh lên nét u trầm. Anh chậm rãi nói, đó quả là những câu chuyện man dại có thật của một thời quá vãng, trong cộng đồng người Chăm. Hàng trăm năm qua, nhiều kẻ liều mạng đào bới, kể cả quật mồ mả người Chăm lên để hy vọng tìm được những kho châu báu chôn theo. Bởi những chân tháp có thể là kho vàng. Những miếu thờ chứa cả kho châu báu của những ông hoàng, bà chúa cách đây hàng trăm năm.

Nghệ nhân Đàng Năng Tự.

Không nơi nào mà bọn trộm cướp không mò đến. Chúng đã động đến mồ mả và chạm đến vía Chăm. Những linh hồn thức dậy. Quanh quất và kêu than khắp nơi. Những đồ vật được chế tác từ vàng, từ ngọc lần lượt được đào bới làm tan nát cả một khu rừng và những ngôi mộ cổ. Đó là những cuộc chiến đẫm máu khi các băng trộm cướp cạnh tranh hoành hành. Chính vì thế những hồn ma không đầu hiện lên những vong linh của người Chăm muốn gìn giữ và ngăn chặn những người xấu dám săn tìm và đào bới những kho báu in dấu lịch sử và văn hóa Chăm bao đời nay. Đó là một cách lý giải của một nghệ sĩ như Đàng Năng Tự. Anh dựng một cụm tượng tháp để khẳng định, Chăm mãi mãi tồn tại như một dấu ấn văn hóa lịch sử và phát triển của cộng động người Chăm trên khắp thế gian này.

Sau đó tôi mới biết Đàng Năng Tự chính là học trò của nhà điêu khắc lừng danh Đàng Năng Thọ. Chung quanh tường sân đều là tác phẩm điêu khắc từ đất sông Quao của làng Bầu Trúc. Đó là bức tượng cô gái Chăm, hay hai mẹ con; hoặc chân dung người thợ gốm Bầu Trúc; còn đó là pho tượng lớn Apsara, vũ nữ Chăm. Nghệ nhân Đàng Năng Tự cầm miếng đất đỏ trên tay nói với tôi rằng, hồn vía Chăm tụ cả về đây. Một ngàn năm làng gốm tồn tại gìn giữ hình bóng của đế chế một thời lừng lẫy. Vậy đó, Po Klong Galai là một biểu tượng. Lễ hội Ka Tê là một nền văn hóa ngàn năm sống mãi. Đàng Năng Tự say sưa nói với hai bàn tay thấm đẫm màu phù sa thắm đỏ của sông Quao. Anh bắt đầu dựng một pho tượng gốm mới. Đó là ngôi tháp Po Sha Inư, chính là nơi thờ công chúa Chăm bất tử. Ánh mắt rất “Chăm” của Đàng Năng Tự bừng sáng lên trong câu thơ về tình yêu của Inrasara mà tôi tình cờ đọc được: “Hình như hồn buồn nàng hé nắng/ Sẵn sàng mọc trái cây ban mai”. Hy vọng của ngàn năm Chăm là thế. Những trái cây ban mai, bắt đầu cho cuộc sống mới của người Chăm.

Triết lý từ đất

Tôi được nghệ nhân Đàng Năng Tự dẫn xuống góc xưởng làm gốm của gia đình. Ở đó là góc riêng của những người phụ nữ làm việc. Nghệ nhân Đàng Thị Phan cùng mấy bà đang đi lùi quanh chiếc bàn gỗ. Hai bàn tay của bà vuốt và gắn đất cho hình thành dần chiếc bình lớn. Đó là công việc của những người thợ gốm ở Bầu Trúc. Chợt nhận ra đây có lẽ là nơi duy nhất làm gốm không có bàn xoay mà chính người thợ phải chuyển động quanh chiếc bàn gỗ. Nhưng vì sao họ lại phải đi lùi, theo hướng thuận chiều kim đồng hồ, thì tôi khó hiểu. Các bà thì nói làm từ bé nên quen và đó là phương thức chế tác một vật gốm mà ông cha truyền lại.

Nhưng lát sau, anh Đàng Năng Tự đến bên giải thích, khi lùi người thợ có thể nhìn được những đường vuốt của mình trên gốm thêm đẹp hơn. Mỗi bước lùi là một lần nhìn lại. Kiểm soát đường nét họa tiết rành rọt hơn. Chính đó là nguyên tắc lùi để nhìn về phía trước. Một triết lý của người Chăm khi đứng bên gốm. Và, đó cũng chính là bí ẩn của vẻ đẹp gốm Chăm. Nó cũng điển hình cho một kỹ năng tuyệt diệu khi người Chăm xây tháp Po Klong Galai trên đồi Trầu. Nghệ nhân trẻ Đàng Năng Tự nói về những khu tháp đỏ au kỳ vĩ trải dài từ Mỹ Sơn đến Bình Thuận là niềm tự hào của người Chăm suốt hơn ngàn năm qua.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn