Cuộc đời ông cũng chính như cái tên của ông vậy, đã nói thì nhất định phải làm, đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Gắn bó với nghề bốc thuốc từ lúc tóc còn ba chỏm, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn tâm niệm và răn dạy con cháu mình rằng “Chia nỗi đau với mọi người là hạnh phúc được nhân đôi”.
Lấy thơ răn mình
Căn nhà nho nhỏ ở ngõ 2, khu An Bình, (Vũ Thư – Thái Bình) là một địa chỉ được nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến. “Khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí”, “Chữa bệnh nan y để cứu người/Cứu người hạnh phúc của đời tôi....”. Những khẩu hiệu, những vần thơ được chủ nhân của ngôi nhà này, lương y Phạm Nhất Định trang trọng treo ở khắp nơi để tự răn mình. Bước vào căn nhà nhỏ, tiếp tục ngạc nhiên bởi khẩu hiệu “Sống: Cống hiến - Lao động - Học tập” gắn ngay trước cửa. Từ trong nhà bước ra với bộ quần áo bộ đội cũ kĩ trên người, ông Định cười hiền bảo: “Là một công dân, hơn nữa là một thầy thuốc tôi luôn tâm niệm mình đã sống thì phải cống hiến cho gia đình và xã hội, để cống hiến chúng ta phải lao động, muốn được lao động thì phải cố gắng học tập. Nếu không làm được ba điều này thì cuộc sống sẽ mất đi nhiều ý nghĩa”. Gấp lại đống sổ sách chữa bệnh, chi tiêu, ông Định trầm ngâm tâm sự.
Bác sĩ Định bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân. |
Ông Định sinh ra trong một gia đình ba đời làm nghề thầy thuốc, các con ông đã là đời thứ tư. Quê gốc ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, Nam Định. Thời kháng chiến chống Pháp, ông Định theo quân du kích bị địch bắt nhốt trong nhà máy Chai Nam Định và bị tra tấn, nhưng ông kiên quyết một lòng theo cách mạng. Không lay chuyển được ý chí của ông, cuối cùng bọn chúng phải thả ông một cách vô điều kiện. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Trường Y tá Liên khu III, ông Định được cử về làm Trưởng phòng Y tế huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) rồi học dần lên bác sĩ. Năm 1969, với tư cách là chuyên gia y tế, ông được cử sang giúp đỡ nước bạn Lào. Năm 1973, ông lấy bằng Bác sĩ Chuyên khoa dân tộc và gắn bó với công việc bốc thuốc Đông y cho đến tận bây giờ.
Người “ki bo” nhất Thái Bình
Đang nói chuyện thì anh nhân viên bưu chính tới nói ông Định có thư. Ông cho biết đó là thư cảm ơn của một bệnh nhân trong Đắk Lắk gửi ra. Ông lục ngăn kéo lấy ra hàng trăm bức thư từ mọi miền tổ quốc gửi về cảm ơn bác sĩ Phạm Nhất Định. Trong lúc ông bốc thuốc cho một người bệnh ở Nam Định, tôi thử đặt tập thư lên chiếc cân đồng hồ thì chiếc kim chỉ 2kg. |
Lần khác, khi chương trình “Người xây tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam phát câu chuyện cảm động về một cô gái tên Nga vì nhận nuôi con của một người bạn từ thời sinh viên mà phải chịu không biết bao nhiêu tủi nhục, ông Định cảm động lắm. Ông thuyết phục vợ bán chiếc nhẫn mà con gái tặng được 1,8 triệu đồng, sau đó ông phụ thêm 100 nghìn đồng gửi tặng cô gái đó nuôi con cùng một lá thư động viên. Khi tôi hỏi kỉ niệm khó quên trong đời thầy thuốc của mình, mắt ông Định ánh lên một niềm vui: “Với tôi cứu giúp được một người là có một niềm vui. Nhưng kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là đầu năm 2003. Hôm đó, tôi đang nghỉ trưa thì nghe thấy tiếng khóc rất thảm thiết của một đứa trẻ. Với kinh nghiệm thầy thuốc của mình, tôi nhận ra ngay là tiếng khóc của người bị bệnh. Ra ngõ, tôi thấy một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang bế trên tay một đứa trẻ ốm yếu. Qua trò chuyện tôi biết được con chị ấy bị bệnh viêm tắc động mạch, phải tháo khớp tứ chi, đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng hết tiền đành phải quay về phó mặc cho số phận. Thấy vậy, tôi chủ động nói rằng: Tôi đồng ý chữa trị miễn phí cho con chị bằng thuốc Đông y đến khi cháu khỏi bệnh thì thôi. Mặt khác, sẽ bảo lãnh chữa bệnh cho cháu suốt đời nếu bệnh tái phát. Tôi mất đi rồi, các con tôi sẽ có trách nhiệm làm công việc mà tôi đã hứa”. Ông Định vui vẻ cho chúng tôi biết cháu bé ngày đó tên là Nguyễn Thị Hiền ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư giờ đã lớn và đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Vũ Thư. Người dân sống cạnh nhà bác sĩ Định cho chúng tôi hay. Cứ đến cuối tuần là cháu Hiền lại đến thăm người ông “đặc biệt” đã cưu mang chữa trị khỏi bệnh cho em.
Cháu Hiền trước và sau khi được bác sĩ Định chữa trị khỏi. |
Ông lão Phạm Nhất Định nay đã ở cái tuổi 80, lưng đã mỏi, gối đã chùn nhưng ông chưa một ngày nghỉ ngơi. Ông bảo còn sống ngày nào thì phải là người có ích cho xã hội ngày đó. Mỗi tháng ông nhận được 2,8 triệu đồng tiền lương hưu, 1/4 số tiền đó ông dành để giúp đỡ những người nghèo khó, trẻ em cơ nhỡ, người tàn tật neo đơn. Tiền lãi từ việc bán thuốc hàng ngày, ông bỏ lại một ít cất vào một chỗ riêng để đề phòng khi đột xuất có người khó khăn cần giúp đỡ. Mới đây, ông đã liên hệ với Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư tiến hành làm và cấp phát thêm thẻ chữa bệnh cho 72 cháu mồ côi không nơi nương tựa. Chỉ cần cầm chiếc thẻ đó đến nhà ông bất cứ thời gian và hoàn cảnh nào ông đều chữa trị và cấp phát thuốc miễn phí.
Ngoài việc chữa bệnh cứu người, ông Định cũng tích cực tham gia các phong trào xã hội, ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thầy thuốc cao tuổi... Hằng năm ông còn dành một số tiền lớn cho phong trào khuyến học khuyến tài của thị trấn. Tôi ngỏ ý thắc mắc việc ông lấy tiền đi làm công việc “vác tù và hàng tổng này”, vợ và con ông không phản đối sao? Ông cười khà khà: “Ngày xưa bố mẹ tôi dạy tôi phải biết lấy trung làm hiếu, lấy nghĩa làm người. Cho dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ đúng lương tâm của người thầy thuốc. Giờ tôi đem đạo lý đó răn dạy con cháu mình. Bản thân các con tôi, bà nhà tôi cũng là một thầy thuốc nên mọi người đều hiểu và thông cảm công việc tôi đang làm”. Nói rồi ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ mà ông đúc kết: “Tiền bạc trên đời ai chẳng quý/Miễn đừng tâm đức hóa thành vôi...”.
Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư, chỉ trong vòng hai năm từ 2005 - 2006 ông Định cấp thuốc cho người có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi hơn 10 triệu đồng, góp Quỹ Xóa nhà dột nát của thị trấn Vũ Thư, Quỹ Khuyến học, Quỹ Nâng cao chất lượng dân số hơn 7 triệu đồng. Dành toàn bộ 4 triệu đồng tiền Huân Huy chương cho vay giảm nghèo không thu lãi. Khám, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí cho hơn 7.000 lượt người, cấp 95 sổ khám chữa bệnh thường xuyên cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Dù tuổi cao sức yếu nhưng hàng năm bác sĩ Định vẫn dành hơn 10 triệu đồng làm từ thiện và chữa trị cho hàng nghìn lượt người...
Nguyên Huân