Hàng loạt học sinh ngộ độc ngay tại trường
Giữa tháng 9, người dân huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) không khỏi bàng hoàng khi cùng một lúc có đến 47 HS Trường tiểu học thị trấn Cốc Bài và Trường THCS bán trú xã Tả Nhìu phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa cơm tối ở trường. Tất cả số HS này đều có triệu chứng buồn nôn, đau đầu, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt... nên đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần. Tại đây, do bệnh viện đã chuẩn bị tốt nhân lực, phương tiện và khẩn trương tổ chức cấp cứu nên đã kịp thời cứu sống toàn bộ số HS bị ngộ độc thực phẩm. Hiện, 47 HS đã hồi phục sức khỏe và xuất viện. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đây không phải là lần đầu tiên xảy ra ngộ độc tập thể tại trường học ở miền núi cao này mà trước đó, tại Trường tiểu học bán trú xã Bản Ngò (huyện Xín Mần) cũng xảy ra vụ ngộ độc khiến 22 HS phải nhập viện cấp cứu. Theo ghi nhận, chỉ trong hai tháng 8 và tháng 9/2013, số HS bị ngộ độc thực phẩm ở huyện Xín Mần đã lên đến con số 69.
![]() Kiểm tra ATTP tại bếp ăn trường học. Ảnh: Minh Vũ |
Mới đây, ngày 16/9, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 10 HS mắc và nhập viện với các triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, da xanh tái, khó thở, đau đầu, mạch chậm, huyết áp tụt... Ngay lập tức, Chi cục ATTP tỉnh Điện Biên phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động cấp cứu, điều trị với các biện pháp như truyền dịch, uống than hoạt, trợ tim mạch, hô hấp tại Trung tâm y tế huyện. Sau 2 ngày điều trị tích cực, đến ngày 18/9, tất cả 10 HS đã hồi phục sức khỏe và ra viện. Tiến hành điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng đã xác định thủ phạm gây ngộ độc là do rau quả (gồm dưa chuột và dưa vàng) bị ô nhiễm hóa chất được mua từ hàng quán ngoài trường về chế biến thức ăn khiến 10 HS ngộ độc.
Thanh tra đột xuất bếp ăn, căng tin trường học
Năm học mới bắt đầu cũng là thời điểm tập trung học sinh sinh viên tại các cơ sở đào tạo, các trường học tại các đô thị, các địa phương trong toàn quốc. Theo Cục ATTP, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh sinh viên. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hành vi sử dụng thực phẩm không an toàn, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm, thậm chí không bảo đảm ATTP ngay trong quá trình chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và ngay tại quán ăn vỉa hè, thức ăn đường phố khu vực phụ cận...
Trước tình trạng trên, Cục ATTP đã có Văn bản số 2066/ATTP-NĐ gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học trên địa bàn. Cục yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin của trường học, quán ăn vỉa hè, thức ăn đường phố khu vực phụ tập trung đông người nhằm phát hiện sớm các vi phạm về đảm bảo ATTP, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm. Kiên quyết không để cơ sở không đảm bảo ATTP được hoạt động kinh doanh thực phẩm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học như: vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi.
Thanh Hà