Những tia chớp xé toạc bầu trời đã trút xuống nóc nhà gia đình người nông dân nghèo khó, khiến một người đã mãi mãi ra đi, những người ở lại đã "sống dở chết dở"... Những lúc bi quan, người vợ đi tìm đến cái chết để bớt phần gánh nặng. Nhưng sự động viên kịp thời từ người chồng đã vực dậy tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình.
Hôm nay niềm hy vọng lóe sáng về một gia đình "tàn nhưng không phế" khi người con trai được lớn lên bằng tiền bán vé số của cha sắp trở thành người sĩ quan quân đội trong tương lai.
Bữa cơm "trời đánh"
Đang ngồi nhâm nhi ly cafe, chúng tôi nghe "lỏm" được câu chuyện những vị khách bàn bên, mắt đang nhìn về người đàn ông bán vé số chân đi khập khiễng và nói: "Gia đình ổng bị sét đánh thương tật cả nhà, hàng ngày bán vé số kiếm sống nuôi mấy miệng ăn, vừa rồi thằng con trai mới thi đậu trường Sĩ quan Lục quân 2, đúng là nhà có phúc và giàu nghị lực, không thì sau này vết thương tái phát biết nương tựa vào ai...". Sau khi nghe những lời cảm phục đó, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của gia đình "tàn nhưng không phế". Người bán vé số đó chính là anh Nguyễn Thành Ôn (SN 1968, trú thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
Một gia đình giàu nghị lực
Bà Nguyễn Thị Tánh, trưởng thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cho biết: "Cả thôn này ai cũng khâm phục vào sự nghị lực của gia đình anh Ôn, ngày ngày bán vé số nuôi mấy miệng ăn, lo cho con ăn học. Giờ thằng lớn (Nguyễn Huy Thành) vừa đậu vào trường Sĩ quan Lục quân 2, đầu tháng 9 này là nhập học... Đúng là nhà có phúc và giàu nghị lực... Chứ bố mẹ thằng Thành nỗi đau trên thân thể biết trước được điều gì mà lo cho đứa nhỏ hơn 10 tuổi nhìn như đứa trẻ lên ba kia...".
Chúng tôi vừa dừng chân bên căn nhà cấp 4 đã ngả màu sơn, được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng sau trận sét đánh năm 2000, thì cũng là lúc anh Ôn vừa đi bán những tờ vé số cuối cùng trở về nhà. Qua những lời hỏi thăm, chúng tôi được anh Ôn kể lại câu chuyện cả gia đình anh bị "trời đánh" cách đây 13 năm như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Anh Ôn nhớ lại: "Ngày đó (14/9/2000) là ngày "tàn đời" của cả gia đình tôi, làm sao mà tôi quên nổi. Hôm ấy vào khoảng 10h sáng, sau những cơn mưa như trút nước, vợ chồng tôi vừa dọn mâm cơm ra để chuẩn bị ăn thì có những tiếng sấm sét nổ đinh tai nhức óc. Biết có chuyện chẳng lành, tôi chưa kịp bảo người vợ đang bế cháu thứ hai mới sinh được 18 ngày vào trong buồng trú ẩn thì có một luồng sáng bắn thẳng vào người. Lúc đó tôi chỉ có cảm giác người bỏng rát và khô, nóng khó chịu. Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc và tôi ngất lịm đi... cho đến khi tỉnh lại thì thấy mình trong bệnh viện".
Người vợ của anh Ôn, chị Lê Thị Nga (SN 1970), với mái tóc "trọc" nửa đầu, hỏng một mắt trái, giơ cánh tay cứng như đá vì lớp thịt trên cánh tay của chị đã chết khô sau trận "trời đánh" đi ra nói trong nước mắt: "Hôm đó, tôi vừa cho con bú vừa ăn cơm, thì tiếng sấm sét liên tục, cộng với mưa to gió lớn, làm cháu nhỏ khóc thét lên, chưa kịp dỗ cháu thì tai họa ập đến gia đình tôi. Bà ngoại tôi lúc đó 70 tuổi thì bị bỏng hơn 60% nên không qua khỏi, tôi và chồng bị bỏng giờ còn 45% cơ thể là lành lặn, còn lại là "đống thịt khô" bám trên người... Thằng nhỏ khi đó được 18 ngày tuổi, bị cháy sém mất nửa đầu, giờ nó cứ "ngơ ngơ" lúc tỉnh lúc mê, có đi học hành gì được đâu, trời mưa có tiếng sấm sét là nó lại chui vào gầm giường nằm khóc, nhìn thấy mà đau lòng... Cũng may khi đó thằng lớn đang đi học thêm, nếu ở nhà thì cũng không thoát được "mệnh trời".
Câu chuyện của vợ chồng anh Ôn cách đây 13 năm khiến ai cũng phải xót lòng. Anh Ôn khi đó đang là thợ xây khỏe mạnh, ngày thu nhập cũng được trăm ngàn đồng, còn chị Nga, làm thợ may kiêm bán hàng tạp hóa, nên thu nhập anh chị cũng tạm ổn định cuộc sống lúc bấy giờ... Trước tai họa "trời kêu ai người nấy dạ", gia đình anh Ôn, người đã mãi ra đi, người còn lại thì nằm viện điều trị trong hấp hối, tưởng chừng sẽ không ai qua khỏi... Trước những mất mát quá lớn, những tấm lòng hảo tâm đã cất ngôi nhà cấp bốn để cho cháu Nguyễn Huy Thành (SN 1995), khi đó mới 5 tuổi có chỗ dựa duy nhất sau này "nếu" gia đình cháu không còn ai...
Vượt lên số phận
Phải sống! Thời gian dần cũng qua mau, mặc dù những vết đau trên khắp cơ thể của hai vợ chồng anh Ôn, chị Nga ngày đêm hành hạ, hàng trăm vỉ thuốc từ bệnh viện tâm thần anh chị luôn phải uống đều đặn, nhất là mỗi khi trời trở gió, anh chị chỉ muốn đập đầu vào tường để cho hết những cơn đau buốt chạy trong nửa phần xương thịt, khối óc còn lại của cơ thể... Anh Ôn vẫn phải động viên người vợ: "Mình à, mặc dù trời đánh nhưng mình không thể chết, dẫu thể xác đau đớn trăm phần, nhưng vợ chồng con cái vẫn được ở bên nhau... Cố đừng để "số trời" cướp đi thêm một sinh mạng nào nữa, mình nhé..."! Sự động viên của người chồng khiến chị Nga chỉ biết ôm lấy một nửa thân xác của người chồng, khi nửa kia đã "chết cứng" từ bao giờ với hai dòng nước mắt chảy tràn trên má thầm dặn lòng "còn ngày nào thì cũng phải nuôi con khôn lớn trưởng thành...".
|
Sau những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, anh Ôn đã lê được những bước chân để nhìn qua chiếc gương. Anh thất thần hồi lâu khi khuôn mặt mình đã "biến dạng" bởi những tia sét "vô hồn" xé toang ngôi nhà và đốt cháy da thịt trên cơ thể anh. Sự đau đớn đó càng được nhân lên, anh Ôn chỉ biết kêu hai tiếng "trời ơi" khi nhìn thấy người vợ và đứa con 18 ngày tuổi vẫn đang thoi thóp trong phòng cấp cứu không biết sống chết ra sao... Nhưng cuộc sống luôn công bằng, "trời không cho ai tất cả, mà cũng không lấy đi của ai tất cả", sau những tháng điều trị, vợ anh cùng cậu con trai bé bỏng cũng qua được cơn nguy kịch... Sự đau đớn anh Ôn đã cố kìm nén trong lòng và dang một cánh tay còn lành lặn, mà ông trời "để lại" cho anh, để dìu vợ và con về ở ngôi nhà mà những tấm lòng hảo tâm mới xây.
Những ngày đầu, chị Nga, người vợ của anh nhìn thấy hình ảnh, đứa con nhỏ của mình mặt mũi "chẳng giống ai", còn người chồng thì mỗi khi thời tiết thay đổi lại cố nhắm mắt chịu đựng để những cơn đau hành hạ vết thương đi qua mau... Chị Nga kể lại trong hai dòng nước mắt: "Những ngày đầu gia đình tôi đều sống nhờ vào những tấm lòng hảo tâm, lúc đó cháu đầu là thành viên duy nhất trong gia đình là tỉnh táo, do cháu đi học nên không bị "trời đánh", nhưng nó mới 5 tuổi đã biết gì đâu. Chồng thì người lở loét, thằng nhỏ chưa được một tuổi thì mắt lúc nào cũng mở trừng trừng, một mắt của tôi thì cứ mờ dần đi... Tôi đã nhiều lần tìm đến cái chết để trút bớt gánh nặng cho người thân, nhưng nghĩ lại đứa con 5 tuổi sẽ biết dựa vào ai, nhìn thằng nhỏ đang ôm lấy bầu sữa của người hàng xóm bú trong đói khát, mà tôi thấy xót lòng và suy nghĩ là phải vượt qua tất cả, dù còn một ngày ở bên chồng và con...".
Trước sự động viên của người vợ, hàng ngày anh Ôn bước đi khập khiễng từ 6h sáng đến 16h chiều để bán những tờ vé số, kiếm năm bảy chục ngàn đồng nuôi bốn miệng ăn trong gia đình... Khi thời tiết nắng nóng thì người con trai 5 tuổi ngày nào Nguyễn Huy Thành đã được "ông trời" tha "đánh" giờ đã bước sang tuổi 18 đã đi bán vé số giúp bố. Chị Nga sức khỏe đã mất gần 50% ở nhà chăm đứa con trai út 13 tuổi bị "trời đánh" năm nào giờ chỉ như đứa trẻ lên ba, lúc khóc lúc cười...
Chào anh chị ra về mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chị Nga nói trong cặp mắt đỏ hoe: "Còn sống ngày nào vợ chồng chúng tôi phải cố gắng để động viên tinh thần cho các cháu, biết đâu một ngày nào đó ông trời lại bù đắp những tổn thất và khổ đau mà ông đã gây ra cho gia đình tôi, là cháu Thành (người con lớn - PV), được thành đạt để lo cho đứa em út của nó lúc nào cũng "cười khóc" còn có chỗ mà dựa...".
Theo Người đưa tin