Chuyện lạ ở Thiệu Trung xứ Thanh

15-12-2018 12:00 | Xã hội

SKĐS - Nếu ai đến xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đều ngỡ ngàng với những âm thanh của tiếng cồng chiêng ngân dài và êm như nhung.

Hoặc có lúc tiếng trống đồng ở đâu đó nổi lên cuồn cuộn rền vang. Rồi tiếng chuông, thanh la rộn rã hòa nhịp từ phía xa. Thì ra đó là những lúc khách hàng từ phương xa đến kiểm tra chất lượng hàng chọn mua. Ngày nào cũng thế, Thiệu Trung nhộn nhịp như ngày hội.

Nào ai có đến Kẻ Chè

Kẻ Chè là tên nôm của làng Trà Đông thuộc xã Thiệu Trung. Nghề đúc đồng có tiếng hàng trăm năm ở Trà Đông. Xưa dân Kẻ Chè truyền khẩu rằng: “Kẻ Chè nức tiếng trống đồng. Ông tổ tức Khổng Minh Không truyền nghề. Bốn phương thập khách tìm về. Chỉ nghe trống vỗ cũng mê mẩn lòng...”. Thực ra dân Kẻ Chè không chỉ làm trống mà còn làm chiêng, cồng, chuông, thanh la, chũm chọe, thậm chí cả nhạc cụ cổ bằng đồng. Gần đây, có nghệ nhân còn làm tranh đồng, tượng đồng cùng hoành phi câu đối..., nghĩa là cả chục mặt hàng khác nhau, miễn có hợp đồng. Khi đến làng, chúng tôi may mắn gặp được Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương - thế hệ thứ tư trong một gia đình làm nghề đúc đồng ở Kẻ Chè. Vào xưởng làm việc của ông, chúng tôi như chìm vào trong không gian âm thanh đang chuyển động với những nhịp điệu vũ hội. Các người thợ đang chỉnh âm cho hàng loạt chiếc trống đồng chuẩn bị xuất xưởng. Họ chính là những nghệ sĩ tạo nên bản giao hưởng đồng quê.

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương bên những chiếc trống đồng.

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương bên những chiếc trống đồng.

Nghệ nhân Dương đưa chúng tôi đến xem tốp thợ đang hoàn chỉnh khuôn mẫu đúc trống đồng khá lớn. Có thể nói, đây là chiếc trống đồng kỷ lục với đường kính gần 2m. Cái khó cho việc tạo khuôn mẫu là định hình được những hoa văn, hình tượng trên mặt trống và tang trống. Bởi đó chính là những bản điêu khắc nổi với hình tượng chim Lạc và những vẩy rồng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn - nơi phát tích từ miền đất cổ xứ Thanh. Ông Dương cho biết, đây là chiếc trống đồng lớn do một đại gia đặt làm để trưng bày tại sảnh một khu vườn làm du lịch sinh thái. Khách hàng yêu cầu, khi thỉnh lên phải có tiếng rền vang như sấm để xua đuổi tà ma ám khí quanh vùng. Nhưng âm thanh phải ấm. Gõ vào các điểm gần tang trống phải hòa điệu như một bản nhạc núi rừng. Việc chỉnh âm trên mặt trống hết sức công phu. Đó là công việc của một nghệ sĩ thực thụ.

Chúng tôi chợt dừng chân tại một chiếc vạc đồng cổ ở góc xưởng ngoài trời. Nghệ nhân Lê Văn Dương cho biết, đó là di vật để lại của thợ đúc Kẻ Chè cách đây hơn 200 năm. Bên cạnh đó còn có chiếc lư đồng cổ mà cụ nội ông đã giữ được. Đây là những mẫu cổ hiếm có còn sót lại của làng. Chiếc vạc đồng lớn với đường kính 1,5m, sâu chừng 1,2m gợi biết bao ký ức trôi nổi của dân thợ Kẻ Chè. Thêm nữa, những họa tiết nhỏ xíu tinh tế trên chiếc lư đồng thể hiện nét tài hoa về mỹ nghệ của sự phát triển của làng nghề ở đây. Đó là những di vật ghi dấu ấn một thuở dân làng lang thang khắp thiên hạ để bán hàng. Nghệ nhân Lê Văn Dương chợt nhớ đến bản trường ca “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường cổ Thanh Hóa đã ghi lại hình ảnh và âm thanh của những dàn chiêng và trống đồng của dân Kẻ Chè xưa. Đó là những câu thơ: “Con trai đi trước khiêng trống. Con gái đi sau xách cồng. Cồn bảy, công mười lên tiếng cho giòn. Cồng cái, cồng con kêu cho rộn...”. Thế mới hay, những mặt hàng của Kẻ Chè thật phong phú và có mặt trong đời sống từ xa xưa.

Nghệ nhân Lê Văn Dương còn cho biết, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người thợ Kẻ Chè đã làm 1.000 chiếc trống đồng dâng tặng lễ hội. Ông còn là người chủ thi công và hoàn chỉnh chiếc trống đồng nặng 800kg gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa Lớn vào năm 2012. Một sản phẩm lớn khác cũng ghi danh ông là tác giả của bức tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 600kg hiện đặt tại UBND huyện Thiệu Hóa. Chưa hết, Nghệ nhân Dương còn là người đóng góp cùng thợ Kẻ Chè trong công trình làm chiếc bàn thờ lớn trong chùa Đồng núi Yên Tử. Đó là những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hơn 40 năm làm nghề của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương. Hiện ông còn đào tạo hàng trăm thợ đúc của làng và khắp nơi tìm về học hỏi. Tuy làm chủ một xưởng chế tác, hàng năm xuất đi hàng chục tấn hàng nhưng Nghệ nhân Dương vẫn miệng nói tay làm, quần quật ngày đêm. Ông lam lũ với khói lửa, như ngày nào cùng cha khênh những chảo nước đồng nóng chảy rót vào khuôn, không nề hà nặng nhọc, khó khăn. Chung quanh tôi, những âm thanh của tiếng chỉnh âm trên mặt trống đồng rộn vang. Âm sắc hòa nhịp tâm hồn của những người nghệ sĩ làng Kẻ Chè tạo nên bản nhạc đồng quê vui reo làm náo nức tâm hồn chúng tôi. Đó là cái nôi văn hóa Đông Sơn hòa điệu cất lên những âm thanh quyến rũ như mời như gọi mọi người hãy về với Kẻ Chè. Đúng là “Chỉ nghe trống vỗ cũng mê mẩn lòng...”.

Cổng làng Thiệu Trung.

Cổng làng Thiệu Trung.

Lừng lẫy hiền tài Kẻ Rỵ

Đây cũng là một chuyện lạ nữa ở Thiệu Trung. Đó là Đại học sĩ Lê Văn Hưu - người làng Kẻ Rỵ (tên nôm của làng Phủ Lý). Ông thuộc dòng họ Lê nổi tiếng nhân ái và hào khí khắp vùng. Theo như lời chỉ dẫn của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương, tôi tìm về ngôi đền thờ Lê Văn Hưu, thắp hương và trò chuyện với người coi đền. Dòng họ Lê là một trong vài dòng họ đầu tiên đến đây lập nghiệp. Dân làng Kẻ Rỵ không ai không biết đến câu chuyện cổ tích về sự ra đời của Lê Văn Hưu cách đây gần 900 năm (1230-1322).

Truyện kể, xưa có vợ chồng người con trai họ Lê ở làng, đang sống hạnh phúc thì người chồng bị mất vì bệnh nặng. Bụng mang dạ chửa, người vợ ở lại chỉ còn trông cậy vào mụn con sắp chào đời và một lòng thờ phụng họ Lê. Có một lần nửa đêm, người vợ  thấy một tiên ông hiện về, vẫy gọi đi theo. Người vợ ôm bụng lập cập bước chân theo cùng tiên ông ra tới tận một khu mả. Ông tiên cầm một nhành lan cắm vào một mô đất rồi dặn, hãy đưa mộ chồng con về đây thì quý tử sẽ đỗ đạt đại khoa trong tương lai. Gia đình nhà chồng nghe chuyện liền làm theo. Quả nhiên dăm tháng sau, người vợ sinh ra được một quý tử kháu khỉnh, khôi ngô, làn da trắng trẻo, thơm phức như hương hoa lan nên được ông nội đặt tên Lê Văn Hưu. Chỉ có mấy năm sau, cậu bé Lê Văn Hưu đã làm kinh ngạc lòng người khi mới 3 tuổi đã thuộc những lời mẹ ru. Cậu biết nói rất sớm, chăm chú lắng nghe những câu thơ Tam Thiên tự qua lời mẹ ru và thuộc nằm lòng lúc nào không hay. Người mẹ trước đó cũng là người được gia đình dạy dỗ tinh thông chữ nghĩa. Bà tu tâm dưỡng tính, chỉ mong dạy dỗ con trai nên người, làm vẻ vang cho dòng họ Lê sau này.

Một hôm, ông thầy trường làng kiểm tra bài các học trò. Ông thấy lấp ló một chú bé độ 5 tuổi ngồi bên thềm cửa sổ lớp. Khi thầy ra đầu đề, không ít học trò ngớ người vì không thuộc bài. Bỗng nhiên có tiếng của một cậu bé ở phía ngoài nhắc bài hộ một học trò đã lớn tuổi. Tiếng thì thầm, rồi lại hình vẽ chữ vào khoảng không, qua những ngón tay của cậu bé làm ông thầy để ý. Thầy bèn gọi bé Lê Văn Hưu vào thử xem sao. Thầy hỏi chuyện, giảng cho cậu mấy chữ Nho, rồi bắt về học lại. Hôm sau gặp thầy, cậu bé Lê Văn Hưu không những thuộc còn nói được những mẫu tự ghép nên chữ và viết ra không thiếu một nét. Thầy giáo quá kinh ngạc, đem lòng yêu mến, cho theo học. Nhưng lên 9, học hết cả chữ của thầy giáo làng và của mẹ, Lê Văn Hưu được gửi sang thầy đồ Nguyên nổi tiếng ở làng bên, càng ngày càng sáng dạ, học đâu hiểu đấy, đối đáp văn thơ trôi chảy. Lê Văn Hưu nổi tiếng cả vùng và được coi là thần đồng của họ Lê.

Lại còn chuyện Lê Văn Hưu mỗi ngày một thâm hậu về chữ nghĩa còn liên quan đến cây đèn mắt ngọc do người mẹ làm cho. Số là người mẹ chăm chút tỉ mỉ và khích lệ con học cần cù ngày đêm dùi mài kinh sử. Bà đã thuê thợ đúc cho con trai một cây đèn hình rồng bằng đồng. Cây đèn còn được gắn viên ngọc gia bảo vào mắt con rồng. Đêm đêm, ngọc tỏa sáng cho con trai đọc sách. Đằng đẵng đến gần chục năm sau, Lê Văn Hưu vào trường thi với số điểm xuất sắc, được vinh danh Bảng nhãn năm 1247. Sau khi ra làm quan, Lê Văn Hưu vẫn mang theo cây đèn rồng và luôn nhớ lời mẹ, phải hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. Sau khi làm đến chức Thượng thư bộ Binh, rồi được vua Trần Thái Tông ủy thác dạy các hoàng tử học tập rèn luyện chữ nghĩa, ông vẫn mang cây đèn rồng mắt ngọc ra để khuyên răn những ý tưởng trong cuộc sống mà người mẹ đã truyền dạy. Một trong những học trò xuất sắc của ông đã làm nên nghiệp lớn, đó là danh tướng Trần Quang Khải - con vua Trần Thái Tông.

“Đại Việt sử ký” đầu tiên

Cùng với công lao đóng góp to lớn cho đất nước, Đại học sĩ Lê Văn Hưu còn có công trình “Đại Việt sử ký” do ông biên soạn. Đây là một bộ biên niên sử từ thời Triệu Đà thành lập nước Nam Việt (207 trước CN) đến thời Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) - một giai đoạn lịch sử nước ta kéo dài suốt 15 thế kỷ. Sau hơn 10 năm biên soạn, đánh giá, khảo cứu, ghi chép, Lê Văn Hưu hoàn thành 30 tập sách vào năm 1272. Bộ sách là dấu mốc sử học đầu tiên của nước ta với những lời lẽ bàn luận, tương tác sâu sắc bởi các triều chính trước đó chưa hề có những sử gia chép lại các sự kiện xảy ra.

Đại học sĩ Lê Văn Hưu là người viết sử đầu tiên của Việt Nam. Ông được đánh giá là người chép sử giỏi đời Trần, đúng như danh nhân Ngô Sĩ Liên nêu gương. Mỗi giai đoạn lịch sử đều được ông ghi chép trung thực cùng những phân tích khách quan với thái độ xây dựng cho sự phát triển của dân tộc trong những biến động thế cuộc. Đó là những công lao to lớn mà Đại học sĩ Lê Văn Hưu - người làng Kẻ Rỵ xã Thiệu Trung đã đóng góp trong triều Trần suốt 3 đời vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn