Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh

11-02-2024 06:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đền Rồng, đền Nước là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. Vị trí 2 ngôi đền chỉ cách nhau khoảng 500 mét, bao quanh là phong cảnh thiên nhiên trùng điệp, hữu tình… cùng nhiều câu chuyện huyền bí.

Điểm đến tâm linh hấp dẫn

Đền Rồng xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu hay Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi, gắn bó với con người cùng cỏ cây, muông thú. Đền Nước là nơi thờ Mẫu Thoải hay còn được gọi là Mẫu Đệ Tam cai quản vùng sông nước.

Sự tích về Rồng đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt, được xem là nơi "khởi đầu" của của sự sống như sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ... Từ đó, trong tín ngưỡng của người Việt, Rồng được xem là biểu tượng tâm linh may mắn. Cũng chính vì vậy nên những vùng linh thiêng thường được nhân dân đặt tên gắn với Rồng.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 1.

Đền Rồng có địa thế “Hậu tựa sơn, tiền đạp thủy” thơ mộng và huyền bí.

Đền Rồng tại xã Hà Long cũng vậy. Đền tọa lạc tại chân núi Rồng, được xem như nằm dưới đầu Rồng ở cửa Bắc của xứ Thanh, nơi mà linh khí đất trời hội tụ cùng với những địa danh đã làm nên huyền tích trong thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đền có địa thế "tựa sơn, hướng thủy", phía trước là dòng suối Khe Năn quanh năm trong mát, sau lưng là núi Rồng, ngọn núi đá thuộc dãy núi Tam Điệp dựng đứng sừng sững hình răng cưa tựa như vảy rồng quanh co uốn khúc.

Ông Bùi Văn Kình, quản lý di tích đền Rồng, đền Nước cho biết, đền Rồng vốn có từ rất lâu đời, trước kia đền được dựng trong hang núi, nhân dân sử dụng lòng hang bằng phẳng làm nơi thờ phụng. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và khách thập phương, chính quyền địa phương và người dân cùng các nhà hảo tâm đã đóng góp công đức dựng đền ngay dưới chân núi.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Kình (bên phải), quản lý khu di tích kể về huyền tích các đền.

Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn ở đền Rồng là một đặc điểm tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Bà được nhiều người tôn thờ và có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng.

Từ đền Rồng, men theo một lối nhỏ bên sườn núi khoảng hơn 500m là đến đền Nước, nằm bên cạnh một sườn núi sát với một con suối quanh năm trong vắt. Trong khuôn viên đền Nước gồm các hạng mục: Sân, đền chính, động sơn trang. Đền Nước, huyền thoại và thần tích về Mẫu Thoải, vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 3.

Đền Nước nằm chênh vênh trên sườn núi, hướng ra con suối trong vắt, mát lạnh bốn mùa.

Mặc dù về Mẫu Thoải có nhiều thần tích khác nhau, nhưng quyền năng của Mẫu Thoải là cai quản sông, suối khắp mọi nơi. Cứ nơi nào có sông nước thì Mẫu Thoải có mặt. Cho nên nhân dân khi đi qua sông nước đều khấn cầu Mẫu Thoải, để Mẫu chở che và phù hộ độ trì cho công việc đi lại trên sông nước được an toàn, bình an vô sự.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 4.

Với nét đẹp cổ kính, linh thiêng mà huyền bí, đền Rồng, đền Nước là một trong những điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh.

Cũng như các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, đền Rồng cũng có cung riêng thờ Đức Thánh Trần. Việc phối thờ đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử tín ngưỡng thờ Mẫu và trở nên khá phổ biến hiện nay. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những anh hùng vì nước, vì dân. Ngoài ra, mặc dù Thánh Mẫu là thần chủ của tín ngưỡng, nhưng trong hệ thống thờ tự, di tích còn có cung thờ Phật.

Lễ hội đền Rồng – đền Nước được tổ chức vào ngày 24/2 âm lịch hàng năm, thu hút rất đông nhân dân và khách thập phương về dự. Nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước, với mong muốn mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu... Ngoài ra, ngày rằm và mùng một hàng tháng, nhân dân đều đến đây tế lễ, cầu mong được bình yên trong gia đình.

Những câu chuyện kỳ bí

Tương truyền vào những năm chống quân Minh xâm lược, các vị Thánh Mẫu đã nhiều lần báo mộng cho nghĩa quân Lam Sơn cùng chủ soái Lê Lợi thoát được hiểm nghèo khi bị quân địch vây giáp và những báo mộng để Lê Lợi ra kế sách tiêu diệt quân xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, khi Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, trên đường dừng chân nghỉ lại bên đền thiêng cũng được các vị thần báo mộng cho những quốc sách để thần tốc bách chiến bách thắng quân xâm lược. Ngày khải hoàn, vua Quang Trung cũng đã ban một đạo sắc phong cho đền Rồng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng cũng sắc phong một lần cho ngôi đền thiêng để tạ ơn thần Rồng, thần Nước đã bảo quốc, hộ dân.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 5.

Nghi thức Lễ hội truyền thống đền Rồng - đền Nước được chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 24/2 âm lịch hàng năm, với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước.

Các hiện vật trong đền còn lưu giữ được như: khay mịch, chân tảng.... giúp chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu thêm về nghệ thuật điêu khắc truyền thống của cha ông ta trong lịch sử cũng như truyền thống tín ngưỡng địa phương. Điều đó càng thể hiện sức sống tinh thần của người dân nơi đây và sự trường tồn của sức sống văn hóa vùng đất này.

Với lối kiến trúc truyền thống, nằm giữa cảnh quan ruộng đồng, núi rừng, làng mạc trù phú, di tích đền Rồng - đền Nước đã trở thành một điểm văn hóa, lịch sử, du lịch thu hút sự chú ý của nhân dân trong vùng và du khách gần xa.

Chuyện kỳ bí ở 2 ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Thanh- Ảnh 6.

Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Hiện nay, cụm di tích đền Rồng - đền Nước là nơi thờ tự Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Đây là hai vị Thánh Mẫu bảo hộ, che chở cho cuộc sống của Nhân dân được ấm no, bình an, hạnh phúc. Lễ hội truyền thống đền Rồng - đền Nước được chính quyền địa phương tổ chức vào ngày 24/2 âm lịch hàng năm, với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước.

Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Việc tổ chức lễ hội đền Rồng - đền Nước hàng năm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những anh hùng vì nước, vì dân.

Linh thiêng lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia tại FansipanLinh thiêng lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia tại Fansipan

Trong 2 ngày 1-2/11/2023, trong không gian thâm nghiêm của quần thể tâm linh Fansipan, Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia đã được tổ chức với nhiều hoạt động và nghi thức ý nghĩa, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến tham dự.


Gia Hân
Ý kiến của bạn