Tại hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc vừa kết thúc tại Cần Thơ, nữ đô cử 40 tuổi quê Khánh Hòa - Châu Hoàng Tuyết Loan khiến tất cả phải ngả mũ khi đoạt ngôi đầu hạng 55kg với thông số 102kg, hơn người thứ 2 tới 50kg, áp sát nhóm huy chương thế giới. Người phụ nữ chiến thắng tật nguyền, vượt cả bệnh ung thư này tiếp tục chứng tỏ ý chí và nghị lực phi thường của mình.

Thu nhập từ thể thao không đủ để... uống nước
Thật khó tin, suốt 6 năm nay, niềm tự hào hiếm hoi của thể thao Khánh Hòa luôn phải chấp nhận tình cảnh của 1 vận động viên ngoài lề. Mỗi tháng, chị chỉ nhận được khoản 400.000 đồng/tháng - một mức hỗ trợ thực sự chưa đủ tiền... uống nước cho các buổi tập. Đến khi nhận lệnh tập huấn làm nhiệm vụ cho đội tuyển tỉnh hay đội tuyển quốc gia, mỗi năm khoảng 1-2 tháng, Loan mới có thêm khoản tiền ăn 90.000 đồng/ngày.
Hạnh phúc đơn sơ là được đến phòng tập
Cũng may nhờ khéo tay, chu đáo, lại được mọi người thương nên Châu Hoàng Tuyết Loan cũng có thể có được thu nhập vài triệu đồng/tháng, đủ để cố gắng trang trải được cuộc sống của mình. Nhờ thế, Loan mới có thể duy trì được đam mê thể thao trong suốt hơn 1 thập kỷ.
Và quả thật, hạnh phúc tưởng như thật đơn sơ và lại vô cùng lớn đối với chị chính là sau mỗi buổi ngồi may đến mờ mắt, khó thở lại được đến để tập luyện tại phòng cử tạ của ngành thể thao Khánh Hòa.
Có lẽ khi ấy, tuyển thủ khuyết tật này mới trở lại đúng là mình, được thể hiện cao nhất những khát khao, nỗ lực và khả năng của mình. Nó đã trở thành một nếp quen, thậm chí một nhu cầu tự thân mà theo Loan, phải nghỉ buổi tập nào chị cũng tiếc và khó chịu. Cứ mỗi lúc ở phòng tập, được ở bên các thầy và các đồng đội, nâng những quả tạ khô khan mà quen thuộc, người phụ nữ ấy lại quên đi mọi nhọc nhằn, phiền muộn, rồi cuốn vào buổi tập một cách mê mải.
Rất nhiều lần Loan đã tính đến chuyện giải nghệ hay chuyển nơi khác cho đỡ khổ nhưng còn nấn ná đơn giản vì tình cảm và sự gắn bó sâu nặng với quê hương.
Khi ngôi sao bị coi là vận động viên... phong trào
Chính xác thì khoản 400.000 đồng/tháng mà Loan nhận được chỉ là mức dành cho một vận động viên nghiệp dư phong trào. Chị chưa hề được coi như một vận động viên trong hệ thống đào tạo của Khánh Hòa hay được hưởng 1 chế độ đặc cách.
Mấy chục tấm huy chương quốc tế các loại, rồi thành tích 3 lần dự Paralympic của chị vẫn xuất hiện đều trong các bản báo cáo, kế hoạch hàng năm cho thể thao Khánh Hòa như những điểm nhấn đặc biệt. Sau mỗi chiến công làm nở mày nở mặt ngành thể thao, Loan lại nhận được những lời hứa hẹn nào khen thưởng cao, nào hỗ trợ lớn. Nhưng rốt cuộc đâu lại vào đấy, Loan vẫn phải mòn mỏi với phận của một vận động viên nghiệp dư phong trào, lại phải tự lo cho mình.
Những người có trách nhiệm trực tiếp khi được hỏi đều chỉ lạnh lùng viện dẫn lý do “quy định nó thế”, cụ thể hơn là chưa có điều khoản nào về chế độ chính sách dành cho vận động viên khuyết tật.
Thật là vì ở Khánh Hòa “quy định nó thế” còn hàng loạt địa phương khác lại làm được khác, đang chăm lo động viên rất tốt cho những người khuyết tật tập luyện thể thao nói chung, chứ chưa nói đến những vận động viên có đẳng cấp cao cỡ như Loan.

Càng phi lý nếu xét trên thực tế Châu Hoàng Tuyết Loan đang là VĐV duy nhất của Khánh Hòa, tính cả các môn thành tích cao, có thể mang về huy chương quốc tế.
Rất bi hài vì mãi sau khi báo chí vào cuộc, dư luận bất bình phản ứng, mới đây, ngành thể thao Khánh Hòa mới có quyết định tăng hỗ trợ cho Loan lên mức 600.000 đồng/tháng, tức là thêm được những... 200.000 đồng. Nhiều người bảo, kiểu tăng như thế thà không tăng còn đỡ tủi và chua xót.
Thắng tật nguyền, chấp cả ung thư
Có lẽ chỉ cần kỳ tích 3 lần dự tranh Paralympic cùng mấy chục tấm huy chương quốc tế các loại trong gần 1 thập kỷ với mức thu nhập chỉ 400 nghìn đồng/tháng đã quá đủ để minh chứng cho nghị lực, khả năng vượt lên sự nghiệt ngã của số phận một cách phi thường của tuyển thủ khuyết tật Châu Hoàng Tuyết Loan.
Thế nhưng, phía sau những kết quả, thành tích sáng giá ấy của người phụ nữ đất Khánh Hòa còn là những điều cao và sâu hơn thế nhiều, hiện thân cho tình yêu cuộc sống bền bỉ bất chấp mọi hoàn cảnh cùng sức mạnh kỳ diệu của con người không chịu khuất phục nghịch cảnh. Tuyết Loan bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, mọi sinh hoạt suốt thời niên thiếu đều chỉ nhờ cả vào đôi tay “lê lết”, rồi sau này trông cậy vào chiếc xe lăn. Tật nguyền là vậy, song ngay từ nhỏ, cô bé con nhà nghèo đã không để cho cái gọi là “tuyệt vọng” hay “buông xuôi” tồn tại mà dám đối diện và vượt qua bi kịch. Nổi bật lên ở chị chính là niềm tin và quyết tâm tự lập. Thật khó tin, Loan đã sớm trụ vững, tự nuôi sống mình khi nỗ lực làm đủ thứ việc có thể trước khi trở thành cô thợ may lành nghề, đắt khách.

Sự bén duyên với thể thao tưởng như ngẫu nhiên mà như một định mệnh của Loan cách đây gần 10 năm đã thực sự mở ra cho chị một cánh cửa, một cầu nối tuyệt vời để tạo ra một tương lai mới cho mình. Chị đã cố gắng không ngừng nghỉ, tận dụng mọi cơ hội dù chỉ nhỏ nhất để thành công với thể thao, ở môn đòi hỏi sức mạnh và ý chí ghê gớm như cử tạ. Giờ đây, chị đã trở thành một trong những VĐV xuất sắc nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Trước thềm Paralympic 2012, giới chuyên môn và truyền thông quốc tế đều đã kinh ngạc trong thán phục khi biết rằng Tuyết Loan không chỉ là một vận động viên cụt cả 2 chân mà suốt 2 năm nay, chị đã chiến đấu rồi chiến thắng với căn bệnh ung thư vòm họng.

Ngay cả căn bệnh thuộc loại hiểm nghèo này cũng không thể quật ngã được Loan. Chỉ sau đúng 1 năm phải nghỉ hoàn toàn để điều trị, thật kỳ diệu, bệnh tình của chị đã được khống chế, sức khỏe trở lại gần như bình thường. Loan tiếp tục xin tập luyện và chị đã vượt cả cuộc tuyển chọn để giành quyền dự tranh ở Paralympic tại London. Tại đó, Loan đã đứng thứ 5 chung cuộc ở hạng 52kg.
Giờ đã ở tuổi 40 mà hầu hết các đồng môn hiện tại phải gọi bằng... cô, song Tuyết Loan vẫn chưa hề nghĩ đến chuyện giải nghệ. Chị xác định mình sẽ còn tập luyện thi đấu đến khi nào có thể. Và rất có thể, “người phụ nữ thép” này sẽ lại viết nên một kỳ tích mới cho thể thao khuyết tật Việt Nam khi trở thành tuyển thủ đầu tiên 4 lần liên tiếp dự tranh Paralympic ở kỳ Đại hội trên đất Brazil sau đây 2 năm.
Xuyến Chi