Ông Lại Văn Sinh - Cục trưởng Cục Điện ảnh và ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đệ đơn xin từ chức sau khi thông tin về vụ thất thoát khoảng 38 tỷ đồng ngân quỹ ở Cục Điện ảnh lan tràn trên các phương tiện truyền thông. Số tiền thất thoát khá lớn trong tình cảnh ngành điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn càng gây nên không ít bức xúc chẳng riêng với người trong ngành này.
Chuyện khó tin…
Tin tức liên quan đến vụ việc nói trên rò rỉ trong dư luận từ cách đây khoảng 4 – 5 tháng, nhưng chỉ thực sự bùng phát khi khá nhiều nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi trong Nam, ngoài Bắc làm đơn tập thể gửi Bộ VH-TT&DL kiến nghị làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Sau đó, hàng loạt bài báo đưa tin, phỏng vấn các nghệ sĩ trong ngành và những người có trách nhiệm ở Bộ VH-TT&DL cùng thông tin Bộ VH-TT&DL quyết định để ông Sinh và ông Minh không tham gia BTC Liên hoan phim VN vào tháng 12 tới tại Phú Yên.
Phạm Thanh Hải, người đang bị phát lệnh truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhân viên Phòng Kế toán - tài chính của Cục Điện ảnh, đã giả mạo chữ ký của ông Sinh và ông Minh để rút tiền từ tài khoản của Cục Điện ảnh. Số tiền hơn 38 tỷ đồng, rút nhiều lần trong 3 năm, vậy sao Trưởng phòng Tài chính kế toán, Phó Cục trưởng phụ trách tài chính và Cục trưởng lại không biết? Năm nào mà Cục chẳng phải báo cáo quyết toán, xuất toán với cơ quan quản lý tài chính cấp trên. Không lẽ chủ tài khoản lại không biết trong tài khoản còn bao nhiêu tiền trong thời gian dài như vậy?
Rất nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra khiến người nghe thông tin không thể không hồ nghi, liệu một mình tên Hải có thể rút được số tiền lớn trong thời gian dài đến vậy? Ai đã thông đồng với Hải dẫn đến thất thoát số tiền ấy? Không chỉ Thanh tra Bộ VH-TT&DL mà các cơ quan điều tra đã vào cuộc để làm rõ vấn đề này nhưng có thể thấy ngay rằng, việc quản lý không chặt chẽ, thiếu kiểm tra đôn đốc và chủ quan nên mới để xảy ra tình trạng như vậy ở Cục Điện ảnh. Câu chuyện xung quanh vụ việc này ly kỳ đến nỗi không ít độc giả đọc báo đưa ra gợi ý, các nhà làm phim có thể dựa vào đó viết thành kịch bản hấp dẫn và biết đâu phim chiếu rạp hứa hẹn doanh thu… 38 tỷ đồng vì ai cũng tò mò muốn biết thực hư vụ việc ra sao. Hài hước một cách xót xa như vậy để thấy vụ việc không chỉ dừng lại ở chuyện ai bị lừa hay ai lừa ai...
Thật buồn việc mất tiền ở Cục Điện ảnh trong tình cảnh các nhà làm phim nước ta liên tục kêu than thiếu kinh phí đầu tư cho tác phẩm “ra tấm, ra món”. Chẳng đâu xa, có những dự án do chính Cục Điện ảnh đầu tư làm phim trong năm nay đang bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí. Nhiều dự án có đề tài và thể loại cần sự tài trợ của Nhà nước để làm phim nhưng cũng chẳng được cấp kinh phí. Hệ thống rạp chiếu bóng, cơ sở vật chất các hãng phim Nhà nước đều xuống cấp và đời sống của những người làm điện ảnh thực sự gặp nhiều khó khăn.
Quang cảnh làm phim Mùi cỏ cháy. |
Nhưng… dễ hiểu
Việc đánh giá năng lực quản lý của ông Sinh và ông Minh không đơn giản qua vụ việc nói trên, ý kiến nhận xét của anh em nghệ sĩ trong ngành điện ảnh về hai ông cũng đa chiều. Dĩ nhiên, để được cất nhắc nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, theo quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay ở ta, nhân sự phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn, chính trị và quản lý, chưa kể đến những yêu cầu về phẩm chất đạo đức và đặc biệt khi lấy phiếu thăm dò, những người này phải được sự tín nhiệm nhiều nhất của người trong cơ quan hay rộng ra là trong ngành. Chính quy trình bổ nhiệm dựa vào số phiếu tín nhiệm, mà chuyện “chạy chọt” hay “vận động hành lang” dường như trở thành tất yếu.
Cơ quan quản lý cấp trên trong hầu hết các trường hợp đều dựa vào tỷ lệ phiếu để quyết định các chức danh quản lý cấp cao. Còn cơ sở giới thiệu người với cơ quan quản lý để lấy phiếu tín nhiệm thì không hẳn chọn người có năng lực quản lý và khả năng chuyên môn mà còn do nhiều yếu tố… khó nói khác.
Qua vụ việc trên, cùng với những vụ việc trước đây cho thấy, vấn đề nhân sự quản lý trong ngành văn hóa đang bộc lộ nhiều bất cập. Người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm quản lý về tài chính trở thành chủ tài khoản, nắm giữ số tiền lớn Nhà nước giao thì nguy cơ buông lỏng quản lý hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, là có thể dễ dàng thấy trước. Chính vì người đứng đầu không nắm được tài chính của đơn vị mình nên mới bị cấp dưới lợi dụng và “qua mặt”. Đáng tiếc là trong ngành văn hóa hiện nay, số những nghệ sĩ giỏi được đề bạt làm quản lý ngày càng nhiều, mà đáng lo ngại hơn cả là nghệ sĩ giỏi thường không giỏi quản lý tiền bạc, nên những vụ việc đau xót như ở Cục Điện ảnh còn có thể sẽ xảy ra ở những mức độ khác nhau, ở những cơ quan khác nữa.
Không phải ai giỏi chuyên môn được trao quyền quản lý nghệ thuật đều thành công nếu như không nói ngược lại. Cũng không phải người có kinh nghiệm quản lý ở lĩnh vực khác có thể khẳng định được mình trong quản lý văn hóa. Có năng lực (có tài) nhưng còn phải có tâm, vì có những việc làm không sai nhưng lại không hợp tình, chưa kể đánh giá tác phẩm hay nhìn nhận con người của những lãnh đạo cấp cao càng đòi hỏi phải có “tầm” nhìn xa, trông rộng và khả năng hiểu biết nhất định.
Thời gian vừa qua, ngành điện ảnh đã chọn được không ít nghệ sĩ giỏi để làm quản lý. Tuy nhiên, qua 8 “đời” Cục trưởng (lần lượt là ông Trần Hinh, ông Nguyễn Tấn Khánh, ông Phan Trọng Quang, ông Nguyễn Duy Cẩn, ông Nguyễn Thụ, ông Bùi Đình Hạc, ông Lưu Trọng Hồng, ông Nguyễn Phúc Thảnh và ông Lại Văn Sinh), nhiều anh em trong nghề cho rằng, những người quản lý giỏi lại thường không phải nghệ sĩ tên tuổi, mà họ từ nghề tay trái chuyển sang. Ông Lưu Trọng Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Quản lý là một nghề, không phải ai giỏi chuyên môn và có tư cách đạo đức tốt cũng thành công, mà còn phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn mình quản lý và phải có tâm”. Quản lý Nhà nước về điện ảnh càng đòi hỏi phải có kinh nghiệm và năng khiếu quản lý, nhất là trong bối cảnh hiện tại, đời sống kinh tế với những diễn biến phức tạp, cơ chế thị trường đẻ ra những con người và những hành vi tinh vi, khéo léo để lừa đảo và hạ bệ nhau.
Hoàng Sơn