Hà Nội

Chuyện kể “những trái tim như ngọc sáng ngời” trong gia đình mẹ Tơm

30-09-2014 00:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Xuân Thu, cháu đích tôn của mẹ Tơm, người đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà mà mẹ Tơm nuôi dấu cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945. Ông đã bước sang tuổi 70, nhưng vẫn nguyên những ký ức về bà nội – một hình tượng người mẹ Việt Nam cao cả trong chiến tranh.

Vẹn nguyên những ký ức về bà nội – một hình tượng người mẹ Việt Nam cao cả trong chiến tranh, một huyền thoại lung linh trong thơ Tố Hữu. Cùng với những câu chuyện rất đỗi ân tình được kể lại trong các tác phẩm hồi ký “Nhớ lại một thời” (Tố Hữu) và “Chim vượt gió” (Lê Tất Đắc), càng tô thêm phẩm chất “sáng như ngọc” của gia đình cách mạng mẹ Tơm.

Mẹ Tơm, tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880, tại vùng Hanh Cát Hanh Cù thuộc Tổng Sen Cừ, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 gọi là xã Vạn Lộc (nay là xã Đa Lộc) huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bà lấy chồng cùng quê là ông Vũ Văn Sởn, sinh năm 1884. Hai ông bà sinh được bốn người con Vũ Thị Dực, Vũ Thị Diệp, Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu. Hai người con gái lấy chồng làng bên rồi mất sớm, hai người con trai giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động bí mật ngay tại quê hương. Trong tiềm thức ít ỏi của ông Thu về bà nội thì mẹ Tơm có dáng người nhỏ thó, hiền lành, vui tính và hay mặc váy. Mẹ Tơm mất khi ông Thu mới được 7 tuổi.

Ông Vũ Xuân Thu, cháu đích tôn của ông bà Tơm, người đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nuôi dấu cán bộ cách mạng.

Ông Vũ Xuân Thu, cháu đích tôn của ông bà Tơm, người đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nuôi dấu cán bộ cách mạng.

Năm 1938, anh Sồ, anh Hậu được các đồng chí Đinh Trương Phượng và Đinh Trương Lân (hai con trai của cụ Đinh Trương Dương, quê ở xã Hải Lộc) giác ngộ cách mạng và dạy cho nghề cắt tóc. Để có tiền mua đồ nghề, một lần chăn bò cho nhà địa chủ, anh Sồ đã dắt một con bò to nhất sang chợ Lèn (Hà Trung) bán lấy tiền mua hai bộ tông đơ, dao, kéo cho hai anh em. Mất bò, tên địa chủ lợi dụng ông bà Tơm chưa đóng thuế nên đã đánh dập dã man ông bà Tơm nhưng vẫn không thu được gì. Sau một thời gian cắt tóc gom đủ tiền, các anh quay về mua bò trả lại cho nhà địa chủ. Hai anh đã đi khắp các vùng để cắt tóc dạo đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, xây dựng cơ sở. Dưới đáy hộp đồ nghề các anh đều cất dấu báo và truyền đơn, khi có điều kiện thì phát cho bà con.

Năm 1942, Tỉnh Ủy lâm thời Thanh Hóa từ chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo “Đuổi giặc nước”. Thấy hơi hướng của Việt Minh mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, cuối năm đó tổ chức phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động. Trong một lần cán bộ của ta đóng vai người đi buôn luồng đã gặp ông Sồ và ông Hậu đang đi cắt tóc dạo. Họ đã xin hai ông được về nhà trọ mấy hôm. Đó cũng chính là nhiệm vụ của hai anh được cấp trên giao phó đưa cán bộ về nuôi dấu. Từ đó, ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của đại gia đình mẹ Tơm trở thành căn cứ cách mạng.

Trong hơn một năm từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, ngôi nhà này trở thành nơi nuôi dấu cán bộ; nơi in tài liệu, truyền đơn và báo “Đuổi giặc nước”; đồng thời là nơi cất dấu nhiều tài liệu bí mật của Đảng. Bí thư Tỉnh ủy lâm thời bấy giờ là đồng chí Lê Tất Đắc, sau đó là đồng chí Tố Hữu. Ở nhà mẹ Tơm còn có một số các đồng chí: Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình... Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo “Đuổi giặc nước” in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ. Sau khi cơ sở ổn định đón thêm các đồng chí khác Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ, Đinh Chương Lân, Trần Quyết Thắng..

Hũ đựng tiền được mẹ Tơm dành giụm nuôi cán bộ khi mưa bão, ốm đau

Hũ đựng tiền được mẹ Tơm dành giụm nuôi cán bộ khi mưa bão, ốm đau

Từ khi cán bộ đến hoạt động, nhà mẹ Tơm bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng bên trong làn sóng đấu tranh, tình yêu và niềm tin dành cho cách mạng bắt đầu được thổi cuộn. Trong làng có nhà Chánh Tổng hay xoi mói nên việc canh chừng cho hoạt động bí mật được phân công cho gia đình mẹ Tơm. Mỗi thành viên của gia đình mẹ Tơm đều là chiến sĩ.

Anh Sồ, anh Hậu tiếp tục đi cắt tóc dạo để lấy tiền nuôi cán bộ và đồng thời cất dấu báo, truyền đơn dưới đáy tráp để phục vụ cách mạng. Có các đồng chí cách mạng về ở, trên những chặng đường đi cắt tóc hai anh chỉ ăn khoai để dành dụm tiền mang về nuôi cán bộ.

Mọi sinh hoạt, ăn uống của “đại gia đình” nhờ vào sự tảo tần của mẹ Tơm. Bữa ăn hằng ngày thường là khoai lang “cõng” ít cơm với cà muối và tép kho mặn. Trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, chiều về bà hái mang ra chợ Diên Phố bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi bà lại rải khắp nơi.

Ông Sởn cũng từ bỏ nghề cày thuê ở nhà đan lát nhằm mục đích canh gác trước nhà. Ngày ngày ông ngồi trước cửa đan rổ rá cho bà đi bán và canh chừng, hễ có ai đến là ông lại tỏ ra khó chịu và hay cáu gắt vì “đang bận tập trung đan lát”. Lâu dần ông trở thành người khó tính trong mắt người dân trong vùng, cũng nhờ đó mà cán bộ của ta yên tâm làm việc trong nhà.

Hai con dâu của mẹ Tơm là Đỗ Thị Bạn (vợ anh Sồ) và Mai Thị Khoán (vợ anh Hậu) được giao nhiệm vụ làm vườn quanh nhà để canh gác phía sau; đỡ đần mẹ Tơm chăm lo cho cán bộ; đồng thời chăm cháu nội của bà là em Nhiều (con anh Hậu) từng xuất hiện trong thơ Tố Hữu “Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?”

Số tiền cắt tóc, bán rau, bán củi, bán rổ rá được mẹ Tơm gom góp, dành giụm vào hai cái hũ sành, một hũ đựng gạo và một hũ đựng tiền. Mỗi ngày bà ngày chắt chịu một chút, số gạo tiền này được dành nuôi cán bộ những ngày mưa bão, ốm đau. Bà ân cần chăm sóc các anh như chính những đứa con đẻ của mình. Bà nói với các anh “Mẹ thương các con lắm vì việc nước, việc người nghèo mà phải bỏ nhà cửa, xa cha mẹ!”. Mỗi lần đi chợ về bà thường mua chiếc bánh đa về bẻ ra chia cho các anh mỗi người một miếng.

Một lần, ông Lê Tất Đắc bị ốm nặng và lên cơn sốt rét, người rung lên bần bật từng cơn. Vì thiếu chăn nên có bao nhiêu chiếc váy đụp bà đắp hết lên người ông. Bà vội vàng đi nấu nước lá để xông, nấu cháo để ông ăn lại sức. Tưởng không qua nổi trận ốm “mười chết một sống” này, ông Lê Tất Đắc đã dặn dò bà “Nếu con chết bố mẹ chôn con đừng làm mồ, mà hãy khõa bằng để tránh bị địch phát hiện về bắt cả nhà”. Lúc đó, bà nắm chặt tay ông mà trao niềm tin “Các con không chết được, các con phải sống để đuổi giặc Tây”. Đó cũng chính là động lực để ông và các đồng chí vượt qua khó khăn, tích cực hoạt động, tìm mối xây dựng cơ sở, gây dựng lại phong trào.

Đầu năm 1944, cơ sở cách mạng nhà mẹ Tơm bị bại lộ do có nội phản. Qua một đêm không nhận được liên lạc, dấu hiệu cho biết đã bị lộ, ngay lập tức tổ chức giải tán sang Hoằng Hóa, Nga Sơn. Địch cho quân về bắt bớ, lùng sục, càn quấy làng quê bãi ngang đã nghèo lại càng khốn khó. Anh Hậu và anh Sồ bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng vẫn không khai nửa lời. Không khai thác được gì, sau gần hai năm giam cầm ở nhà lao Thị xã Thanh Hóa chúng thả cho về. Được sự động viên của ông bà Tơm, ra tù hai anh lại tiếp tục móc nối với cấp trên để hoạt động bí mật. Vẫn trong vai anh thợ cắt tóc, có hòm xiểng nhỏ, có dao kéo, nhưng tông đơ bị kẹt không cắt tóc được. Khi có khách gọi vào cắt thì biện lý do đi chữa dụng cụ để chuồn luôn.

Hòa bình lập lại, đất nước chuẩn bị ngày quốc khánh thì ông Vũ Văn Sởn qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 61. Giữa trưa hè nắng cháy rát bàn chân đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng theo chồng trở về cát bụi… Những đứa cháu nhỏ ngác ngơ không biết phải làm gì, bác vẫn còn đang đi cắt tóc dạo, bố đi công tác vắng nhà. Chiếc võng đè nặng đôi vai người khiêng, bàn chân liêu xiêu trên cát bỏng và gió chiều…đưa mẹ về nơi an nghỉ ngàn thu.

Tháng 7 năm 1961, tức là 19 năm sau, Tố Hữu mới có dịp về thăm lại Hanh Cát Hanh Cù, người xưa đã khuất bóng, chỉ còn đồng chí Sồ và Hậu kiên cường khi bị tù đày đã may mắn được trở về nhà, nhưng rất nghèo. Ra thắp hương cho ông bà, Tố Hữu đã viết bài thơ “Mẹ Tơm” như một nén tâm nhang “đốt nén hương thơm mát dạ Người” để tưởng nhớ ơn gia đình đã cưu mang cán bộ cách mạng trong những tháng năm cực kỳ gian khổ, đó là những trái tim như ngọc sáng mãi ngời.

Thanh Thảo

 

 

Ý kiến của bạn