Theo các hãng thông tấn Hoa ngữ, nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang,Trung Quốc. Ông sinh trưởng trong gia đình thuộc hàng gia thế, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có học thức hơn người.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bình luận, Kim Dung được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc và cộng đồng người nói tiếng Hoa nhiều thập niên qua. Thời điểm đánh dấu ông đến với thể loại tiểu thuyết võ hiệp là năm 1955 với tiểu thuyết "Thư Kiếm Ân Cừu Lục" đăng trên tờ New Evening Post.
Kim Dung - "Võ lâm minh chủ" tiểu thuyết võ hiệp vừa qua đời ở tuổi 94
Sau thành công của tiểu thuyết võ hiệp đầu tay năm 1955, Kim Dung tiếp tục tạo tiếng vang trên văn đàn Trung Quốc cũng như được xem là "Võ lâm minh chủ" về sách kiếm hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20 khi cho ra đời nhiều tiểu thuyết ăn khách như "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"...
Đặc biệt, hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đều được các nhà làm phim tại Trung Hoa dàn dựng thành phim và các bộ phim kiếm hiệp Thần Điêu Đại Hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiên Long Bát Bộ… rất hút khán giả, thậm chí có tác phẩm của Kim Dung được sản xuất thành nhiều phiên bản phim kiếm hiệp khác nhau.
Nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung được dựng thành phim và tạo tiếng vang lớn cho điện ảnh Hoa ngữ
Nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn tới văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên tiểu thuyết gia Kim Dung lại có đời sống gia đình nhiều trắc trở. Kim Dung kết hôn 3 lần. Người vợ đầu là Đỗ Dã Phân, cưới năm 1948 và chỉ hai năm sau đó họ ly hôn. Người vợ thứ hai là tên Chu Mai, hai người có với nhau 2 con trai và 2 con gái. Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu xấu đi khoảng năm 1976. Trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc hôn nhân thứ hai, Kim Dung kết thân với một nữ bồi bàn tên Lâm Lạc Di kém ông đến 30 tuổi và họ sau đó đi đến hôn nhân.
Ngoài ra, sách của Kim Dung từng bị cấm khi Cách mạng Văn hóa nổ ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên đến năm 1984, các tác phẩm của Kim Dung được xuất bản và lưu hành trở lại giúp hàng triệu người Trung Quốc đại lục tiếp cận với các tác phẩm đỉnh cao của ông.