SKĐS - Trở thành người trẻ nhất tham gia Ban Dân y miền Nam vào năm 1964, cô bé Phạm Thị Nguyệt Ánh đã được rèn giũa để phục vụ, cống hiến cho Tổ quốc. Hành trình cống hiến ấy kéo dài từ thời chiến tới thời bình.
Chỉ vài ngày trước khi TPHCM bước vào đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cựu Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy - bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 1950), người trưởng thành từ trong chiến khu, với sự dìu dắt của nhiều bậc tiền bối trong Ban Dân y miền Nam.
Trong không khí rộn ràng hướng tới ngày đại lễ, kèm theo sự lắng đọng khi ký ức thời chiến ùa về, bác sĩ Nguyệt Ánh đã trải lòng nhiều chuyện chưa kể.
Vào chiến khu mới biết mặt ba
Một ngày của năm 1964, giao liên của Trung ương Cục miền Nam tới xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) để bắt liên lạc với vợ con ông Phạm Ngọc Lân - cán bộ Văn phòng Trung ương Cục, rồi đưa họ theo đường công khai lên Sài Gòn, vòng qua Tây Ninh để tìm cách vào chiến khu.
Lúc đó cô bé Phạm Thị Nguyệt Ánh - con gái ông Phạm Ngọc Lân mới tròn 14 tuổi, hồi hộp đi theo mẹ để được biết mặt cha.
Ông Phạm Ngọc Lân (sinh năm 1922) là dân học trường Tây, theo kháng chiến làm tới Phó Bí thư huyện ủy Châu Thành (Tiền Giang), Phó Chánh Văn phòng Trung ương cục miền Nam. Sau ngày giải phóng, ông Lân giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TPHCM.
Năm 1958, ông Lân chính thức thoát ly vào chiến khu. Khi đó, cô bé Nguyệt Ánh mới 8 tuổi. "Ba tôi là người Vĩnh Kim, là dân trí thức. Còn má tôi là người Bến Tre, là nông dân rặt. Ba mẹ tôi cưới nhau ít hôm là ba theo kháng chiến luôn. Thời chưa thoát ly, lâu lâu ba tôi lại về thăm nhà nhưng đều là buổi đêm nên tôi không gặp mặt. Vì vậy, nghe má nói đi chuyến này gặp mặt ba là tôi mừng dữ lắm", bác sĩ Nguyệt Ánh nhớ lại.

Nữ dân y miền Nam Phạm Thị Nguyệt Ánh thời trẻ. Ảnh: NVCC
Thực ra, đây là chuyến đi không chỉ để biết mặt ba mà thay đổi cả cuộc đời cô bé Nguyệt Ánh, vì ông Lân sẽ giữ cô lại trong chiến khu để tham gia kháng chiến.
"Sau này tôi mới biết là ba với má lo, sợ để con gái lớn ngoài này không khéo lại dây dưa với bên kia thì không hay chút nào", bác sĩ Nguyệt Ánh giải thích thêm.
Sau đó, giao liên đưa 2 mẹ con Nguyệt Ánh lên Sài Gòn, vòng qua Tây Ninh rồi tới một nơi gọi là Chợ Giữa. Tại đây, cả nhà mừng vui khôn xiết. Cô bé Nguyệt Ánh ôm chầm người cha lần đầu thấy mặt. Ở cùng nhau được 2 hôm, ông Lân chỉ kịp dặn dò con gái nhỏ nghe lời các cô, chú trong chiến khu rồi từ biệt để đi công tác Campuchia.
Cô bé Nguyệt Ánh cũng tạm biệt má để theo giao liên vào chiến khu.
Ít tháng sau, ông Phạm Ngọc Lân về. Cô bé Nguyệt Ánh được cha viết giấy nhờ giao liên dẫn tới gặp Trưởng Ban Quân y thời đó là ông Mười Năng (bác sĩ Trần Đăng).
Nhìn bộ dạng cô bé 14 tuổi xong, ông Mười Năng khẽ nói: "Con về nói với ba là để con lớn lớn chút nữa thì chú Mười mới nhận nghen".
Trên đường về, cô bé Nguyệt Ánh òa khóc vì bị chê thấp bé nhẹ cân.
"Lúc đó tôi 29kg, tuổi thì nhỏ, bộ dạng cũng thấp bé thật nhưng bị chê không nhận thì sốc lắm, tủi lắm", bác sĩ Nguyệt Ánh mỉm cười khi nhớ lại tâm trạng thuở xưa.
Sau khi con gái không được Quân y tiếp nhận, ông Lân viết thư tay nhờ giao liên đưa con gái tới gặp ông Bảy Thủ (GS.BS Nguyễn Văn Thủ) là Trưởng Ban Dân y Trung ương cục miền Nam.
Ông Bảy Thủ nhận và giao Nguyệt Ánh về Bệnh viện B9 của Trung ương Cục miền Nam.
Ở thời điểm cuối năm 1964, cô bé Nguyệt Ánh là thành viên nhỏ nhất của Ban Dân y miền Nam.
"Tôi mừng dữ lắm, vì thấy mình hữu dụng rồi. Ban Dân y là chiếc nôi giúp mình trưởng thành và cống hiến, từ thời chiến tới thời bình sau này", bác sĩ Nguyệt Ánh trải lòng.
Giữ được tính mạng là nhờ nhân dân tin yêu, che chở
Vào năm 1968, ở Trung ương Cục ai được tham gia tiến về Sài Gòn là vinh dự lớn.
Vào thời điểm đó, Ban Dân y miền Nam được lệnh thành lập các đội phẫu thuật tiền phương, nhằm tiếp ứng y tế kịp thời cho các cánh quân.
Nguyệt Ánh lúc đó đã là nữ y tá 18 tuổi và được chọn tham gia Đội phẫu thuật tiền phương nam (đóng ở xã Tân Kiên, Cần Giuộc, Long An, nay thuộc huyện Bình Chánh), chăm lo thương binh từ Sài Gòn chuyển ra.
"Lúc đó được chọn là tôi thấy rất tự hào và vinh dự. Nếu không được chọn tiến về Sài Gòn, thật sự là tủi thân", bác sĩ Nguyệt Ánh nở nụ cười tươi nhớ lại thời khắc hạnh phúc ấy.
Nữ dân y Nguyệt Ánh chăm sóc thương binh hồi năm 1968 ở Tân Kiên, Cần Giuộc, Long An. Ảnh: NVCC
Đội phẫu thuật tiền phương nam có 8 người, ở nhà ông Chín Đóng. Cả đội có 3 nữ, ngoài Nguyệt Ánh còn có y tá Tuyết Mai và một nữ bác sĩ từ miền Bắc chi viện. Sáng nào biệt kích cũng đổ quân càn quét, mọi người phải học cách "chém vè" (ngậm ống tre lặn nước cả giờ để tránh địch).
"Mình ở chiến khu cũng bom đạn trên đầu nhưng không cảm nhận đủ chiến tranh khốc liệt cỡ nào cho tới khi đến Tân Kiên", bác sĩ Nguyệt Ánh trầm giọng.
Một hôm, cả đội nhận tin biệt kích đã tới đầu xóm, vội lao xuống hầm nhưng thiếu Tuyết Mai. Nữ y tá Nguyệt Ánh vội lao lên tìm đồng đội. Thì ra, tối qua pháo kích cả đêm mất ngủ nên sáng nay Tuyết Mai còn nguyên trên võng. Cả hai chỉ kịp mỗi người một đầu cuốn vội chiếc võng rồi lao xuống mé sông sau nhà ông Chín Đóng. Trên nhà, biệt kích tra khảo, nặng tay đánh đập, nhưng vợ chồng ông Chín Đóng kiên quyết không khai, một mực "ở đây không có Việt cộng".
"Hồi ở chiến khu, tôi cũng bị thương trong một lần vận chuyển thương binh. Nhưng lần đầu tiên cảm thấy sinh tử cận kề là lần ở nhà ông Chín Đóng. Nếu biệt kích ập vào nhà rồi vòng ra sau sẽ thấy sóng nước còn gợn, sẽ phát hiện tôi với Tuyết Mai ngay. Còn nếu vợ chồng ông Chín mà không xả thân vì nghĩa, khai báo là cả đội 8 người đâu còn ai giữ được tánh mạng. Mới nói, kháng chiến thắng lợi là nhờ nhân dân yêu thương, đùm bọc, che chở...", nữ dân y miền Nam nói lời gan ruột.
Nhắc tới Tân Kiên, bác sĩ Nguyệt Ánh lại nhớ về Quy Đức, một xã của huyện Cần Giuộc, nơi Đội phẫu thuật tiền phương nam mất một đồng đội.
Ở trận đánh này, lực lượng biệt kích quá đông với hỏa lực quá mạnh đã áp đảo quân ta nên thương vong nhiều. Vào lúc cao điểm của trận đánh, bác sĩ Nguyễn Thành Lâm mới tròn 26 tuổi, chuyên Tai Mũi Họng từ miền Bắc chi viện, bị mảnh bom cắt đứt cả cánh tay.
"Đưa được anh xuống hào thì nước ngập, sình lầy, bom đạn rít trên đầu, lát sau anh đi vì mất máu quá nhiều... Vết thương này nếu chuyển anh ra khỏi vùng chiến sự thì cứu kịp, nhưng lúc đó đâu nhúc nhích gì được...", bác sĩ Nguyệt Ánh nghẹn giọng.
Tận mắt chứng kiến những mất mát, hy sinh trong thời chiến, nữ dân y miền Nam Phạm Thị Nguyệt Ánh mới cảm thấu sự trân quý của hòa bình, của độc lập, của tự do.
Sau khi đất nước thống nhất, Ngọc Ánh tiếp tục mài luyện chuyên môn ở trường Đại học Y dược TPHCM. Đến năm 1981, cô "đầu quân" về BV Chợ Rẫy (TPHCM).

Bác sĩ Phạm Thị Nguyệt Ánh kể chuyện thời chiến và cả trong thời bình.
Năm 2008, bác sĩ Nguyệt Ánh nghỉ hưu theo chế độ sau 4 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 2,5 năm) giữ vai trò Bí thư và Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Trừ một ông anh mất sớm do gặp xoáy nước lúc đi xuồng, 5 anh chị em của tôi đều theo ba vào chiến khu tham gia kháng chiến, mình má tôi ở nhà làm cơ sở cách mạng.
Kỳ diệu thay, sau 1975, cả nhà đều bước qua chiến tranh hội tụ đủ mặt. Tới nay, ba tôi mất rồi, chỉ còn má tôi 103 tuổi.
Sau dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào ngày 3/5 tới, 5 chị em tôi cùng các con, cháu sẽ tề tựu về Vĩnh Kim cùng với má tôi mừng gia đình đã bình an đi qua cuộc chiến và sự sống vẫn liên tục nẩy mầm...", bác sĩ Nguyệt Ánh lần nữa nở nụ cười tươi chia sẻ.
Đỗ Bá