Chúng tôi đến Trung đoàn không quân 923, nơi có những "hổ mang chúa" Su-30MK2, đúng vào dịp đơn vị đang chuẩn bị triển khai bay. Từ tờ mờ sáng đã có thể cảm nhận được không khí khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, đặc biệt là các phi công, thợ máy trước khi bay… Càng cận giờ bay, cường độ làm việc càng khẩn trương…
Phi công lái "hổ mang chúa" sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần
Sau 30 phút, chuyến bay trinh sát khí tượng hạ cánh an toàn. Các thành phần có mặt tại phòng giao nhiệm vụ bay. Sau khi nắm lại mọi công tác chuẩn bị, tình hình khí tượng, đồng chí Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ bay chính thức.
Theo các sĩ quan Trung đoàn 923, tổ chức huấn luyện bay là một phần trong sứ mệnh đào tạo phi công giúp họ có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Từ đài quan sát, tôi có thể nhìn thấy chiếc Su-30MK2 lăn chầm chậm khỏi sân đỗ, ra đường lăn, rồi chạy đà với tốc độ cực nhanh và bay vút lên không trung như một mũi tên. Tiếng gầm xé rách bầu trời buổi sớm. Chẳng mấy chốc, chiếc Su 30MK2 hòa vào bầu trời sáng ban mai.
Trung tá Lê Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm chính trị, Trung đoàn không quân 923 cho biết, để tổ chức thành công ban bay, công tác chuẩn bị đòi hỏi rất chi tiết và kỹ lưỡng bởi nhiều bộ phận bao gồm: Nắm rõ tình hình thời tiết, khí tượng; hiệp đồng giữa các thành phần; công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; thông tin, ra đa, ánh sáng; tình hình tâm lý, tư tưởng của bộ đội cũng như sức khỏe của đội ngũ phi công tham gia huấn luyện bay… Trên cơ sở công tác bảo đảm các mặt của đơn vị và sự chỉ đạo của cấp trên, chỉ huy bay sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị…
Trong mỗi đợt huấn luyện, phi công thực hiện bay những khoa mục khác nhau, như nhào lộn giản đơn, phức tạp, bay thấp, chặn kích trên không… Những máy bay Su-30MK2 mang màu sơn xanh rằn ri thanh thoát như chim én, nhanh nhẹn như chim cắt, như những diễn viên xiếc nhào lộn trên không với tốc độ vượt âm thanh…
Cảm nhận của tôi về những người lính không quân Trung đoàn 923 đó là sự tự tin, tinh thần yêu Tổ quốc, yêu bầu trời trong từng hơi thở. Họ không chỉ là những người lính sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, mà còn là những người tiếp nối truyền thống không quân có nhiều sáng tạo đậm chất Việt Nam trong cách bay, cách đánh mà không tìm thấy đâu trong giáo trình.
Những người lính phi công ưu tú của Đất Nước
Trong thời bình với tinh thần luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, không quân Việt Nam được tiến thẳng lên hiện đại với việc được trang bị các máy bay đa hiện đại. Dù máy bay, vũ khí có hiện đại đến đâu, con người vẫn luôn có vai trò quyết định bởi người phi công chiến đấu vẫn là "linh hồn" của mọi loại máy bay.
Thượng tá Trần Thanh Hải, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 923 giọng tự hào: Những phi công lái máy bay chiến đấu Su-30MK2 hiện đại nhất của Không quân Việt Nam họ là những phi công ưu tú, dọc ngang trên bầu trời với tốc độ âm thanh. Bên cạnh việc nắm rõ các bài bay, điều khác biệt của phi công chiến đấu với phi công khác là phải nắm rõ và hiểu tính năng của vũ khí được trang bị trên máy bay và ngắm bắn đúng mục tiêu.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân mà thường xuyên và trực tiếp là Đảng ủy - chỉ huy Sư đoàn 371, Trung đoàn Không quân 923 trong năm 2022 đã tổ chức diễn tập và tham gia bắn đạn thật do cấp trên tổ chức qua đó khẳng định trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi công. Đảm bảo tuyệt đối an toàn, ngắm bắn trúng mục tiêu. Qua các lần kiểm tra, bắn, ném bom đạn thật, các chiến sĩ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thiếu tá Nguyễn Thái Dương, Phó Phi đội trưởng - Phi đội 2 thuộc Trung đoàn 923 cho biết, khi tham gia bắn, ném bom đạn thật cũng rất hồi hộp nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ của chỉ huy bay, đồng chí, đồng đội nên bản thân đã bình tĩnh, tự tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với diễn tập hợp đồng quân binh chủng có sử dụng đạn thật là nội dung tương đối phức tạp. Ngoài kỹ thuật điều khiển lái máy bay, phi công còn phải nghiên cứu các tính năng của vũ khí mình đang sử dụng. Kết hợp với kinh nghiệm của phi công đi trước truyền lại, chuẩn bị tâm lý tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
Với các bài bay như bay bổ nhào, cơ động giản đơn, cơ động phức tạp theo biên đội và đơn chiếc; bay bắn, ném bom, phóng rốc-két... đều là những bài bay thuộc loại kinh điển và mọi phi công đều thuộc lòng. Tuy nhiên, khi gặp những sự cố thì chỉ có kinh nghiệm, bản lĩnh mới giúp phi công bảo toàn máy bay, tính mạng của mình và đồng đội. Sự cố có thể xảy ra trên thực tế và thường bất ngờ, đòi hỏi bản lĩnh vững vàng, khéo léo, mưu trí, bình tĩnh của người phi công.
Để có bản lĩnh vững vàng, phi công chiến đấu phải trải qua quá trình rèn luyện nghiêm ngặt có đủ sức khỏe, bay huấn luyện hiệu quả, trong đó có việc sẵn sàng xử lí thành công hỏng hóc và bất trắc trên không. Với cường độ hoạt động cao trong không gian 4 chiều, khi bất trắc xảy ra, diễn biến tâm lí phi công thay đổi rất nhanh khiến những điều đã thuộc nằm lòng bỗng chốc "bay" hết khỏi bộ nhớ.
Khi gặp bất trắc trên không, nếu còn đối không, phi công sẽ được sự hỗ trợ của chỉ huy bay từ mặt đất, hoặc từ đồng đội đang bay cùng; mất đối không, phi công phải hoàn toàn chủ động và dường như đơn độc giữa bầu trời.
Trung tá Đỗ Toàn Thịnh - Phó Chủ nhiệm chính trị là Phi công của Trung đoàn chia sẻ, để được ngồi trên buồng lái thực hiện những bài bay từ đơn giản đến phức tạp qua 4 điều kiện khí tượng, từ ngày giản đơn, ngày phức tạp đến đêm giản đơn, đêm phức tạp; trước tiên, học viên, phi công phải thuộc lí thuyết, rồi thành thục mọi động tác trong buồng tập giả định.
Phi công quân sự thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thuận lợi, cần có sức khỏe, kỹ năng và bản lĩnh tốt. Song song với quá trình huấn luyện bay, là huấn luyện xử lí hỏng hóc và sẵn sàng xử lý bất trắc trên không. Bản thân phi công chiến đấu phải trải qua quá trình học tập và huấn luyện không ngừng nghỉ. Những kiến thức học được từ sách vở và đồng đội, phi công phải ghi vào bộ nhớ, từ những tính năng kỹ chiến thuật cơ bản và những giới hạn sử dụng của máy bay, những chỉ dẫn sử dụng cần thiết đến cách xử lí các trường hợp bất trắc trong chuyến bay.
"Trên không trung thời gian tính bằng giây, phải luôn bình tĩnh, tự tin, giữ trạng thái máy bay, nhanh chóng phân tích, đánh giá chính xác tình huống và kịp thời báo cáo các thông tin cần thiết về hỏng hóc, bất trắc, hiện tượng xảy ra cho chỉ huy bay. Và muốn làm tốt điều đó, không thể khác được, bản thân phi công cần phải trải qua quá trình khổ luyện", Trung tá Thịnh chia sẻ.
Những chuyến bay lại nối tiếp những chuyến bay, niềm say mê và trách nhiệm với bầu trời chưa bao giờ vơi cạn. Thượng tá Trần Thanh Hải bồi hồi, để niềm say mê với bầu trời Tổ quốc không trở thành vô nghĩa, bản thân mỗi phi công đều phải xây dựng cho mình niềm tin.
Đó là niềm tin vào chính mình, vào khả năng và bản lĩnh được tạo dựng bằng cả hành trình gắn bó với bầu trời. Đó còn là niềm tin từ mặt đất, với chỉ huy bay, gia đình - điểm tựa cho phi công trong mỗi chuyến bay.