Chuyển hồ sơ 15 vụ việc tại Agribank sang Bộ Công an điều tra

29-01-2014 12:16 | Thời sự
google news

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động tín dụng tại Agribank, từ khâu thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân, tài sản đảm bảo, quản lý và thu hồi vay đến xử lý rủi ro.

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động tín dụng tại Agribank, từ khâu thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân, tài sản đảm bảo, quản lý và thu hồi vay đến xử lý rủi ro.

Trong giai đoạn 2009-2011, các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank đã thua lỗ gần 9.000 tỉ đồng
Trong giai đoạn 2009-2011, các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank đã thua lỗ gần 9.000 tỉ đồng

Thanh tra Chính phủ vừa cho biết Thủ tướng đã đồng ý với kết luận thanh tra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 15 vụ việc, hồ sơ có dấu hiệu cấu thành tội phạm tại Agribank sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2009-2011 tại Agribank màThanh tra Chính phủ vừa công bố, Agribank đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm không nhỏ.

Những sai phạm rất lớn

Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2009-2011, Agribank đã chi tiền môi giới huy động vốn cho đối tượng không được cấp phép hoạt động môi giới, chi môi giới huy động vốn với lãi suất vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (14%), trong đó phần chi môi giới làm cho lãi suất vượt 14% năm lên tới trên 283 tỉ đồng. Một số trường hợp chi môi giới có dấu hiệu lập chứng từ chi tiền không đúng nhằm hợp thức hồ sơ hoặc tẩy xoá, sửa chữa tài liệu, chứng từ chi môi giới huy động vốn.

Agribank đã vi phạm quy định về thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng: Từ tháng 6-2009 đến tháng 7-2011 đã có 189 khách hàng được phê duyệt cấp tín dụng nhưng không có văn bản uỷ quyền của Tổng giám đốc theo quy định; trong đó dư nợ của các khách hàng này tại thời điểm 31-12-2011 là 13.816 tỉ đồng, phát sinh nợ xấu với tỷ lệ gần 7,6%.

Agribank cũng đã vi phạm quy định về huy động và cho vay vàng trên thị trường liên ngân hàng nói riêng và khách hàng nói chung với số lượng lớn, kéo dài – kể cả khi có quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước. Vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ cấp tín dụng vượt 20% vốn tự có của Agribank đối với các công ty con mà Agribank nắm quyền kiểm soát, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo bằng văn bản thì Agribank vẫn cho vay với khối lượng lớn.

Agribank cũng đã cấp tín dụng 4.000 tỉ đồng cho Agriseco (công ty chứng khoán do Agribank kiểm soát) thông qua việc ứng vốn và đầu tư trái phiếu trái với quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thấp. Agribank đã phát hành thư bảo lãnh thanh toán cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay vốn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không đúng quy định với số lượng lớn, khi đến hạn phải trả thay với số tiền trên 208 tỉ đồng.

Mặc dù theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, từ ngày 1-1-2011 không có nghiệp vụ gửi tiền và nhận tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng nhưng Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Agribank vẫn thực hiện “gửi tiền” và “nhận tiền gửi” có kỳ hạn với tổng doanh số rất lớn, lên đến hàng trăm triệu USD và EUR. Trong các giao dịch này có 19 giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá trị, kỳ hạn, lãi suất giữa sở giao dịch với 5 ngân hàng khác, với tổng giá trị 25.200 tỉ đồng và 100 triệu USD. Thanh tra Chính phủ nhận định các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, làm tăng giả tạo tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch.

Mặt khác, Agribank đã thực hiện một số giao dịch gửi tiền, cho vay đối với các tổ chức tín dụng với thời hạn gửi 3-5 năm trong khi nguồn vốn cho vay không xác định được kỳ hạn, làm suy giảm chức năng “dự trữ thanh khoản” của nguồn vốn. Đến cuối 2009, Agribank đã phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay 5.000 tỉ đồng để xử lý mất cân đối.

Tiến hành kiểm tra các quy định trong các khâu của quy trình cho vay, bảo lãnh, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện vi phạm xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động tín dụng, từ khâu thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân, tài sản đảm bảo, quản lý và thu hồi vay đến xử lý rủi ro. Nhiều sự việc có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng cần được xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoạt động đầu tư tài chính của Agribank được Thanh tra Chính phủ khẳng định là không hiệu quả, có nhiều vi phạm, thậm chí dẫn tới mất vốn rất lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn. Điển hình như trong giai đoạn 2009-2011, các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank đã thua lỗ gần 9.000 tỉ đồng; đặc biệt 2 công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu. Agribank đầu tư 144 tỉ đồng cổ phiếu CMC khi thị giá đang là 72 tỉ đồng nhưng đến hết năm 2011 chỉ còn hơn 20 tỉ đồng. Việc đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại Agribank chi nhánh TPHCM trong 4 năm (2008-2011) cũng gây thua lỗ hơn 46 tỉ đồng.

Ngoài ra Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều vi phạm, khuyết điểm của Agribank khi xác định giá trị quyền sử dụng đất tại 2 doanh nghiệp trực thuộc, sai phạm hơn 8 tỉ đồng trong đầu tư xây dựng, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Trung tâm Công nghệ thông tin khi một cán bộ tham ô, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 33 tỉ đồng.

Hàng năm, vốn đầu tư xây dựng chưa kể mua sắm thiết bị và công nghệ tại Agribank lên tới hơn 1.500 tỉ đồng nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thanh tra Chính phủ khẳng định chính điều này làm nảy sinh nguy cơ lãng phí, thất thoát, tham nhũng nên cần có giải pháp đối với Agribank cũng như các ngân hàng thương mại nhà nước.

Chuyển 15 hồ sơ sang Bộ Công an

Thanh tra Chính phủ cho biết kết luận thanh tra tại Agribank đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 15 vụ việc, hồ sơ có dấu hiệu cấu thành tội phạm tại Agribank sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong số này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam và nhóm khách hàng liên quan, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra những sai phạm tại Agribank; tổng hợp đánh giá việc chi môi giới trong huy động thời gian qua và đề xuất giải pháp xử lý và phối hợp Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ kiểm toán, kế toán, tiếp nhận nhóm các vụ việc do Thanh tra Chính phủ chuyển.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Công an chủ trì với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng (kiểm sát, tòa án, kiểm toán, thanh tra) xác định tiêu chí cơ bản làm cơ sở đánh giá hậu quả thiệt hại gây ra trong hoạt động tín dụng, nhất là các khoản có khả năng mất vốn, tránh tùy tiện hoặc mâu thuẫn giữa các cơ quan chức năng, gây khó khăn, cản trở và không khách quan trong xử lý vi phạm tín dụng hiện nay.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần kịp thời chấn chỉnh hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động thanh tra giám sát; các vi phạm trong cho vay giữa các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với các cán bộ có khuyết điểm, vi phạm từng thời kỳ, đảm bảo khách quan, nghiêm túc.

Nhiều sếp Agribank bị khởi tố

Sau khi tiếp nhận các hồ sơ của Thanh tra Chính phủ chuyển sang, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ. Đến nay cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Được biết ông Phạm Thanh Tân giữ chức vụ Tổng giám đốc Agribank từ ngày 12-6-2009 đến ngày 12-7-2011. Ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng giám đốc Agribank cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 9-1 vừa qua để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Bích Lượng, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội về hành vi vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng,…

Thanh tra Chính phủ cho biết trong quá trình thanh tra, Agribank đã có nhiều nỗ lực duy trì hoạt động và khắc phục các vi phạm khuyết điểm; rà soát, sửa đổi ban hành các quy định, tái cơ cấu bộ máy và xử lý kỷ luật 158 cán bộ sai phạm, trong đó cách chức và miễn nhiệm 16 giám đốc.


Ý kiến của bạn