Chỉ cần có gạo là nuôi được con
Không khó để chúng tôi tìm đến gia đình anh chị Năm Hải, bởi vừa đến đầu tổ dân phố Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội hỏi thăm gia đình anh chị người dân ở đây bảo, gia đình sinh 14 đứa con chứ gì?. Khi chúng tôi đến nhà, chị Hải đang ở ngoài đồng, đập vào mắt chúng tôi là hai chiếc phản kê sát vào nhau choán hết nửa diện tích căn nhà, trên tấm phản 6 đứa trẻ đang lăn lóc ngủ, 3 đứa đang ngồi chơi ở sàn nhà. Chiếc phản này cũng là nơi ngủ nghỉ của đại gia đình 17 miệng ăn bao gồm các con và các cháu nội, cháu ngoại của chị. Một lát sau chị Hải về, nghe tiếng chị 5,6 đứa ùa ra bá vai, bá cổ rối rít như một bầy chim non.
Góc phản này là nơi ngủ nghỉ của những đứa con cháu trong gia đình chị Hải
Chị Hải cho biết, chị là người ở phường Yên Nghĩa, anh Năm chồng chị là người ở phường Đồng Mai. Năm 1988 hai vợ chồng cưới nhau nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có miếng đất cắm dùi nên anh chị sống phiêu bạt ở cánh đồng, ra đồng dựng tạm lều bạt sống qua ngày ở cánh đồng. Cứ như thế những đứa con lần lượt ra đời, hai đến 3 năm một đứa.
Chị Hải còn sinh con sau cả con dâu và con gái. Hiện nay 3 con gái lớn của chị đã lấy chồng, nhưng đứa lớn nhất lấy chồng ly hôn xong rồi bỏ đi biệt tích để lại đứa con trai 3 tuổi cho chị nuôi, còn hai đứa con trai lớn cũng đã lấy vợ và cũng đều có con.
Chị Hải và các con, cháu
Bọn trẻ cũng ăn và ở với chị hết. Nhìn chị chưa đến 50 tuổi nhưng khuôn mặt khắc khổ, gia nua đen sạm vì nắng gió và vì vất vả mưu sinh. Chị Hải chỉ từng đứa con mình giới thiệu nào là em Nhất, em Phúc, em Đức, em Nguyệt, em Tươi, em Sáng, em Nhân…Nói đến đây chị rơm rớm nước mắt chỉ tay về ảnh cô con gái út đã qua đời vì căn bệnh não úng thủy. Sau khi cháu nhỏ nhất mất được hơn 2 năm thì chồng chị cũng qua đời. Mới đây, đứa cháu nội của chị cũng đột nhiên qua đời vào đúng ngày mưa gió do cơn bão số 1 gây ra.
Chị Hải kể thời gian ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Mình có vất vả, có khổ cũng phải kiếm đủ ăn cho con. Nhìn căn nhà bộn bừa chẳng có gì đáng giá ngoài cái tivi 14 inch đời cũ và chiếc nồi cơm điện được 1 người cháu gửi cho, đến đống sách vở của đám trẻ con cũng không có chỗ để. Chúng tôi ái ngại hỏi về việc học hành của các cháu thế nào? Chị Hải thật thà, “chỉ có mỗi thằng lớn là học hết cấp 3, còn đâu chúng học đến đâu thì học, biết mặt chữ là được.
góc nhà còn lại cũng là nơi chơi, học và ngủ của các con chị Hải
Học phí không phải đóng nhà nước cho hết rồi. Chỉ mấy đứa trẻ lúc nhúc ngồi cạnh, chị Hải cho hay, hai đứa học cùng một lớp thằng anh sinh năm 2003 hoặc cùng với thằng em sinh năm 2005, con chị sinh năm 2007 hoặc cùng lớp với con em sinh năm 2009.
Chúng nó đến lớp học được chữ nào thì hay chữ đó, về nhà cũng vậy, bò ra đất mà học chứ giờ kê bàn thì chật chội không có chỗ. Đến ngủ còn phải nằm ra đất”. Nói rồi, chị Hải tự an ủi mình, cái số chị nó vậy thì phải chịu cô ạ, mình cứ nhìn gương các cụ ngày xưa kiếm 1kg gạo khó khăn thế mà cũng nuôi được khối con, giờ mình kiếm cả yến gạo cũng không khó lắm nên chỉ cần có gạo là nuôi được con mình.
14 lần sinh là 14 lần tự “chiến đấu” tại nhà
Thấy chị nheo nhóc, vẫt vả và cứ đẻ “sòn sòn” nhiều người hỏi, sao anh chị không kế hoạch? Nhưng chị bảo, chả có nhà mà đi về cứ ăn bờ ở bụi ở ngoài đồng, sinh xong đứa này được vài ba hôm là phải lao xuống ruộng mò cua bắt ốc để kiếm ăn rồi. Vừa sinh đứa này xong chưa kịp lớn thì đã phát hiện mang bầu đứa khác, lúc phát hiện ra chúng đã thành hình người. Vợ chồng chị bảo nhau “con người hơn nhau ở nhân và đức, nó là con mình phải đẻ ra để nó làm người”. Bố chị thương con mới cắt cho mảnh đất để dựng lên căn nhà cấp 4 để vợ chồng chị và ác cháu có chỗ chui ra, chui vào.
Khi chúng tôi hỏi, chị sinh nhiều con thế mà cán bộ dân số không đến hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình?, chị Hải cho biết, lúc sinh xong cháu Ngô Doãn Nhất, là con thứ 6 của anh chị, chị cũng đã được cán bộ y tế xã động viên đi triệt sản. Thế nhưng, để gặp được anh chị cũng khó vì suốt ngày sống ở cánh đồng, thêm vào đó lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị cũng lần khất. Thế rồi, cũng có lần chị ra trạm y tế định kế hoạch thì chồng chị ra báo công an, báo không được, anh chửi cả bác sĩ và nhất quyết không cho vợ thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Vì thế, trạm y tế đành để chị ra về và từ đó, đều đặn 13 năm sau anh chị sinh thêm 8 cháu nữa.
Chị Hải và cháu thứ 13 bị nhược cơ phải sống chung với thuốc cả đời
Đáng nói là cả 14 lần sinh, không đẻ rơi đẻ vãi ở đâu đó thì cũng đẻ tại nhà chứ chị Hải chưa một lần đến Trạm y tế xã. Lần sinh nào cũng do chồng chị cắt rốn. Các con của chị duy nhất chỉ có cháu Ngô Doãn Nhân cháu bé thứ 13 được tiêm phòng 1 mũi, nhưng là mũi phòng bệnh gì thì chị cũng không nhớ. Còn lại, các cháu khác đều không biết một mũi tiêm chủng nào. Nhưng may mắn là các cháu đều khỏe, không cháu nào bệnh tật, chỉ có cháu bé út là bị bệnh bẩm sinh. Cháu Nhân là con thứ 13 từ khi bố mắt cháu xuất hiện triệu chứng khác lạ trên mắt, chị đưa đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị nhược cơ và phải điều trị suốt đời. Bác sĩ còn bắt phải nằm viện để điều trị, nhưng chị xin về nhà điều trị vì nếu ở viện thì không có ai “quản lý” chăm sóc và nuôi các con, cháu chị ở nhà.
Căn bếp chỉ vài met vuông là nơi nấu nướng cho 17 miệng ăn trong gia đình
Biết hoàn cảnh gia đình chị, nhiều người cũng ướm hỏi xin bớt bé làm con nuôi hoặc nhà chùa cũng xin đưa các cháu vào chùa, nhưng chị từ chối hết. Với chị, “khi nào mẹ còn sống thì kể cả rau cháo qua ngày mẹ con cũng phải ở với nhau, còn đến khi nào sức yếu không nuôi được con nữa thì lúc ấy sẽ tính sau”, chị Hải chia sẻ.
Cảnh tượng trong sân nhà chị Hải bừa bộn, chật chội, dây phơi quần áo duy nhất của 17 con người
Nhìn người phụ nữ 48 tuổi già nua, đen sạm vì vất vả, đang phải vật lộn với cuộc sống để gánh trên vai 9 đứa trẻ cả con và cháu (trừ 2 đứa lấy vợ và 3 đứa con gái đi lấy chồng) vẫn vô tư với suy nghĩ chỉ cần có gạo là đủ nuôi con, chúng tôi không khỏi ái ngại và lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ này.