Chuyện giờ mới kể về những chuyến tàu đến Trường Sa

09-05-2016 09:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Lính tráng trên tầu nhường giường cho khách phải nằm sàn vì quá nhiều người muốn thăm Trường Sa. Thương họ ứa nước mắt.

Xin kể vài chi tiết về chuyến đi của tôi trên tầu Kiểm ngư 490 (KN490), một con tầu mới hạ thủy năm 2014 còn mới tinh, hơn 3000 tấn, tốc độc rẽ nước 10 hải lý/giờ. Các phòng ở có điều hòa 24/7, có nhà vệ sinh, buồng tắm trong phòng. Có loại phòng dành cho 1 người (VIP), có loại 2 người, rồi 3-4 người, giường tầng, có khi 5-6 người.

Lính tráng trên tầu nhường giường cho khách phải nằm sàn vì quá nhiều người muốn thăm Trường Sa. Thương họ ứa nước mắt. Trên tầu còn có hệ thống máy giặt và sấy khô quần áo, đủ xà phòng. Mỗi người được phát một túi có khăn tay nhỏ đủ dùng, lúc tắm lau người vừa đủ khô, có bàn chải, thuốc đánh răng và vài túi nước gội đầu đủ dùng cho chục ngày nếu tiết kiệm. Ai thích có thể tự sắm trên đất liền. Mình mua cái khăn nhơ nhỡ ở Sài Gòn giá có 50.000 đa di năng, lau đủ chỗ mãi chưa hỏng,  giờ mang về Hà Nội dùng tiếp.

Ăn uống ngày 4 bữa, ăn sáng và ăn đêm có phở, mỳ tôm, trưa chiều có cơm, thịt, cá, rau do bên kiểm ngư thuê các em còn trẻ học nấu nướng cấp tốc. Trên đất liền không ai ăn kiểu đạm bạc như thế nhưng giữa đại dương do khí hậu tuyệt vời, lúc nào cũng đói, nên chúng tôi chỉ ăn cơm nhã, canh mặn, thịt rắn như đá vẫn thấy rất ngon.

Ăn, uống, đi lại trên boong tầu, lên đảo, xuống tầu, hát hò, cười vui,…  biển lặng như lên thiên đàng, có người tăng cân sau vài ngày. Một chị Việt kiều má trở nên phinh phính, da căng.  Tôi  đùa, em có cần mượn quần thì đây mang thừa một cái.

Tầu đi dài ngày nên phải dự trữ thức ăn, cá thịt đông lạnh, rau và hoa quả trong ngăn mát, nước ngọt cho 200 con người dùng trong 2 tuần liền. Thỉnh thoảng có cá tươi vì thăm đảo được các chiến sỹ đánh bắt và tặng vài bao tải. Giữa đại dương chỉ có đồ đông lạnh, lúc đầu rau tươi, sau héo dần, nước rau muống đỏ, nhưng cho ít sấu vào chua chua, chan với cơm nát vẫn ngon tuyệt, hơn cao lương mỹ vị.

Nước ngọt ít nên Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, trưởng đoàn công tác số 6, khuyên rất khéo, muốn bớt say sóng thì tiết kiệm tắm rửa vì dùng nhiều nước ngọt thì tầu nổi lên, càng nổi càng chòng chành, lắc lư, càng dễ say. Chắc các bà các cô khi vặn hoa sen sẽ nghĩ, dùng nhiều sẽ tự hại mình, nên chỉ 2-3 phút là xong một cú làm đẹp da. Người bên văn công là chị Thanh Loan nói, lên đảo chị tiếc nước ngọt của lính nên không đánh răng sáng, lúc hát và làm MC vẫn hay.

Trưởng  đoàn còn lệnh cho các thành viên phải tuyệt đối tuân thủ mọi quy định của tầu vì đây là quân sự, không tơ lơ mơ. Không được tự tiện tắm biển vì biển Trường Sa trông lặng thế như sóng ngầm rất nguy hiểm, rơi xuống mà không có áo phao thì coi như làm mồi cho cá mập. Năm trước có cả một cụ sư thích nước xanh đã cởi cả cà sa và nhảy xuống biển bơi. Lũ cá heo đuổi theo và mọi người một phen hú vía.

Lên xuống xuồng cũng phải cẩn thận, sóng đánh thành xuồng vào mạn tầu, bám tay vào thành xuồng mà chẳng may sóng dập là bàn tay đi luôn. Đã có tai nạn xảy ra. Lên xuống xuồng cũng phải nhanh nhẹn và thông minh. Sóng dềnh lên thì bước xuống hay lên, đừng đợi sóng xuống mà nhảy theo là ngã đập đầu vào tầu. Đoàn này có ông tre trẻ sỹ diện lên xuống như xiếc nhưng rồi bị  va bắp chân vào mạn tầu, phải bó chân và nằm lại trên tầu, đến giờ ăn lặc lè ra ngồi nhai cơm và nhìn biển.

Đã có nhiều tai nạn kiểu này rồi. Chuyến trước có một ông Việt kiều Mỹ đi với một người xa tổ quốc ở Đức. Hai người  này khá cao tuổi, bị tiểu đường, phải dùng thuốc hàng ngày. Người ở  Đức quên thuốc ở nhà, còn người sống ở Mỹ với tinh thần quốc tế cao cả đã chia thuốc cho ông Việt kiều Đức. Tới nửa đường thì hết thuốc vì người này chỉ  mang đủ cơ số thuốc cho 11 ngày, 11 viên. Hết thuốc nhưng ông Việt kiều Đức vẫn chịu được còn bác ở Mỹ quen kiểu “American standard” bị phù nề, người mê man và có triệu chứng sắp xỉu. Cả tầu cuống lên không biết làm thế nào. Đất liền thì xa, trực thăng nào cấp cứu được và ai có tiền mà làm. May quá, khi chúng tôi tới một đảo gặp một chiếc  trực thăng sắp vào đất liền, ông khách Mỹ được ưu tiên, thế là sống. Thử tưởng tượng giữa biển khơi mà ốm đau sẽ thế nào, lại còn biển động, say sóng ăn cái gì cho cá mập ăn thứ đó. Gẫy chân, gẫy tay ai bó bột.... Bục dạ dày, đau ruột thừa phải mổ thì chắc chắn là tai họa.

Các trưởng đoàn thường đưa mấy trăm người đi luôn canh cánh trong lòng xem có ai không may gặp tai nạn, hay ốm đau, bệnh tật… có trường hợp tử vong, chuyến đi coi như là tra tấn cả đoàn. Lên đảo mà ốm đau như tầu lá héo thì cười với lính đảo sao được. Mục đích là thăm hỏi, động viên và …tặng quà lính đảo chứ không phải cho họ hỏi thăm động viên ngược lại mình vì đau ốm. Tóm lại khỏe mới đi, vui mới đi, ốm đau, hay chê bai, thích sang trọng thì nên ở nhà cho người khác đi. Đến đảo mà không lên đảo do ốm, sợ nắng hỏng da, thích chơi tá lả ăn tiền, thì đi làm gì cho tốn chỗ, tốn tiền. Mỗi xuất đi tính ra hàng trăm triệu nếu tính cả hậu cần ra vào trên đảo, thời gian tiếp đón, hải trình đi lại.


Hiệu Minh
Ý kiến của bạn