Chuyện giờ mới kể về 'lần đầu' phẫu thuật lấy tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí

SKĐS - Dù cách nay đã nửa tháng nhưng nghĩa cử hiến tạng cho y học của gia đình thanh niên ở Quảng Ninh vẫn còn được nhiều người dân địa phương nói đến với sự cảm phục. Cùng với đó là thành tựu y khoa nổi bật của tỉnh khi lấy tạng ngay tại quê nhà...Những câu chuyện nhân văn ấy đến bây giờ mới được kể lại.

Để sự ra đi của con không trở thành vô nghĩa

Nam thanh niên trên đường đi làm bị tai nạn giao thông được đưa vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn, mất hết các phản xạ ánh sáng và tiên lượng rất nặng.

Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ xử trí cấp cứu, hồi sức tích cực, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán người bệnh chấn thương sọ não rất nặng.

Chuyện giờ mới kể về 'lần đầu' phẫu thuật lấy tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí- Ảnh 1.

Trong quá trình tư vấn, trao đổi, thật may mắn, cha mẹ bệnh nhân đã đồng tình với việc hiến tạng của con cho y học. Ảnh: Phạm GIang

Qua hội chẩn liên viện với các bác sĩ đầu ngành thuộc bệnh viện tuyến trung ương cùng sự nỗ lực, tình hình sức khỏe bệnh nhân vẫn không cải thiện và được chẩn đoán có dấu hiệu chết não.

Một bác sĩ trong kíp  điều trị cho bệnh nhân ở BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí kể lại, sau khi đã thực hiện mọi biện pháp cấp cứu bệnh nhân nhưng tình trạng của anh không cải thiện, chúng tôi đã gặp gỡ và giải thích với gia đình về tình trạng của người bệnh. Bố mẹ bệnh nhân đã vô cùng suy sụp. Bởi, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khá đặc biệt, anh là niềm hy vọng và chỗ dựa tinh thần duy nhất của gia đình. Tuy nhiên, thật may mắn cho những người bệnh nặng đang chờ ghép tạng, sau khi hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng, cha mẹ bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng của con cho y học. 

Vị bác sĩ này cũng kể lại, cha mẹ bệnh nhân có tâm sự với bác sĩ, nếu một phần mô tạng của con có thể cứu sống nhiều người và một phần sự sống của con vẫn tiếp tục hiện hữu ở cuộc đời người khác thì cái chết này của con không vô nghĩa. 

"Từng giây, từng phút chúng tôi dõi thông tin của người bệnh được nhận tạng, chỉ khi các chỉ số và chức năng tạng ổn định trên ở thể người được ghép chúng tôi mới cho phép mình được nghỉ ngơi",
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí trải lòng

Cảm phục trước nghĩa cử nhân văn, cao đẹp của gia đình người bệnh, kip hồi sức tích cực đã triển khai khẩn trương các giải pháp hồi sức mô tạng, tập trung tối đa nguồn lực sử dụng các thiết bị chuyên dụng, thuốc, vật tư… cho các mô tạng dự kiến được hiến. Nhóm có 10 nhân sự được phân công theo dõi các chỉ số trong suốt 40 giờ liên tục.

Bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cũng cho biết: giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình hồi sức tạng là lúc các chỉ số cơ thể của người bệnh có diễn biến xấu như huyết áp tụt, biến loạn các chỉ số toàn thân tăng dần. Nhiệm vụ của kip lúc này phải làm cho các chỉ số trở lại ổn định, giữ sự sống đó cho đến khi Hội đồng chẩn đoán bệnh nhân chết não và đưa người bệnh vào phòng phẫu thuật. Đây là ca đầu tiên lấy đa tạng mà chúng tôi thực hiện tại bệnh viện nên hết sức căng thẳng và lo lắng mặc dù có sự hỗ trợ của các chuyên gia bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Khi mô tạng rời bệnh viện đi đến nơi ghép tạng, tâm trạng của mọi người vẫn chưa an tâm vì không biết mô tạng khi tới nơi có đủ điều kiện được ghép.

Chuyện giờ mới kể về 'lần đầu' phẫu thuật lấy tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí- Ảnh 2.

Toàn kip phẫu thuật thực hiện nghi thức mặc niệm và gửi lời tri ân tới người hiến tạng.

Để có được kết quả như hôm nay không chỉ là sự nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên của toàn bệnh viện mà còn là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban giám đốc bệnh viện. "Bệnh viện đã thành lập Hội đồng đánh giá chết não, xây dựng kế hoạch triển khai công tác chuyên môn, công tác hậu cần, trang thiết bị, nhân lực cần thiết, sẵn sàng phương án dự phòng, kế hoạch phối hợp với các đoàn từ các bệnh viện đến lấy tạng ghép và phương án vận chuyển mô, tạng để đảm bảo chất lượng mô, tạng tới người được ghép tạng được tốt nhất", Lãnh đạo Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chia sẻ.

Chuyện giờ mới kể về 'lần đầu' phẫu thuật lấy tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí- Ảnh 3.

Từng phần mô tạng được lấy nhanh chóng được bảo quản và chuyển đi ngay trong đêm.

Với sự tham gia của 120 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều kip (trong đó có 60 y bác sĩ đến từ các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế), sau 5 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công.

Từng phần mô tạng được lấy nhanh chóng được bảo quản và chuyển đi. Ngoài sân, những chiếc xe cứu thương của đơn vị lấy tạng và xe cứu thương dự phòng của bệnh viện cũng đã nổ máy đợi sẵn, rời bệnh viện theo hai hướng ra sân bay Nội Bài đáp chuyến bay vào Huế và về Hà Nội cho kịp ca ghép tạng đang chờ.

"Chúng tôi đã mặc niệm em ấy, gửi lời tri ân tới người hiến và xin phép em ấy trước khi phẫu thuật, bởi nhờ cống hiến này mà có những sự sống đã được thắp lên".


Nhớ lại ca phẫu thuật đặc biệt này, một nhân viên y tế của BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí chia sẻ: "Đêm hôm đó, cả bệnh viện từ ban lãnh đạo đến những nhân viên y tế phục vụ đã không ngủ. Chúng tôi thao thức dõi theo kip chuyển tạng cho đến khi nhận tin mô tạng hiến đã tới nơi cần ghép an toàn. Và hôm sau nữa, nhận tin báo từ Huế và Hà Nội báo về, các mô tạng hiến đã được ghép thành công, ai cũng mừng. Đặc biệt, gia đình bệnh nhân hiến tạng cảm thấy được an ủi vì đã giúp hồi sinh sự sống cho nhiều người".

Sẽ tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia

Chia sẻ cảm xúc khi là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện lấy đa tạng từ người chết não, Lãnh đạo Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí bày tỏ: "Đến thời điểm này, những bệnh viện triển khai được phẫu thuật ghép tạng đều là những bệnh viện trung ương lớn, có nhiều năm kinh nghiệm. Việc thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng vừa qua đối với bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử quan trọng, mở ra cho Bệnh viện bước ngoặt mới trong việc phát triển chuyên sâu các lĩnh vực ngoại khoa đặc biệt là phẫu thuật hiến và ghép mô, tạng.

Chuyện giờ mới kể về 'lần đầu' phẫu thuật lấy tạng tại BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí- Ảnh 4.

Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí tự tin, sẵn sàng tiếp cận và triển khai các kỹ thuật cao, tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia.

Qua ca hiến tạng đầu tiên được thực hiện thành công ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh dưới sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia đến từ các Bệnh viện Trung ương đã khẳng định năng lực tổ chức, phối hợp với các bệnh viện đầu ngành; năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng những trước những tình huống cấp bách, khẩn cấp của toàn bệnh viện. 

Chúng tôi tự tin, sẵn sàng tiếp cận và triển khai các kỹ thuật cao, tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia, thực hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, phục vụ nhân dân ngay tại tỉnh Quảng Ninh.

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cũng đã đưa hiến tạng là một trong những mũi nhọn trong phát triển kỹ thuật chuyên sâu và nắm bắt được quy trình tổ chức thực hiện công việc này qua những buổi tập huấn. 

Không chỉ tập huấn về tư vấn, Bệnh viện còn được hướng dẫn thực hiện các quy trình, quy định trong việc hiến tạng tại một số bệnh viện ở Quảng Ninh năm 2023.

Minh Lý

Ý kiến của bạn