Lúc này đây, mô hình bệnh viện vệ tinh mà ngành Y tế từng theo đuổi lại phát huy tính ưu việt. Đơn cử như với chuyên khoa ung bướu, việc điều trị sớm và thường xuyên, liên tục cho bệnh nhân mang tính sống còn.
Thời gian qua, Bệnh viện K Trung ương đã đẩy mạnh việc thiết lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phải chuyển lên tuyến trên đã giảm nhanh. Trong khi đó, đã có những bệnh nhân ung thư điều trị ngay tại tuyến tỉnh nhưng vẫn có những thành công nhất định với tỷ lệ sống trên 5 năm ngày càng được cải thiện.
Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ngày càng có nhiều bệnh nhân ung bướu quyết định điều trị ngay tại tuyến tỉnh. Ung thư cần cả quá trình theo dõi, điều trị lâu dài. Việc khăn gói về Hà Nội với nhiều gia đình là bài toán khó. Vất vả đi lại, sinh hoạt, chi phí điều trị vốn đã tốn kém cũng tăng thêm. Trong khi nếu tình trạng quá tải xảy ra ở tuyến trên cũng ít nhiều làm gia tăng thời gian chờ đợi để được điều trị.
"Nếu xuống Hà Nội điều trị sẽ phải thuê nhà trọ, nói chung tốn kém nhiều thứ nên gia đình tôi không theo được..." hay "Ở các bệnh viện tuyến trung ương thường rất đông bệnh nhân, thời gian phải chờ đợi sẽ lâu hơn..." là những chia sẻ thường gặp của một số bệnh nhân tại đây với phóng viên.
"Thực tế, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi đi điều trị xa nhà, dẫn đến tâm lý ngại ngần nên đã bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất..." - ThS.BS Nguyễn Mạnh Anh, Phó Trưởng khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Vĩnh Phúc cho biết.
Vậy có nhất thiết phải "khăn gói" lên các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị ung thư? Câu trả lời là không nhất thiết. Những năm qua, để nâng cao năng lực điều trị cho tuyến tỉnh, hiện Bệnh viện K Trung ương vẫn đang triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh tại các địa phương như tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Đây là những cánh tay nối dài sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các ca bệnh khó thông qua việc hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn từ xa..., giúp các bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương nhưng vẫn được tiếp cận với các bác sĩ tuyến trên mà không phải chuyển tuyến điều trị.
TS.BS Võ Quốc Hưng - Phó trưởng Khoa Xạ 4, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ: "Từng bước, từng bước, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho anh em tuyến dưới. Trước khi chuyển giao, chúng tôi đều đã khảo sát kỹ các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị... Bệnh viện đáp ứng tốt các điều kiện này thì việc chuyển giao sẽ đạt hiệu quả cao".
Cụ thể hơn, Bệnh viện K đã hỗ trợ tư vấn về cơ cấu tổ chức, chuyên môn, danh mục trang thiết bị để xây dựng phát triển chuyên khoa Ung bướu tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Trên cơ sở danh mục kỹ thuật cần phát triển, Bệnh viện K sẽ chuyển giao các gói kỹ thuật cho Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, đảm bảo các kỹ thuật được triển khai thành công và an toàn, đúng quy định của Bộ Y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ngoài ra hai bên sẽ cùng phối hợp tổ chức các khóa đào tạo cập nhật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ y tế tại hai bệnh viện.
Trong quá trình khám và điều trị, các chuyên gia, bác sĩ điều trị có trình độ chuyên môn cao tại Bệnh viện K sẽ trực tiếp luân phiên hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y, bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Đặc biệt là phối hợp điều trị, hội chẩn chuyên môn trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân nặng, diễn biến phức tạp. Trước khi Trung tâm xạ trị của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt ra đời, những bệnh nhân có chỉ định xạ trị tại đây sẽ được chuyển xuống để xạ trị tại Bệnh viện K. Còn khi Trung tâm xạ trị của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt hoạt động ổn định, thì hai đơn vị sẽ cùng hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc điều phối, luân chuyển người bệnh để góp phần giảm quá tải tại Bệnh viện K, mà bệnh nhân vẫn được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Sau khi ký kết hợp tác với Bệnh viện K Trung ương, vài năm gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các ca bệnh khó. ThS.BS Nguyễn Mạnh Anh - Phó Trưởng khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, nhận định thêm: "Dần dần, người dân sẽ không còn e ngại việc đi điều trị ung thư, do đã bớt khó khăn, vất vả hơn...".
Thực hiện đề án quy hoạch phát triển mạng lưới ung thư và sau 5 năm triển khai dự án bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, hiện cả nước đã có 8 bệnh viện chuyên khoa ung bướu và 72 trung tâm, khoa điều trị ung bướu thuộc các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, giúp giảm cơ bản tình trạng bệnh nhân ung bướu phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Trên thực tế, đã có những ca bệnh điều trị cho kết quả rất khả quan tại các địa phương.
Không chỉ dừng ở việc nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện K Trung ương, để hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã có chính sách hỗ trợ hóa xạ trị miễn phí. Ngày 5/1/2023 tới, Bệnh viện sẽ phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam phát động Chiến dịch "Sẻ chia gánh nặng ung thư". Đây là chiến dịch nhân đạo nhằm hỗ trợ những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được hóa trị, xạ trị miễn phí. Tham gia chương trình, các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn giảm:
- Tiền công khám
- Chi phí cận lâm sàng
- Chi phí tiền giường
- Chi phí thuốc, hóa chất và vật tư y tế
- Chi phí xạ trị và các bước chuẩn bị cho xạ trị
- Chi phí người nhà đi cùng (phòng, điện, nước)
Dựa trên thông tin đăng ký tham gia của bệnh nhân, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt và các địa phương sẽ phối hợp đánh giá hoàn cảnh của bệnh nhân. Nếu thực sự khó khăn, những bệnh nhân ung thư không có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn. Để được tư vấn chi tiết, người bệnh và người nhà vui lòng liên hệ tổng đài 1900 1269 của bệnh viện.