Trong những ngày qua, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực giúp quốc gia láng giềng đối phó với đại dịch COVID-19.
Tại tỉnh Champasak, Đoàn đã khảo sát và làm việc tại các cơ sở: làng Phonesavanh, Trung tâm cách ly tập trung KM 21, đơn vị xét nghiệm, Bệnh viện Phonthong, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện đa khoa tỉnh Champasak và Bệnh viện khu vực quân đội 106.
Chuyên gia Việt Nam tổ chức tập huấn chuyên môn và kiểm soát nhiễm khuẩn cho các bệnh viện của tỉnh Champasak ngày 15/5. Ảnh: Đoàn công tác của Bộ Y tế từ Lào gửi về
Trực tiếp tham gia hội chẩn một số ca bệnh nặng với bác sĩ của các bệnh viện; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tại Trung tâm cách ly tập trung KM21, sau khi khảo sát thực tế, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đề xuất cơ sở cách ly KM21 cần có khu riêng biệt để bệnh nhân dương tính chờ trước khi chuyển đi bệnh viện để điều trị COVID-19.
Tại khu cách ly cần phải có phân luồng chỉ dẫn cho xe chở người đến cách ly. Có danh sách chính thức trả kết quả xét nghiệm âm tính cho khu cách ly để thuận tiện theo dõi đánh giá nguy cơ, giám sát. Tăng cường thêm cán bộ y tế tại cơ sở cách ly tập trung để đảm bảo yêu cầu kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên của những người đang cách ly tại cơ sở.
Đối với công tác xét nghiệm, Đoàn công tác đề xuất cần tập huấn và bổ sung nhân lực có thể thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm vì tỉnh đảm nhận chức năng xét nghiệm cho các tỉnh lân cận. Cần củng cố năng lực thêm cho các phòng xét nghiệm các tỉnh trong khu vực, sẵn sàng đáp ứng dịch bệnh...
Bên cạnh đó, cơ sở cách ly cần bố trí đủ phương tiện vận chuyển người đi cách ly; phương tiện vận chuyển phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Trang bị đủ thùng đựng chất thải (có thành cứng, nắp đậy), khử khuẩn thùng đựng chất thải sau khi sử dụng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Chuyên gia Việt Nam trực tiếp thăm khám bệnh nhân COVID-19 và đánh giá tình trạng hoạt động của các thiết bị y tế tại phòng hồi sức Ảnh: Đoàn công tác của Bộ Y tế từ Lào gửi về
Bệnh viện Đa khoa Champasak là bệnh viện đa khoa tỉnh lớn nhất khu vực Tây Nam, thực hiện chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn cho 4 tỉnh lân cận. Trong đại dịch COVID-19, bệnh viện được giao trách nhiệm là đơn vị sàng lọc, cách ly các đối tượng có nguy cơ cao, nghi ngờ mắc COVID-19.
Qua nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn công tác đã đề xuất bệnh viện cần phân luồng đi cho toàn bộ người đi vào bệnh viện rõ ràng, tách biệt rõ luồng đi cho những người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19.
Đoàn cũng đề xuất bệnh viện xây dựng kế hoạch chống dịch cho từng khoa, kế hoạch về nhân lực và kế hoạch thực hiện cách ly nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong khoa có bệnh nhân mắc COVID-19 để không ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân khác.
Tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, mở các lớp tập huấn các kỹ năng phòng chống dịch, các kỹ năng cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19. Trang bị thêm các trang thiết bị để giúp cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân, nhất là đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19.
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Trung tâm cách ly tập trung KM21. Ảnh: Đoàn công tác của Bộ Y tế từ Lào gửi về
Khảo sát tại Bệnh viện 106, Đoàn chuyên gia Bộ Y tế chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa lây nhiễm tại bệnh viện.
Đoàn công tác đề xuất bệnh viện cần tổ chức tập huấn, diễn tập tình huống nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về công tác phòng chống lây nhiễm, điều trị bệnh nhân COVID-19, thu gom chất thải, vệ sinh khử khuẩn môi trường.
Các khoa phòng khác trong bệnh viện cần có thêm những phòng đệm để chuyển bệnh nhân nghi ngờ đến trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm COVID-19.
Bệnh viện cần xây dựng kế hoạch/phương án về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn, trang thiết bị thu gom chất thải để chuẩn bị nhận bệnh nhân COVID-19 tới điều trị trong thời gian tới...
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Trung tâm cách ly tập trung KM21. Ảnh: Đoàn công tác của Bộ Y tế từ Lào gửi về
Đối với vấn đề về truy vết, Đoàn chuyên gia đề xuất địa phương cần sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được. Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm. Phải thông báo rộng rãi trên truyền thông các “mốc dịch tễ” đễ người dân tự đến khai báo tại cơ sở y tế.