Chuyên gia y tế công cộng: Sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô nhằm giảm nguy cơ thương tích, tử vong cho trẻ

25-09-2024 22:04 | Y tế

SKĐS - Qua khảo sát, hiện chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó tại Hà Nội đạt khoảng 2,6%, TPHCM đạt 1,1%. Chuyên gia nhấn mạnh thiết bị an toàn cho trẻ em là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ...

Tại hội thảo "Tăng cường phổ biến và chuẩn bị thực hiện quy định về thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên ô tô" do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (quỹ AIP) tổ chức hôm nay -25/9 đưa ra thông tin: Khoản 3 Điều 10 quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Đây là quy định mới tăng cường bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ô tô. Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 mới chỉ có quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô xe máy, còn với trẻ em ngồi trên ô tô thì gần như chưa cóquy định hướng dẫn.

Chuyên gia y tế công cộng: Sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô nhằm giảm nguy cơ thương tích, tử vong cho trẻ- Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng nhấn mạnh: Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông.

Theo các nghiên cứu, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81% /năm và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35 - 72 % và đồngthời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25 - 58% trong các vụ va chạm.

Tổ chức Y tế thế giới công bố, thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro do chấn thương nặng tới 80% so với trẻ dùng dây an toàn của người lớn, còn thiết bị an toàn cho trẻ em thông thường cho lứa tuổi từ 6đến 10 (thường là các ghế nâng để trẻ dùng dây an toàn trong xe) đã giúp giảm 77% rủi ro dochấn thương so với những trẻ không sử dụng.

Việc sử dụng thiết bị an toàn hiệu quả nâng cao mức độ an toàn bảo vệ trẻ em và có hiệu quả kinh tế cao. Đó là đầu tư một thiết bị an toàn khoảng 1,1 triệu đồng (46USD) có thể giúp tiết kiệm 3,34 triệu đồng (140 USD) chi phí y tế, 11,23 triệu đồng (470 USD) thu nhập trong tương lai và 31 triệu đồng (1.300 USD) chi phí về chất lượng cuộc sống. Ước chừng có khoảng15 triệu trẻ em từ 0 -125 tuổi sẽ được hưởng lợi từ quy định này.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng, qua khảo sát, hiện chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó tại Hà Nội đạt khoảng 2,6%, TPHCM đạt 1,1% và Đà Nẵng là 0%.

Vì vậy, thiết bị an toàn cho trẻ em là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ em. Thiết bị này bao gồm nhiều loại phù hợp với từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ như: Ghế nôi quay về phía sau hoặc cạnh, ghế quay về trước, ghế nâng, đệm nâng.

"Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông. Kết quả tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thiết bị an toàn có thể giảm tỷ lệ thương tích từ 25-90%"- ông Cường nhấn mạnh thông tin này trong tham luận về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô tại hội thảo.

Cũng theo ông Cường, không nên cho trẻ em ngồi ghế trước do đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Ngoài ra, dễ bị văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí cũng như gây mất tập trung hơn cho người lái…

Do đó, ông Cường cũng khuyến cáo trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn và đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m.

Chuyên gia y tế công cộng: Sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô nhằm giảm nguy cơ thương tích, tử vong cho trẻ- Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo.

Đồng thời, chuyên gia cũng nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ban hành luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã có gần 100 quốc gia có quy định pháp luật liên quan đến ghế an toàn cho trẻ em.

Tại một số quốc gia có thu nhập cao như Mỹ bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn từ những năm 1980, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 4 tuổi giảm 45% từ năm 1975-2017, Canada: Luật bắt buộc từ năm 1976, Úc bắt buộc từ năm 1971, Thụy Điển từ năm 1975….

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, đồng thời kiểm soát sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc…

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về thắt dây an toàn và thiết bị bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.

Theo ông Minh, nhìn vào bản báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào thời điểm năm ngoái, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Tuy nhiên, đến nay, khi soi chiếu vào sự thay đổi trước các quy định pháp luật có thể thấy rằng các điểm thế giới khuyến cáo đối với Việt Nam cơ bản đã được khắc phục, bổ sung trong các quy định mới.

Chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến nghị gì?Chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến nghị gì?

SKĐS - Các chuyên gia y tế khuyến nghị cần sớm có các quy định pháp luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm; quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn thiết bị an toàn trên xe ô tô.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn