Chuyên gia y tế: Cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn

09-12-2023 06:29 | Y tế

SKĐS - Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12 năm nay có chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”. Các chuyên gia nhấn mạnh: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với vợ hoặc chồng và trách nhiệm tương lai.

Đa dạng nhiều loại hình cung cấp dịch vụ tư vấn, thăm khám sức khỏe trước khi kết hôn

Thông tin tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12 năm nay do Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức ngày 8/12 cho thấy toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Cụ thể, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con/mẹ. Chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hằng năm. Năm 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 83%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.

Chuyên gia y tế: Cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn- Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tại lễ phát động.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động mô hình nâng cao chất lượng dân số tại tất cả quận, huyện, thị xã. Cụ thể, triển khai 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng; 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù như: làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, vùng công giáo, vùng dân tộc ít người, vùng dân di cư tự do.

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên và các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được duy trì thường xuyên thông qua các buổi truyền thông tại cộng đồng như tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống xâm hại tình dục, các biện pháp tránh thai, tác hại nạo phá thai không an toàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh…

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).

Để có được kết quả trên, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, các trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.

Chuyên gia y tế: Cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn- Ảnh 2.

Những thông điệp được gửi tới lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Các cơ sở y tế triển khai đa dạng nhiều loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai kỳ tốt để sinh con khỏe mạnh.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với vợ hoặc chồng và trách nhiệm tương lai

Các chuyên gia cho rằng, khám sức khỏe trước khi kết hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh di truyền, nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội mới đây, ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Những vấn đề này, hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Chuyên gia y tế: Cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn- Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức phát biểu tại Nghị trường.

Tuy nhiên, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.

Các chuyên gia y tế cho rằng cần nhận thức rõ, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn có vai trò hết sức quan trọng, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý, sức khỏe sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Cùng đó, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Từ đó, giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.

Tại Hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, ThS.BS Mai Trung Sơn, Cục Dân số cho hay, trong định hướng về chính sách dân số ở nước ta tại Nghị quyết 21- NQ/TW đưa ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%.

Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Lần đầu tiên mổ lấy thai và can thiệp tim mạch cùng kích hoạt ngay tại phòng mổ Bệnh viện Phụ sản TWLần đầu tiên mổ lấy thai và can thiệp tim mạch cùng kích hoạt ngay tại phòng mổ Bệnh viện Phụ sản TW

SKĐS - Trong một ca phẫu thuật chưa có tiền lệ, lần đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản TW, các bác sĩ của hai Bệnh viện Phụ sản TW và Nhi TW đã cùng 'bắt tay' mổ lấy thai thành công cho sản phụ trở về từ Hàn Quốc và sau đó can thiệp tim mạch kịp thời, cứu sống bệnh nhi sơ sinh.

Thái Bình
Ý kiến của bạn