Chuyên gia WHO: Việt Nam nâng cao vai trò của mình ở cấp toàn cầu

03-03-2016 15:58 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc cắt giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh - một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) - Bà Socorro Escalate, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định.


Bà Socorro Escalate - Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), bà Bà Socorro Escalate, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có buổi trả lời phỏng vấn với báo điện tử Sức khỏe & Đời sống về những thành tựu mà ngành y tế Việt Nam đã và đang đạt được, đồng thời đưa ra những kiến nghị nâng cao chất lượng y tế trong tương lai.

Là cơ quan hợp tác lâu năm với ngành y tế Việt Nam, trong 5 năm qua, theo ông/bà, ngành y tế Việt Nam đã có bước phát triển nào được quốc tế ghi nhận?

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc cắt giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh - một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Việt Nam cũng  được công nhận là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện các mục tiêu MDG.

Việt Nam cũng đã có những tiến bộ lớn trong vấn đề bảo hiểm y tế. Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo tất cả mọi người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế cơ bản. Việt Nam đã làm việc với WHO và tham gia vào một quá trình chuyển đổi hệ thống y tế nhằm đáp ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Như việc  sửa đổi Luật BHYT, cải thiện hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo việc tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế tốt hơn, nguồn nhân lực y tế được tăng cường...

Việt Nam cũng đã làm rất tốt việc ngăn chặn và phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola, và để làm được điều này là nhờ vào một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Việt Nam đã đạt được những yêu cầu năng lực theo Điều lệ về kiểm dịch y tế quốc tế (2005), nghĩa là Việt Nam đã có đủ khả năng giám sát, ứng phó với các dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam đóng một vai trò đột phá trong phòng chống, điều trị và phát hiện HIV trong cộng đồng, cam kết loại trừ bệnh sốt rét, phối hợp với WHO xây dựng Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, ban hành các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc lá, tạo ra môi trường không khói thuốc và đảm bảo truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá.

Việc phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng y tế tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề y tế được ưu tiên. Việt Nam đã thông qua Chiến lược Quốc gia về phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 với mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với Việt Nam trong 5 năm qua đã có bước phát triển như thế nào và đã góp phần trong công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam như thế nào, thưa bà?

Nhìn chung, WHO đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng năng lực y tế, đặc biệt tập trung vào xây dựng năng lực của đội ngũ bác sĩ, hiện nay WHO hỗ trợ Bộ Y Tế tiến hành cải tổ hệ thống đào tạo cán bộ y tế , định hướng nhằm tập trung vào đào tạo cán bộ y tế mà hiện nay Việt Nam còn đang đứng sau một số nước về chất lượng, kỹ năng và năng lực cần có trong thời gian đào tạo trở thành bác sĩ.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua chúng tôi đã cùng Bộ Y Tế tổ chức Hội nghị cấp cáo về đổi mới đào tạo nhân lực y tế Việt Nam, chúng tôi đã mời các chuyên gia trong khu vực để cùng nhìn nhận lại chương trình đào tạo nhân lực y tế và đưa ra những khuyến nghị  nhằm cải tiến hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng hỗ trợ Bộ Y Tế xây dựng chương trình đào tạo sau đại học cho bác sĩ, vì các bác sĩ cần phải được trang bị năng lực lâm sàng đủ mạnh, không chỉ ở bệnh viện mà năng lực cả ở sức khỏe cộng đồng và , vì vậy, thời gian thực tập mà đã được qui định bắt buộc tại Luật Khám Chữa bệnh cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt do vậy WHO vẫn đang hỗ trợ để xây dựng cơ chế và chiến lước, và những qui định để tiền hành thực hiện chương trình thực tập.

Bên cạnh đó, WHO cũng đang xem xét lại toàn bộ hệ thống chương trình đạo tạo nhân lực cho y tế, bao gồm những qui định về thẩm định bệnh viện, những qui định về bệnh viện với các trường y bao gồm cả việc chuẩn hóa và chất lượng  của các trường y do một cơ quan có thẩm quyền nằm trong Bộ Y Tế.

Đặc biệt, WHO cũng hỗ trợ nâng cao thực hành y bằng cách hỗ trợ  chính phủ và bệnh viện xây dựng hướng dẫn điều trị, xem xét đề làm thế nào đưa những kinh nghiệm quốc tế trên toàn thế giới về cách thực hành khám bệnh và phối hợp với vận hành bệnh viện, bao gồm những qui chế về quản l‎‎ nhiễm khuẩn, các hướng dẫn điều trị cho các bệnh không truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm cũng như về an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ trong bệnh viện. chúng tôi cũng hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng tiêu chí thực hành bệnh viện để nâng cao năng lực của bác sĩ để cung cấp các dịch vụ y tế tốt hơn, an toàn hơn cho người bệnh .

Theo bà, việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành Đại hội đồng Y tế thế giới (nhiệm kỳ 2016-2019) và việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế có ý nghĩa quan trọng thế nào?

Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới là một bước tiến quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ngoại giao y tế toàn cầu đang rất được quan tâm. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập trung bình, xuất hiện những thách thức và nhu cầu mới về y tế, đòi hỏi phải có những chuyển tiếp trong hệ thống cấu trúc, quản trị, chính sách hay các chương trình. Trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao vai trò của mình ở cấp toàn cầu, đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, các nghị quyết, đề xuất, cải tổ của WHO.

Trong việc thừa nhận Cơ Quan Quản Lý nhà Nước (NRA) về vắc xin, đây là một trong những thành tựu quan trọng, có 2 điểm là NRA có ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, đó là sự ảnh hưởng trong nước, thành tựu này đã tạo dựng niềm tin trong cộng đồng trong nước về hệ thống, đặc biệt là vì NRA – nằm trong Cục Quản Lý Dược, hiện nay đã có thể sản xuất được vắc xin an toàn, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng như các sản phẩm y tế khác. Điều này rất quan trọng nhằm đảm bảo sản xuất vắc xin an toàn và chất lượng tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ rất nhiều chương trình tiêm chủng mở rộng và nâng cao việc tiếp cận các sản phẩm y tế khác ngoài vắc xin.

Tiếp theo là những ảnh hưởng từ bên ngoài, VN đang trên con đường hội nhập toàn cầu mà có được Cơ Quan Quản Lý nhà Nước do WHO công nhận, điều này chứng tỏ VN đã chiếm được lòng tin với các quốc gia khác trong lĩnh vực sản xuất vắc xin và các sản phẩm y tế khác tại Việt Nam cũng sẽ được gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có xu thế tiếp cận thị trường xuất khẩu vắc xin trong khu vực và trên thế giới và đây là một cơ hội cho VN làm điều này.

Việt Nam có thể góp một tiếng nói trong Hội đồng Y tế Thế giới nhằm giải quyết những thách thức, thúc đẩy các quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Một số trong những thách thức này là bệnh tật đang làm gia tăng gánh nặng xã hội và kinh tế; gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế; tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,... những thách thức về mối quan hệ giữa mục tiêu kinh doanh với vấn đề sức khỏe cộng đồng; các bệnh mới nổi...

Xin bà chia sẻ cảm xúc nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) đến các bác sĩ, y tá và người làm công tác y tế Việt Nam trong ngày lễ ý nghĩa này..

Trước tiên, chúng tôi xin chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam, cũng như chúc mừng các cán bộ nhân viên ngành y tế nói chung, vì chính các anh, chị đã có những đóng góp lớn lao không chỉ cho ngành y tế việt Nam, không chỉ cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn có những đóng góp to lớn cho sự phát triển xã hội nói chung của Việt Nam.

Sức khỏe là nền tảng cơ bản cho sự phồn vinh và lớn mạnh của một dân tộc và sự đóng góp của các y bác sĩ, cán bộ ngành y tế là vô cùng quan trọng cho sự phồn vinh này, cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung của Việt Nam. Chúng tôi cũng xin cảm kích những nỗ lực của cán bộ y tế tiếp tục đóng góp, hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam, đặc biệt là trong những điều kiện dịch bệnh, nhiễm khuẩn mà có thể xảy ra với các quốc gia trên toàn thế giới và cũng là mối đe dọa chung với các bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi.

Chúng tôi cũng xin tuyên dương và cảm kích trước những đóng góp và sự hợp tác của các bác sỹ, đội ngũ cán bộ ngành y, những người sẵn sàng đánh đổi sự sống của mình để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, họ là những người luôn luôn hợp tác với chính phủ đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh. Chúng tôi luôn nhìn nhận, từ mọi góc độ, từ các cấp, từ khối các bệnh viện từ trung ương, các tình, các huyện và các trung tâm y tế, đội ngũ y bác sĩ đã thường xuyên phối kết hợp, đóng góp và nỗ lực hỗ trợ các chương trình quốc gia, đặc biệt là thực hiện những định hướng của chính phủ trong việc phòng chống, giám sát bệnh tật.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong thực hành nghề, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra với nhiều quốc gia trên toàn thé giới. Một lần nữa, với các quốc gia đang phát triển, có xu thế thương mại hóa các dịch vụ y tế, vì có người có thu nhập cao hơn, và các dịch vụ y tế công nghệ cao lại sẵn có, tuy nhiên, xu thế này, trong một phạm vi nào đó có tác động đến tính bền vững về tài chính trong y tế và đến hệ thống y tế. Chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều bằng chứng về việc thương mại hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc sử dụng các công nghê y tế thiết yếu, cũng như các dịch vụ y tế, có tác động đến chất lượng cuộc sống và an toàn của người bệnh.

Cùng với sự phát triển này, chúng tôi tiếp tục khuyến khích đội ngũ y bác sĩ, các cán bộ ngành y, tiếp tục là những người đi tiên phong, làm việc dưa trên cơ sở khoa học, thực hành đạo đức ngành y và luôn luôn đảm bảo bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng coi sức khỏe của người dân và chăm sóc sức khỏe người dân một cách cẩn thận nhất, đảm bảo sức khỏe đầu ra của người bệnh tốt nhất, cho từng gia đình và cho cả xã hội.

Xin cám ơn bà


Hà Anh - Duy Linh
Ý kiến của bạn