Gần 500 đại biểu, trong đó, có các chuyên gia phục hồi chức năng của Nhật Bản, Hàn quốc, Pháp và Việt Nam; các chuyên gia thuộc chuyên ngành phối hợp (Ngoại khoa, Thần kinh, Nhi khoa, Tim mạch, Tai Mũi Họng, Y học cổ truyền...) ở nhiều bệnh viện và trường đại học đã tham dự hội nghị khoa học về phục hồi chức năng kéo dài trong 2 ngày, bế mạc vào chiều 21/9. Hội nghị do Hội Phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức.
PGS.TS Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, hơn 50 báo cáo của các chuyên gia tham dự hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phục hồi chức năng trong việc điều trị và hỗ trợ bệnh nhân sau phẫu thuật, tai biến, chấn thương cũng như những bệnh lý mãn tính. Không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi thể chất, phục hồi chức năng còn hỗ trợ họ ổn định tinh thần, sớm trở lại với cuộc sống bình thường.
TS. Junko Fujitani (Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu Nhật Bản) đã chia sẻ kinh nghiệm về "Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ và giới thiệu hệ thống cung cấp phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng cho bệnh nhân ở Nhật Bản".
GS. Jung Kwang-Wook (Chủ tịch Hiệp hội y tế tỉnh Gyungbuk, Hàn Quốc) trình bày kết quả về "Ứng dụng công nghệ mới trong phục hồi chức năng tiền đình tại Hàn Quốc".
Đến từ Trường Đại học Mahidol (Thái Lan), TS. Mantana Vongsirinavarat đã báo cáo "Vai trò can thiệp đa chuyên ngành trong điều trị bảo tồn vẹo cột sống"…. và BS. Nguyễn Quang Thư (chuyên ngành phục hồi chức năng Tim mạch, Pháp) thông tin về những vấn đề tổng quan trong phục hồi chức năng tim mạch.
Các đại diện của Việt Nam cũng có những báo cáo ấn tượng trong lĩnh vực này. Mỗi báo cáo trình bày tại hội nghị phục này đều là một công trình được các bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu, tổng kết sau quá trình điều trị, đơn cử như PGS.TS Lương Tuấn Khanh (Giám đốc Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ kết quả nghiên cứu về "Gia tăng tính mềm dẻo thần kinh trong PHCN đột quỵ não"; PGS.TS Nguyễn Hồng Hà (Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ về "Tình hình điều trị tổn thương thần kinh VII tại Bệnh viện Việt Đức)...
Nhiều bài thuyết trình còn đề cập đến các phương pháp phục hồi chức năng cá nhân hóa, dựa trên đặc điểm và nhu cầu của từng bệnh nhân. Điều này đòi hỏi các bác sĩ và nhà nghiên cứu không ngừng cập nhật kiến thức, cải tiến phương pháp để mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân
Các đại biểu đã thảo luận về các xu hướng mới, công nghệ tiên tiến và các phương pháp điều trị hiện đại, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành phục hồi chức năng. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Việt Đức, đại diện Ban tổ chức, hội nghị khoa học phục hồi chức năng, không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức mà còn là nơi kết nối khoa học với thực tiễn y học.
Những nghiên cứu và báo cáo khoa học được trình bày tại hội nghị đã tạo ra cơ hội cho các chuyên gia, bác sĩ, và nhà nghiên cứu chia sẻ và thảo luận, từ đó đưa ra những giải pháp mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
Đồng thời, hội nghị còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế khi các chuyên gia từ nhiều nước chia sẻ những thành tựu mới nhất trong y học phục hồi chức năng. Sự kết hợp giữa các phương pháp, công nghệ mới với kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực phục hồi chức năng tại Việt Nam.
Việt Nam có nhu cầu phục hồi chức năng cao do số người cao tuổi gia tăng, chiếm 11,9% dân số; người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm 7,06% dân số; mô hình bệnh tật thay đổi gia tăng số người cần phục hồi chức năng: tai nạn thương tích, tim mạch, đột quỵ, bệnh không lây nhiễm, tâm thần...
Phục hồi chức năng là một trong 4 trụ cột chuyên môn của dịch vụ y tế, bao gồm: Nâng cao sức khỏe; dự phòng; điều trị; phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.
Hiện tổ chức mạng lưới phục hồi chức năng củng cố và phát triển từ trung ương đến địa phương. Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng phát triển và nâng cao. Dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe; Hiện tại Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề phục hồi chức năng cho 2.431 cá nhân, trong số này có 1.721 kỹ thuật viên.
Tuy nhiên, ngành phục hồi chức năng cũng gặp nhiều khó khăn: cơ sở vật chất đa số còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở phục hồi chức năng chưa tiếp cận với người khuyết tật: chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới 0,25 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân, trong khi Tổ chức Y tế khuyến cáo là 0,5-1 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân...