Là chuyên gia về tội phạm học nhiều năm kinh nghiệm, Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về thủ đoạn và cách tránh loại tội phạm lừa đảo tinh vi này.
- Nhiều năm công tác trong ngành công an, là chuyên gia về tội phạm học, ông đánh giá thế nào về tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội Zalo, Facebook hiện nay?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng xã hội hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, rất nhiều loại hình lừa đảo khác nhau xuất hiện gây lo lắng cho xã hội. Kéo theo đó là nhiều nạn nhân sập bẫy, thiệt hại lớn. Việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cũng rất khó khăn.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Căn nguyên chính là không gian mạng internet rất rộng lớn, người tham gia có thể ẩn danh. Người dân, nạn nhân không được trực tiếp kiểm chứng, xác minh, xác định cả về tài liệu lẫn thông tin của người mình đang giao tiếp qua mạng xã hội.
Chính vì thế nên các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để tính ẩn danh này để tạo ra các kịch bản, câu chuyện, vấn đề… để lừa đảo người dân nhằm mục đích trục lợi.
Phổ biến hiện nay, loại tội phạm lừa đảo này thường tạo ra các trang mạng mạo nhận cá nhân, tổ chức có uy tín để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Hoặc mạo nhận cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đe dọa người dân là có liên quan đến vụ án, vi phạm pháp luật để thao túng tâm lý, khiến người dân hoang mang phải cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, tài sản cho đối tượng lừa đảo.
Cũng do tính ẩn danh cao nên các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội còn kêu gọi đầu tư, góp vốn để thu lợi nhuận nhanh hay mua các thoại thuốc tốt cho sức khỏe… nhưng thực chất đây chỉ là cách để chúng đưa người dân "sập bẫy".
Mánh khóe, chiêu trò tinh vi nhất của loại tội phạm lừa đảo này là thường đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ của nạn nhân; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin của người dân để dụ dỗ. Đồng thời chúng còn nhắm đến một số người có khuất tất trong quan hệ xã hội, trong làm ăn để uy hiếp tâm lý, làm theo sự dẫn dắt của chúng.
- Cụ thể là một vụ án vừa được khám phá ở tỉnh Đắk Nông, đối tượng Thiều Thanh Long (trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) sử dụng Facebook cá nhân giới thiệu dịch vụ nhận khôi phục tin nhắn trên Zalo, Facebook đã dẫn dụ khoảng 40 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố chuyển cho Long hơn 300 triệu đồng, sau đó Long chiếm đoạt. Theo ông lý do chính khiến nạn nhân bị lừa ở vụ này là gì?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Do nạn nhân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, ở trường hợp này phải hiểu rằng làm công việc trên phải do cơ quan, doanh nghiệp có chuyên môn, có thông báo chính thức, địa chỉ rõ ràng. Việc chuyển tiền phải có căn cứ đảm bảo, có hợp đồng, biết rõ đối tượng nhận tiền ở đâu, ai là người quản lý, thuộc công ty, cơ quan nào chứ cứ nghe theo đối tượng xấu dụ dỗ tràn lan trên Zalo, Facebook dễ biến mình thành nạn nhân bị lừa đảo.
- Thưa Đại tá, để tránh sập bẫy trò lừa đảo trên thì cần làm gì?
Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Người dân cần nâng cao cảnh giác, tăng cường nắm bắt kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội. Cụ thể như, người dân, người tham gia mạng xã hội cần biết rõ rằng, tất cả cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật không bao giờ làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội, không bao giờ thông quan mạng xã hội hay điện thoại để yêu cầu chuyển tiền hay tài sản. Tất cả phải thông qua giấy mời, văn bản.
Khi bị dụ dỗ mua hàng hóa qua mạng xã hội, cần tìm hiểu nắm rõ địa chỉ bán hàng, người bán hàng cụ thể, chi tiết, xác thực rồi mới chuyển tiền để tránh bị lừa đảo.
- Xin cảm ơn ông.