Chuyên gia ủng hộ đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất

28-06-2022 13:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc đánh thuế nhà và tài sản trong bối cảnh thị trường địa ốc sốt giá, đầu cơ tích trữ nhà đất quá cao.

“Cò” bất động sản kiếm đậm từ nhà đất diện tích nhỏ“Cò” bất động sản kiếm đậm từ nhà đất diện tích nhỏ

Giao dịch thành công một căn nhà 1,5 tỷ đồng trên đường Tôn Đức Thắng, anh Tuấn - một môi giới bất động sản, đã đút túi gần 50 triệu đồng.

Thuế nhà đất ở Việt Nam đang quá thấp

Đánh thuế nhà, BĐS là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian qua và có nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà - công trình xây dựng trên đất…

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03% trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1-1,5%. Với cách đánh thuế nhà và tài sản như thế giới đang làm giúp ngân sách có được nguồn đóng góp từ mọi người dân.

Nguyên tắc không phải tăng thuế tài sản mà là cải cách thuế tài sản. Tức là thuế này không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở. Phải đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao; Đồng thời tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Đây được coi là giải pháp "đặc trị" sốt đất và bình ổn giá nhà. Trong đó có việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản.

Chuyên gia ủng hộ đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất  - Ảnh 2.

Đánh thuế vào người sở hữu nhiều nhà đất là giải pháp quản lý thị trường bất động sản.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, nên đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi và lũy tiến giá trị bất động sản, nhất là nhà, đất bỏ hoang để đầu cơ chờ giá lên, không ai ở, vì đó là trọng tâm gây nhiều hệ lụy làm tăng giá nhà đất, gây bất bình đẳng. "Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ bất động sản, chứ không phải áp thuế trên giá trị bất động sản. Điều này đồng nghĩa ai ôm nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hằng năm.

Tuy vậy, TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cân nhắc, thuế là công cụ giúp thị trường ổn định, phát triển tốt hơn nên cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển. Thuế tài sản hướng đến mục tiêu chống đầu cơ nhưng không nên kìm hãm hoạt động đầu tư phát triển vì thị trường địa ốc nóng (sốt) hay chuyển lạnh (đóng băng) sẽ ảnh hưởng dắt dây theo hàng chục ngành nghề liên quan.

Đánh thuế để hãm đà tăng quá mức của bất động sản

Theo GS. Đặng Hùng Võ, tình trạng kẻ thừa người thiếu trong việc sử dụng nhà, đất tồn tại lâu nay. Về giá nhà mỗi năm một tăng do nguồn cung chưa đáp ứng đủ. Chính vì vậy, trước mắt, muốn thị trường bình ổn hơn, hạ nhiệt về giá thì phải giải tỏa được nguồn cung. Còn thuế nhà quan trọng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, không làm ngay, làm vội được.

Muốn đánh đúng thì phải trả lời được câu hỏi: Ai là đầu cơ? Làm thế nào để phát hiện ra đầu cơ? Sắc thuế phải tìm ra được lý giải. Giải pháp trước mắt để gỡ khó cho thị trường hiện nay có thể làm ngay là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh.

Đưa ra một số kinh nghiệm ở nước ngoài, TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, Chính phủ Anh đánh thuế rất cao đối với các giao dịch bất động sản để hạn chế đầu cơ bất động sản. Theo đó, công cụ thuế chính bao gồm thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thừa kế và thuế thu nhập. Đối với thuế trước bạ được áp dụng theo hình thức lũy tiến, tức giá trị căn nhà được chuyển nhượng càng cao thì thuế suất càng cao. Cụ thể, căn nhà giá trị dưới 250 nghìn bảng Anh (GBP) áp dụng thuế suất 0%; 250.001 - 925.000 GBP áp dụng thuế suất 5%; 925.001 - 1,5 triệu GBP áp dụng thuế suất 10%; trên 1,5 triệu GBP áp dụng thuế suất cao nhất 12%.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20% và giá đất nền tăng "nóng" 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, hiện không có chính sách kích thích phát triển bất động sản mà chủ yếu là mua bán lòng vòng, "găm" đất đai để đẩy giá, thổi giá, do đó sẽ để lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng, cần phải có công cụ thuế sớm chặn đứng hiện tượng đáng quan ngại này.

Vừa qua, Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất (SDĐ), tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6 được xây dựng sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI, năm 2012.

Một trong những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới mà BCH Trung ương đề ra đó là "hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, SDĐ đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cụ thể, Nghị quyết 18 nêu rõ chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người SDĐ và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Rà soát chính sách, pháp luật về thuế SDĐ nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế SDĐ theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.

Bộ Tài chính chưa xây dựng luật đánh thuế với tài sản là nhà, đấtBộ Tài chính chưa xây dựng luật đánh thuế với tài sản là nhà, đất

SKĐS - Trước những băn khoăn của nhiều người về việc đánh thuế tài sản nhà đất, Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hàng xóm tiết lộ “động trời” vụ 2 chị em bị người tình của mẹ phóng hỏa thiêu | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn