Chuyên gia tuyển sinh: 'Chọn ngành học như chọn bạn đời'

15-04-2024 11:18 | Xã hội

SKĐS - Tính đến nay, hầu hết các trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh đại học, tuy nhiên, nhiều em học sinh vẫn chưa nắm rõ nguyên tắc xét tuyển, đăng ký nguyện vọng cũng như còn mơ hồ trong việc chọn ngành, chọn nghề.

Để giúp các em học sinh lớp 12 ôn tập hiệu quả cũng như chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, các chuyên gia tuyển sinh đã "bật mí" một số chiến thuật giúp các em đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.

Nguyện vọng yêu thích nhất xếp đầu tiên

Tại chương trình đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp dành cho học sinh lớp 12 mới đây, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2024, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Tuy vậy, các em học sinh lớp 12 lứa 2006 lần đầu tiên dự tuyển nên không tránh khỏi nhiều lo lắng, bỡ ngỡ. Có một số điểm quan trọng thí sinh cần nắm vững để tránh xảy ra sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội của các em.

Thứ nhất, năm 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. "Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này".

Điểm thứ hai mà học sinh cần nhớ đó là, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Tuy nhiên, chiến thuật đơn giản mà thí sinh cần thực hiện là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê nhất thì xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Chuyên gia tuyển sinh: 'Chọn ngành học như chọn bạn đời'- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội.

Lưu ý thí sinh về việc tham gia các phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết, khi dùng phương thức xét tuyển sớm, các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn trường quy định.

"Khi các em được thông báo rằng đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi chúng ta chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT nên chưa trúng tuyển chính thức. Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng.

Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo".

Những lưu ý khi lựa chọn ngành nghề

Đưa ra lời khuyên cho các em học sinh lớp 12 trong việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đúng ngành nghề yêu thích, ThS. Đặng Thị Ngọc Quyên - Trưởng phòng Hợp tác Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, chuyên gia nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp cho rằng, chọn một ngành học như chọn người bạn đời.

Các học sinh cần thực hiện theo các bước: Hiểu mình (hiểu về bản thân, có những điểm mạnh yếu như thế nào, điều kiện hoàn cảnh, vấn đề xung quanh); hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, chương trình dạy ra sao…; trải nghiệm, gặp gỡ những người mình quan tâm, đến thực tế tham quan, tìm hiểu các trường dự kiến thi vào, các ngành nghề định chọn; thu thập tất cả thông tin các bước trên, lập bảng kế hoạch và ra quyết định.

Với những thí sinh thời điểm này vẫn chưa biết chọn trường nào, ngành nào, TS. Nguyễn Thúy Vân - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô nhắn nhủ, các em cần lựa chọn dựa trên một số yếu tố, trong đó có năng lực, sở thích bản thân. "Trước hết là phải dựa trên năng lực bản thân. Các em cần tự động kiểm tra về mặt kiến thức có đủ điều kiện để xét tuyển rồi sau đó tới nhu cầu tuyển dụng của xã hội hiện nay như thế nào. Nếu đã lựa chọn ngành nghề, nhưng hoàn cảnh gia đình không phù hợp thì cũng cần lưu ý".

Ôn tập thế nào cho hiệu quả trước kỳ tốt nghiệp THPT?

Về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các em học sinh cần ôn tập dựa vào mạch kiến thức của chương trình lớp 12 và kiến thức của các lớp dưới có liên quan, tiếp nối với các nội dung kiến thức của lớp 12.

Với sự hướng dẫn của thầy cô, các em có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để hệ thống hóa kiến thức. Ví dụ, hệ thống kiến thức cơ bản bằng cách xây dựng đề cương với hình thức hỏi - đáp, phủ kín nội dung của chương trình môn học hoặc theo trình tự bài học, hoặc theo chủ đề, dạng bài... Thí sinh cũng có thể hệ thống kiến thức cơ bản bằng cách lập bảng hay sơ đồ hệ thống hóa kiến thức, tùy theo cách nào các em dễ nhớ.

Các em cần tự làm đề cương, bảng hay sơ đồ hệ thống hóa kiến thức vì trong khi thực hiện sẽ nắm vững kiến thức một cách chủ động, chắc chắn. Khi làm các bài tập luyện tập, đối với mỗi câu hỏi, dạng bài, các em phải nắm vững về kiến thức và phương pháp giải để vận dụng vào các câu hỏi, bài tập tương tự; trước khi làm mỗi câu hỏi, bài tập cần so sánh với câu hỏi, bài tập đã làm để đối chiếu sự giống và khác nhau; không nhất thiết phải làm quá nhiều bài tập tương tự...

Ngoài ra, các em có thể luyện các đề tổng hợp, tương ứng với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT với thời gian làm bài như khi thi thật để có kinh nghiệm trong việc phân bố thời gian cho bài thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6.

Trong đó, ngày 26/6, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi; Ngày 27/6 và 28/6 thí sinh thực hiện bài thi đối với các môn thi. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng. 8 giờ ngày 17/7 sẽ công bố kết quả thi.

Làm gì để sớm ngăn chặn nguy cơ lộ đề thi tốt nghiệp THPT?Làm gì để sớm ngăn chặn nguy cơ lộ đề thi tốt nghiệp THPT?

SKĐS - Bộ GD&ĐT cho rằng, việc làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT là lộ bí mật nhà nước, có thể quy trách nhiệm hình sự. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm ngặt.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn