Chuyên gia tư vấn cách tránh bị tổn thương khi chơi thể thao

GS.BS.TS Trần Trung Dũng

GS.BS.TS Trần Trung Dũng

Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội

02-10-2017 10:59 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thể thao là một hoạt động cần thiết trong cuộc sống. Khi chơi thể thao, có thể không tránh khỏi những tổn thương,chấn thương xảy ra.Vì vậy, việc nhận biết và tránh các tổn thương là rất cần thiết.

Tình trạng căng cơ và gân vùng khuỷu tay dẫn đến đau khuỷu tay khi vận động là tổn thương thường gặp những người chơi tennis và một số hoạt động khác như ở thợ sơn tường, sử dụng các công cụ cầm tay.  Tổn thương này là đau mỏm trên lồi cầu ngoài hay còn gọi là khuỷu tay người chơi tennis (Tennis Elbow), bản chất của tổn thương là tình trạng viêm điểm bám của các gân duỗi cổ bàn tay. Vì vậy, bất kỳ động tác nào đòi hỏi việc sử dụng các khối cơ cẳng tay lặp đi lặp lại cũng có thể dẫn đến tình trạng trên.

Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Trung Dũng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn về xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Tại sao những người chơi thể thao lại hay mắc Hội chứngTennis Elbow thưa ông?

PGS. TS Trần Trung Dũng: Việc sử dụng quá mức các cơ và gân vùng cẳng tay và khuỷu là nguyên nhân chính gây nên tổn thương này. Các động tác lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng căng giãn quá mức của các cơ và gây nên tổn thương.
Trong những trường hợp chấn thương cấp tính, những tổn thương tại chỗ sẽ kích thích cơ thể đáp ứng bằng phản ứng viêm. Những tế bào viêm phản ứng sẽ kích thích để làm liền các tổn thương, chính vì tình trạng viêm quanh mỏm trên lồi cầu ngoài của xương cánh tay nên được gọi là viêm mỏm trên lồi cầu ngoài. Tuy nhiên, tổn thương tennis elbow không chỉ đơn thuần là phản ứng viêm. Hơn thế, vấn đề này còn liên quan đến các tế bào gân và xuất hiện cả tình trạng viêm gân. Trong tổn thương viêm gân, tình trạng mài mòn và rách gân được cho là nguyên nhân gây thoái hoá gân và dẫn đến sự sắp xếp bất thường của cấu trúc sợi collagen.
Thay thế cho các tế bào viêm, cơ thể sản sinh ra các nguyên bào sợi để tái tạo lại cấu trúc mô gân. Khi tình trạng này xảy ra, cấu trúc collagen của gân bị mất sức mạnh, trở nên dễ gãy. Mỗi khi sợi collagen gãy, cơ thể sẽ phản ứng hình thành lên mô sẹo, dần dần, gân trở nên yếu và mỏng hơn do cấu trúc chủ yếu là mô sẹo.

Phóng viên: Xin ông cho biết các dấu hiệu để nhận biết hội chứng này?

PGS. TS Trần Trung Dũng:  Triệu chứng chính của tennis elbow là đau và sưng nề vị trí mỏm trên lồi cầu ngoài. Đau có thể lan dọc xuống cẳng tay và xuống ngón giữa và ngón nhẫn của bàn tay. Các cơ cẳng tay có thể đau và căng hơn bình thường. Đau có thể nặng hơn khi thực hiện gấp khuỷu, ngửa cẳng tay, cầm vật gì đó hoặc duỗi thẳng khuỷu. Động tác cầm vật gì đó luôn gây nên đau buốt, đôi khi khuỷu như cứng lại và thực hiện duỗi khuỷu rất khó khăn.

Hội chẩn ca bệnh tại khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học Thể thao- BVĐK Xanh Pôn.

Phóng viên: Với các biểu hiện đau khuỷu tay xuống ngón giữa và ngón nhẫn của bàn tay dễ nhầm lẫn với bệnh nào thưa ông?

PGS. TS Trần Trung Dũng: Câu hỏi rất thú vị, biểu hiện đau khuỷu tay chưa đủ khẳng định bị mắc hội chứng này, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ tiền sử của bệnh nhân, thời gian xuất hiện triệu chứng đau, mức độ ảnh hưởng, chấn thương… để chấn đoán chính xác xác định tổn thương bệnh nhân còn được chỉ định

Chụp X quang. Tuy  nhiên, đôi khi vẫn có thể nhầm lẫn, đã có bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị theo hướng Tennis Elbow khoảng gần 2 năm với gần như tất cả các biện pháp về nội khoa và vật lý liệu pháp nhưng không cải thiện sau đó đã được các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình và Y học Thể thao bệnh viện Xanh Pôn chẩn đoán bệnh nhân bị u cuộn mạch vị trí mỏm trên lồi cầu ngoài khá hiếm gặp và đã điều trị thành công.

Phóng viên: Vậy thưa PGS. Bs làm thế nào để tránh bị tổn thương này thưa ông?

PGS. TS Trần Trung Dũng: Để tránh bị tổn thương này, có mấy lưu ý khi chơi thể thao là:

1. Khởi động kỹ trước khi tập

2. Lượng vận động vừa đủ, không tập quá mức độ mà cơ thể thích nghi được.

3. Thực hiện đúng động tác cơ bản. Sử dụng lực đánh vừa đủ.

4. Trong trường hợp xuất hiện đau vùng mỏm trên lồi cầu ngoài, cần nghỉ tập, sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị giảm đau hợp lý. Chỉ tiến hành tập trở lại khi hết các triệu chứng đau

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng của tennis elbow khi chơi, bạn cần làm 1 số việc như sau:

1. Ngừng chơi và giảm vận động tay bị tổn thương cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

2. Chườm đá vị trí đau

3. Băng ép chặt vùng khuỷu

4. Luôn giữ khuỷu tay ở tư thế gấp 90độ để giảm sưng nề

Ngoài ra, bạn cần tập các bài tập kéo giãn khuỷu và tăng sức mạnh của khuỷu. Các bài tập này, bạn tập trở lại khi các triệu chứng giảm. Bạn cũng có thể tập các bài tập này khi khởi động chơi tennis.


Mai Lê (Thực hiện)
Ý kiến của bạn