Chuyên gia tư vấn cách "kéo dài" tuổi trẻ

PGS.TS. Vũ Thị Thanh Huyền

PGS.TS. Vũ Thị Thanh Huyền

Giảng viên ĐH Y Hà Nội, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương

21-12-2017 08:16 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời. Ở mỗi người, tốc độ lão hóa, cơ quan lão hóa xảy ra nhanh chậm khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiền sử gia đình, tình trạng sức khỏe, tuổi tác và các yếu tố như lối sống, công việc, gia đình….

Lão hóa làm gia tăng nguy cơ bệnh tật

PGS.TS. BS Vũ Thị Thanh Huyền- Giảng viên ĐH Y Hà Nội, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Lão  khoa Trung ương cho biết, khi bước vào tuổi 40 trở đi , con người bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ lão hóa, nó liên quan đến quá trình biến đổi từ sinh lý đến tính tình của mỗi người. Những biến đổi về sinh lý gắn liền với sự suy giảm nội tiết tố estrogen ở nữ khiến cơ thể mệt mỏi, hay cáu gắt, giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng, da khô, mắt nhìn kém hơn, nhiều người kèm theo các triệu chứng sớm của tiền mãn kinh như bốc hỏa, lo âu, giảm ham muốn tình dục…

PGS.TS. BS Vũ Thị Thanh Huyền- Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Lão  khoa Trung ương

Chị Phan  T.L, 47 tuổi ở Hà Nội cho biết, thời gian gần đây chị có  biểu hiện sức khỏe giảm sút, tim đập nhanh, mệt mỏi  hay cáu bẳn không rõ nguyên nhân. PGS Huyền cho rằng, với phụ nữ, các thay đổi của tuổi trung niên không phải ai cũng nhận ra. Khi bước vào độ tuổi 45-50, một số người bắt đầu có rối loạn kinh nguyệt. Nếu thời trẻ, người phụ nữ có kinh nguyệt sớm có thể đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.

Theo TS Trịnh Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, tại Việt Nam những bệnh không lây nhiễm đang trở thành vấn đề sức khỏe trầm trọng,  70-75% ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, … Không phải chỉ có người cao tuổi mới bị bệnh không lây nhiễm mà bệnh thường bắt đầu từ giai đoạn trung niên. Nguy cơ tim mạch bắt đầu tăng lên từ tuổi 35. Các bệnh như huyết áp, tim mạch là những “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh chỉ biểu hiện khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi.  Loãng xương là một trong những chứng bệnh hay gặp cũng khởi phát ở giai đoạn trung niên bởi từ 20 tuổi, cơ thể đã bắt đầu có mất xương.

Những chứng bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi này là các bệnh do rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, gút, tăng huyết áp); các bệnh do hút thuốc lá, uống rượu bia; các chứng bệnh cơ xương khớp, mất ngủ, u xơ tiền liệt tuyến và giảm khả năng tình dục…

PGS Huyền cho rằng,  những người khi bước vào độ tuổi trung niên thường gặp nhiều căng thẳng thần kinh, stress, khi xuất hiện stress sẽ ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe, dẫn đến các biến đổi liên quan huyết áp, tưới máu não, tưới máu mạch vành, làm gia tăng các biến cố như tim mạch, bên cạnh đó còn làm người bệnh ngủ không ngon, dẫn đến mệt mỏi, chán nản.

Hiểu để bảo vệ sức khỏe, phòng chống lão hóa

Theo PGS Vũ Thanh Huyền, khi phụ nữ vào giai đoạn tiền mãn kinh, thông thường sẽ xuất hiện các thay đổi tâm sinh lý, lúc này phụ nữ cần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách nên đi khám sức khỏe định kỳ, mỗi năm 2 lần để biết được các chỉ số chức năng thận, mỡ máu, đường huyết, huyết áp… của mình. Nếu có những thay đổi tâm sinh lý ở giai đoạn này, cần xem lại bản thân có bị áp lực về công việc, tình cảm hay không…. Chị em nên kiểm soát stress, cân bằng lại cuộc sống bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tập luyện nhẹ nhàng, tâm sự với bạn bè chồng con cũng là cách để giải tỏa căng thẳng thường gặp ở tuổi này, PGS Huyền khuyên.

Bên cạnh đó, để phòng chống lão hóa cần có giải pháp để đối phó với những thay đổi ở giai đoạn trung niên như có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung estrogen. Bởi estrogen chính là hormone dễ bị thiếu hụt nhất của phụ nữ khi bước vào giai đoạn trung niên, chuẩn bị sang thời kỳ mãn kinh. Để phụ nữ kéo dài tuổi xuân, cần bổ sung estrogen qua đườ ng thực phẩm, như các loại thịt đỏ, rau xanh, đậu, đậu nành…. Chị em cũng có thể tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận của Bộ Y tế để bổ sung cho cơ thể. Tuy nhiêm bổ sung với hàm lượng thế nào, cơ thể đáp ứng ra sao, cũng cần sự tư vấn của các chuyên gia. Ngoài estrogen, giai đoạn này người phụ nữ còn thiếu nhiều yếu tố vi lượng như  kẽm, selen, … hay các loại vitamin như vitamin A, vitamin E, vitamin C, cần tăng cường tiếp xúc ánh nắng, ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước, hoạt động đầy đủ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nên duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày và  đều đặn, không nghỉ 2 ngày liên tiếp.  Làm quen với các biến đổi của công việc.

Tuổi càng cao chúng ta càng phải đối mặt với vấn đề về bệnh tật như tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, hay các vấn đề về xương khớp. PGS Huyền cho biết, không chỉ phụ nữ, nam giới cũng nên bổ sung các loại  thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên giàu canxi để phòng chống bệnh tật ở lứa tuổi này. Ở tuổi này, nam giới cần chú ý ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, tránh để thừa cân, béo phì, tuy nhiên lượng protein đưa vào cơ thể hợp lý, quá thừa sẽ gây tích mỡ, gia tăng nguy cơ tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nếu thiếu protein sẽ gây hiện tượng mất cơ…


Hải Yến
Ý kiến của bạn