Ảnh minh hoạ: Internet.
78,1% trẻ em Hà Nội bị xâm hại giới theo điều tra của tổ chức nhân đạo Quốc tế là một con số khiến chúng ta phải giật mình. Trong khi đó, việc giáo dục kỹ năng tránh các tình huống bị xâm hại và bắt cóc cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục cũng như trong gia đình hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng. Nhận thức rõ những nguy cơ trong vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cùng các cộng sự đã xây dựng một bộ tài liệu nhằm giúp trẻ có những kỹ năng cần thiết để tránh trở thành nạn nhân của những vụ xâm hại và bắt cóc nhằm vào trẻ em. Nhân dịp này, phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thu Hương xung quanh vấn đề này.
PV: Xin chào TS. Vũ Thu Hương. Xin tiến sĩ cho biết đánh giá của mình về thực trạng trẻ em bị xâm hại và bắt cóc hiện nay?
TS. Vũ Thu Hương: Tình trạng trẻ em bị bắt cóc và xâm hại hiện nay là vô cùng đáng báo động. Xâm hại ở đây không phải là xâm hại tình dục, đó là hành vi sàm sỡ, sờ soạng vào các vị trí nhạy cảm của các em. Đó là các hành vi hoặc các câu nói gợi dục. Theo tổ chức nhân đạo Quốc tế, 78,1% trẻ em Hà Nội bị xâm hại giới. Đây là con số khiến chúng ta phải giật mình. Ngoài ra, các con cũng không biết cách ứng xử cho phù hợp nên nhiều khi tự biến mình thành nạn nhân hoặc thủ phạm của những vụ sàm sỡ này.
TS. Vũ Thu Hương trong giờ dạy giới tính cho học sinh Ban mai.
PV: Vấn đề giáo dục kỹ năng tránh các tình huống bị xâm hại và bắt cóc cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục hiện nay như thế nào, hiệu quả ra sao?
TS. Vũ Thu Hương: Giáo dục giới tính đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa vào trong chương trình phổ thông nhưng còn chưa theo hệ thống từ cấp mầm non đến THPT. Một sự thật không thể chối cãi là hiệu quả của nội dung này không cao. Ngoài các vấn đề về tình trạng các cháu bị xâm hại còn cao, các vấn đề về giới tính hiện nay cũng còn nhiều điều cần lo lắng đặc biệt là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của giới trẻ về vấn đề này. Đã có quá nhiều những vụ án do tình trạng thiếu hiểu biết này đã xảy ra. Ngoài ra, trong chương trình phổ thông, những kĩ năng phòng tránh xâm hại bắt cóc chưa được tiến hành giảng dạy chính thức mà mới chỉ nằm ở trong chương trình ngoại khóa của một số trường. Vì thế, hiệu quả chương trình còn rất kém.
Ngoài vấn đề giáo dục nhà trường, chúng ta cũng cần xem lại tình trạng giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại trong gia đình. Các gia đình hầu như chưa làm tốt nhiệm vụ này. Có nhiều gia đình còn để họ hàng, người quen, bà con cô bác sờ soạng vào bộ phận sinh dục của các cháu. Đây là điều cần phải được chấm dứt lập tức vì sự phát triển bình thường của trẻ em.
PV: Được biết, tiến sĩ và các cộng sự của mình đang xây dựng cuốn Sổ tay Phòng tránh xâm hại bắt cóc trẻ em. Xin hỏi cuốn sổ tay này đề cập đến những nội dung gì và chị có kế hoạch tuyên truyền những nội dung này đến trẻ em như thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Trong khuôn khổ cuốn sổ tay nhỏ chỉ gồm 4 mặt giấy, tôi và các cộng sự đã thiết kế các hình ảnh và câu chữ hàm chứa những lời khuyên cho trẻ nhằm ứng phó và phòng tránh xâm hại, và bắt cóc. Ví dụ: chúng tôi khuyên trẻ không nên đi ra ngoài một mình vào chỗ vắng và đặc biệt là tối trời, chúng tôi khuyên trẻ không nên nhận quà của người lạ,… Ngoài ra, chúng tôi đã thiết kế nội dung 2 quy tắc quan trọng trong phòng tránh xâm hại: quy tắc đồ lót và quy tắc 4 hình tròn được mô phỏng theo quy tắc lòng bàn tay của ThS. Lan Hải.
Với những lời khuyên nhỏ này, tôi mong rằng các em nhỏ sẽ có ý thức hơn trong việc ứng xử để không đẩy mình vào tình huống nguy hiểm.
Về kinh phí, ngoài việc miễn phí toàn bộ chi phí tác giả, tác quyền, tôi và các cha mẹ trong quỹ từ thiện Vì trẻ em vùng cao đã trích ra 21 triệu đồng để tiến hành in ấn cho các em. Hiện nay, các tấm lòng hảo tâm đã biết đến chương trình và liên tục gửi kinh phí đóng góp in ấn về cho chúng tôi. Chúng tôi đang tiến hành phát tài liệu tại Hà Nội, Lai Châu, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Sau đợt phát hành đầu tiên, chúng tôi sẽ liên hệ với Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh, thành phố để có thể phối hợp phát tài liệu này đến tận tay các cháu mầm non và tiểu học trên cả nước.
Chúng tôi cũng được các báo đài trợ giúp rất nhiều trong việc truyền thông chương trình. Hi vọng rằng chương trình của chúng tôi có thể làm giảm đi đáng kể các vụ xâm hại và bắt cóc trẻ em trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS. Vũ Thu Hương!