Liên quan đến việc 7 trẻ sơ sinh non tháng từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh được chuyển lên điều trị tại BV Phụ sản TƯ, TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống biết, nếu tiến triển tốt, 7-10 ngày nữa một số bé sơ sinh điều trị tại BV Phụ sản TƯ sẽ được ra viện, nhưng có một số cháu sẽ phải điều trị hàng tháng.
Sau khi tiếp nhận 7 cháu bé từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên điều trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, 6/7 cháu bị suy hô hấp, 1 cháu bị nôn trớ theo dõi viêm ruột hoại tử nhiễm trùng. Đến thời điểm này, sức khỏe của các cháu tiến triển tốt, không còn biểu hiện sốc nhiễm trùng, những cháu nhẹ cân nhất (1 -1,4kg) sẽ phải theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng tại trung tâm.
Phóng viên báo Sức khỏe và đời sống đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ về nguy cơ và cách chăm sóc với những trẻ sinh nhẹ cân, non tháng.
TS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết trẻ từ bao nhiêu tuần tuổi gọi là sinh non tháng?
TS Lê Minh Trác: Trẻ từ 37 tuần trở lên là trẻ đủ tháng, còn dưới 37 tuần là sinh non. Thông thường thai phụ sinh con non tháng là từ 22 đến dưới 37 tuần. Tại Trung tâm chúng tôi đã nuôi dưỡng thành công các cháu sinh ra khi mới 25 tuần tuổi và cân nặng chỉ có 500g, đó là trường hợp sinh đôi của một nhân viên y tế tuyến dưới.
Phóng viên: Do trẻ sinh non sức đề kháng kém, nhẹ cân, ngoài việc khó nuôi dưỡng, chăm sóc, trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh gì thưa ông?
TS Lê Minh Trác: Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ, ngay khi sinh ra trẻ có thể bị ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, rối loạn chuyển hóa như hạ đường máu, rối loạn điện giải, canxi, nước, hoặc trẻ sẽ bị nhiễm trùng, xuất huyết (đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não và màng não), hoặc trẻ bị tan máu, vàng da, hay bị viêm ruột hoại tử…
Về lâu dài, các cháu có nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, có thể dẫn tới mù lòa, điếc, bại não, thiểu năng vận động trí tuệ, béo phì, cao huyết áp, thậm chí cả đái tháo đường. Trong đó đặc biệt nguy hiểm và có thể dẫn tới những biến chứng là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) có nguy cơ mù lòa, bệnh phổi mạn tính và bệnh bại não.
Một trong 7 bé sơ sinh từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đang được chăm sóc tại Trung tâm
Phóng viên: Việc chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng rất khó khăn, tại Bệnh viện Phụ sản TƯ việc chăm sóc trẻ non tháng có những quy trình thế nào? Làm thế nào để kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện?
TS Lê Minh Trác: Tại Trung tâm của chúng tôi, từ khi trẻ sinh ra đặc biệt là trẻ non tháng được cấp cứu ngay, trẻ được giữ ấm, ổn định thân nhiệt, chống suy hô hấp, chống ngạt cho trẻ. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện nghiêm ngặt, chúng tôi tiệt khuẩn, khử trùng từ bàn hồi sức, máy truyền dịch, bơm tiêm, lồng ấp, máy thở, chăn, tấm lót, … nói chung là tất cả các dụng cụ, phòng ốc định kỳ theo quy định của Bộ Y tế để chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng tuân thủ tuyệt đối quy trình rửa tay, mặc quần áo, khẩu trang, mũ chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Chúng tôi vệ sinh tiệt khuẩn hàng ngày theo quy trình 5 lớp, có những dụng cụ tiệt trùng, khử khuẩn theo tuần theo tháng, tiệt khuẩn một phần hay toàn bộ … theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đối với người nhà bệnh nhân, chúng tôi có giờ thăm bệnh, nhưng cũng tùy tình trạng bệnh, nếu trẻ ổn định 1 người nhà được vào thăm theo giờ, đúng theo quy định của bệnh viện, tuy nhiên phải tuân thủ quy trình mặc áo, đeo khẩu trang, đi giày dép để tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh.
Các cháu bé từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh được chăm sóc cùng một phòng với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại
Phóng viên: Thưa bác sĩ, việc chăm sóc trẻ sinh non rất khó khăn, nhất là khi trẻ được xuất viện về với gia đình, ông có lời khuyên nào đối với gia đình có trẻ sinh non để phối hợp chăm sóc trẻ sinh non tốt nhất tại nhà hay không?
TS Lê Minh Trác: Với những trẻ đủ tiêu chuẩn ra viện, người nhà bệnh nhân cần lưu ý mấy vấn đề sau: Thứ nhất, cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Về dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ bú mẹ, trong trường hợp người mẹ không có sữa, cho trẻ ăn bằng sữa non tháng thay thế, nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Thứ 3, cần cách ly trẻ với các nguồn lây nhiễm bệnh, hạn chế tối đa việc thăm nom trẻ, vì đây là nguồn bệnh chúng ta khó kiểm soát ở bên ngoài. Điều quan trọng nữa cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Một số lưu ý là người chăm sóc trẻ cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và khi chăm sóc trẻ, nhất là vệ sinh của người mẹ. Cho trẻ nằm chỗ thoáng, sạch, vệ sinh ga gối thường xuyên…
Đối với trẻ non tháng khi xuất viện, chúng tôi thường có giấy hẹn để gia đình đưa trẻ đi thăm khám. Việc này rất cần thiết, để theo dõi sự phát triển nói chung của trẻ, hoặc để kiểm tra thính lực cho trẻ, việc này cũng rất cần bởi nếu có vấn đề cần can thiệp sớm. Một vấn đề trẻ non tháng cũng hay mắc phải là bệnh về mắt, qua thăm khám định kỳ, chúng tôi sẽ kiểm tra võng mạc, phòng tránh bệnh mù lòa sau này. Ngoài ra việc thăm khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh liên quan đến dinh dưỡng của trẻ, để bổ sung và điều chỉnh kịp thời.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.