Hà Nội

Chuyên gia tim mạch giúp phân biệt nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não

PGS.TS Tạ Mạnh Cường

PGS.TS Tạ Mạnh Cường

Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai.

25-04-2018 09:01 | Phòng mạch online
google news

SKĐS -Tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là 2 căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong rất nhanh ở người cao tuổi, như trường hợp của một Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mới đây phải xin thôi việc sau 2 lần ông bị tai biến.

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) và nhồi máu cơ tim là hai căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, thường liên quan đến sự hình thành các cục máu đông gây nên tắc nghẽn động mạch. Đây chính là lý do khiến nhiều người thường lầm tưởng 2 bệnh này là một và gọi chung là tai biến hay đột quỵ.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh giống nhau

PGS.TS. BS CKII Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch C1, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại bệnh viện tuyến đầu của cả nước, số các trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhập viện rất nhiều, bệnh không chỉ “khoanh vùng” ở đối tượng là người cao tuổi, mà xuất hiện cả ở các đối tượng trung niên, thanh niên.

PGS.TS. BS CKII Tạ Mạnh Cường, Trưởng đơn vị cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch C1, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu cung cấp cho tim bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong một thời gian. Nếu bệnh nhân có diện tắc tới 70%, có thể tử vong ngay lập tức, diện nhồi máu nhỏ thì nguy cơ tim sẽ hoại tử, hay có thể gặp rối loạn nhịp tim, suy tim….

Cũng giống như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng là một dạng mà người bệnh cần được cấp cứu ngay. Tai biến mạch máu não do dòng máu vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ mạch máu. PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hậu quả để lại thường nặng nề. Nhẹ thì giảm chức năng vận động như tê, liệt một phần, rối loạn ngôn ngữ, điếc, méo mồm, nếu nhồi máu não xảy ra ở động mạch não giữa, động mạch cảnh trong gây tử vong rất nhanh, nếu cấp cứu kịp thời thường để lại di chứng liệt nửa người tùy thuộc vào vùng tổn thương, PGS Hùng cho biết.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não

Nguyên nhân dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim có nhiều điểm chung, do sự hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch, mà nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do xơ vữa động mạch hoặc hẹp lòng động mạch.  PGS Tạ Mạnh Cường dẫn ra một vài căn bệnh có khả năng gây vữa xơ động mạch như người  có tiền sử mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, người hút thuốc lá, bệnh nhân tiểu đường vì biến chứng của tiểu đường thường làm cho người bệnh bị tổn thương mạch.….

Hậu quả khôn lường của tai biến và nhồi máu cơ tim

PGS.TS Tạ Mạnh Cường cho rằng, 2 căn bệnh này giống nhau thêm ở điểm xảy ra đột đột và cần xử trí nhanh, có lẽ vì thế mà nhiều người thường gọi chung là “đột quỵ” hay “tai biến”. Nhưng nếu đột quỵ thường gây hậu quả ảnh hưởng ở não, gây liệt một phần hoặc cả cơ thể thì nhồi máu cơ tim ảnh hưởng tới dòng máu đi nuôi cơ thể, có thể tử vong ngay, nếu không sau giai đoạn cấp, bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, suy tim. Bởi Nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim là do mạch máu bị tắc nghẽn còn đối với bệnh đột quỵ thì có nhiều nguyên nhân như: vỡ mạch máu, tắc nghẽn mạch máu.

PGS Cường cho rằng với bệnh nhồi máu cơ tim, đầu tiên là cơn đau ngực, đau trước tim… Nếu có thêm tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường phối hợp và hoặc  hút thuốc lá nhiều,  đột nhiên xuất hiện đau ngực khác lạ, chưa thấy đau bao giờ, đau sâu, không đau nông, đau có tính chất chèn ép, co thắt, đau từ vài phút đến 15 phút, đau lan lên cổ, răng ê, lan hai bên tay. Sau đó cơn đau hết thì người bệnh cần nghĩ đến nhồi máu cơ tim  và ngay lập tức liên hệ cấp cứu ở nơi gần nhất.

Còn đối với người tai biến mạch máu não, dấu hiệu là tự nhiên người bệnh nói khó, uống nước chảy một bên, tay không cầm nắm được, chân yếu đi, khó nói … Hay người vốn có bệnh nền kể trên mà trong sinh hoạt như ăn uống, đột ngột làm rơi đũa, bát, cầm nắm không chắc, bỗng mắt nhìn tối sầm… cần nghĩ tới tai biến mạch máu não,  với trường hợp nặng, bệnh nhân đi vào hôn mê ngay.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim- bệnh trọng có thể phòng ngừa

Mặc dù là 2 căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, để lại hậu quả nặng nề  với người bệnh, nhưng đây là bệnh có thể phòng ngừa.

Kiểm soát huyết áp giúp phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu não

PGS.TS Cường khuyên, người có bệnh lý tim mạch nên khám định kỳ, nếu mắc một số bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, mỡ máu và không nên sử dụng thuốc lá vì đây là yếu tố gây tổn hại mạch lớn. Đặc biệt, người có nhiều bệnh phối hợp trên thì cũng cần kiểm soát tất cả các yếu tố chứ không nên chỉ kiểm soát tốt một thứ, nếu không biến cố tim mạch vẫn xảy ra, cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần kiểm tra theo dõi để đạt đích điều trị.

PGS.TS Kiều Đình Hùng thì khuyên người dân nên có chế độ sinh hoạt phù hợp, tập thể dục giúp hệ thống chuyển hoá hoạt động tốt, chế độ ăn uống phù hợp, không nên ăn quá nhiều thịt, trứng, nội tạng động vật gây cholesterol, không ăn quá nhiều tinh bột … Để phòng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim mạch, … cần khám bệnh định kỳ, siêu âm tim, chụp mạch não…

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, trong sinh hoạt người dân nên điều độ, không để các trạng thái vui buồn quá mức, đây là nguyên nhân gây bệnh. Người có tuổi, người trẻ nên tránh lạnh, không nên chủ quan ngay cả trong mùa hè dễ bị viêm phổi cấp, nhiễm lạnh liên tục “huyết gặp hàn thì ngưng”, chính nó là nguyên nhân hình thành cục máu đông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn