Hà Nội

Chuyên gia tiêu hóa lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân sau ghép gan

05-12-2023 09:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối khi mà các biện pháp điều trị khác không còn tác dụng. Tuy nhiên, sau ghép gan bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc hết đời để chống thải ghép...

1. Ghép gan chỉ định cho trường hợp nào?

Ghép gan là một chỉ định cho những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối; viêm gan, xơ gan do virus giai đoạn cuối... điều trị bằng các phương pháp khác không còn hiệu quả. Các trường hợp này nếu không được ghép gan, chất lượng sống của bệnh nhân rất thấp và cuối cùng là tử vong.

PGS.TS.BS.Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Sau khi được ghép gan thành công, bệnh nhân có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, thậm chí là không phát hiện ra đó là bệnh nhân được ghép gan.

GS.TS.Mai Hồng Bàng - nguyên Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, Chủ tịch Hội tiêu hóa Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, đa số các ca ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối là do virus viêm gan B. Chính vì thế trước khi ghép gan cần được làm tất cả các xét nghiệm loại trừ. Nếu bệnh nhân ghép gan do viêm gan, xơ gan giai đoạn cuối do virus viêm gan B thì trước và trong quá trình ghép gan phải dùng thuốc kháng thể kháng viêm gan B.

Chuyên gia tiêu hóa lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân sau ghép gan - Ảnh 1.

Ghép gan mang lại cơ hội sống cho người mắc xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối.

Vấn đề tái phát xơ gan sau ghép gan vẫn có thể xảy ra. Theo các số liệu, thì tái phát xơ gan do bệnh tự miễn khoảng 10%; tái phát xơ gan do rượu có tỉ lệ cao hơn nếu bệnh nhân không cai hẳn rượu. Còn xơ gan tái phát do virus sẽ xảy ra nếu bệnh nhân sau ghép gan không được điều trị tốt viêm gan do virus. Do đó, ngoài việc kiểm soát tốt tình trạng viêm gan B trước và trong khi ghép gan, thì sau ghép, bệnh nhân phải tiếp tục dùng kháng thể kháng viêm gan B trong vòng 1 năm, mỗi tháng 1 lần.

Sau đó, ngoài việc dùng thuốc chống thải ghép, bệnh nhân cần tiếp tục sử dụng thuốc ức chế virus viêm gan B suốt đời theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa như những bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B khác. Hiện nay, các loại thuốc điều trị viêm gan B đều khá tốt và không ảnh hưởng tới việc ghép gan.

Ngoài dùng thuốc điều trị viêm gan B để phòng ngừa tái phát xơ gan, sau ghép gan bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng thường gặp và quan trọng nhất là thải ghép.

Do đó cần dùng thuốc chống thải ghép suốt đời và không bao giờ được ngừng lại. Giai đoạn đầu sau khi ghép, bệnh nhân cần dùng thuốc liều cao, được theo dõi định kỳ trong những tháng đầu tiên sau khi ra viện 1 tuần 1 lần, để điều chỉnh liều thuốc phù hợp cho đến liều duy trì ổn định. Sau đó lịch tái khám sẽ thưa dần tùy theo từng trường hợp.

2. Dùng thuốc sau ghép gan bệnh nhân cần lưu ý những gì?

PGS.TS.Thành cho hay, mặc dù hiện nay thuốc chống thải ghép mới rất tốt và giảm thiểu được nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân, nhưng thuốc vẫn còn một số tác dụng phụ nhất định. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được các tác dụng phụ này bằng nhiều biện pháp.

Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch có thể gặp như:

- Ngứa, run tay: Các triệu chứng này ít gặp và sẽ hết dần sau đó.

- Suy thận: Khoảng 3% bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng suy thận sau thời gian dài dùng thuốc ức chế miễn dịch. Để hạn chế tác dụng phụ này, bệnh nhân cần uống nhiều nước.

- Nguy cơ nhiễm trùng: Khi uống thuốc chống thải ghép sẽ làm cơ thể suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm virus và một số nhiễm trùng khác. Cách đơn giản nhất để phòng nhiễm trùng là phải rửa tay thường xuyên, dùng gel kháng khuẩn vào mùa lạnh hoặc mùa cúm. Tiêm vaccine theo hướng dẫn của bác sĩ cũng là cách để phòng bệnh.

Cần báo với bác sĩ theo dõi sau ghép càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu sau:

  • Tổn thương lâu lành, loét, vết thương lâu liền sẹo.
  • Tiểu tiện thường xuyên, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện, nước tiểu đục hoặc đỏ, có mùi hôi.
  • Ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng hoặc sốt.

Để tránh nhiễm trùng cần:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Duy trì thói quen vệ sinh tốt, đặc biệt là khi nuôi thú cưng
  • Tránh tiếp xúc với những người đang bị ốm
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nếu có kế hoạch đi du lịch thì phải hỏi ý kiến bác sĩ theo dõi cho bạn và có thể phải tiêm vaccine phòng một số bệnh phổ biến ở khu vực bạn muốn du lịch.

Chuyên gia tiêu hóa lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân sau ghép gan - Ảnh 3.

Kỹ thuật ghép gan ngày càng tiến bộ, giúp giảm thiểu nguy cơ cho người được ghép.

- Nguy cơ mắc mới đái tháo đường:đái tháo đường mới xuất hiện sau ghép (NODAT) mà trước đó bạn không mắc. Đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép. Nguy cơ đặc biệt cao hơn ở những người béo bụng hoặc tiền sử gia đình đái tháo đường. Nên xét nghiệm đường huyết thường xuyên trong các đợt tái khám và các bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi đường huyết cho bạn.

Nếu bị đái tháo đường thì bạn phải:

  • Điều chỉnh chế độ ăn giảm tinh bột.
  • Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Dùng thuốc hạ đường huyết...

- Nguy cơ tăng huyết áp: Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, huyết áp mục tiêu là dưới: 130/80 mmHg. Để kiểm soát huyết áp tốt, cần:

  • Kiểm soát cân nặng, bao gồm tập thể dục.
  • Chế độ ăn ít muối.
  • Dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ

- Nguy cơ rối loạn mỡ máu: Một số người bị cholesterol và triglycerid tăng cao sau ghép gan do tác dụng phụ của thuốc, tăng cân, chế độ ăn uống kém, tiền sử gia đình hoặc lười vận động. Các vấn đề liên quan đến thận gây protein niệu cũng làm tăng mỡ máu.

Để kiểm soát mỡ máu tốt, cần:

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý.
  • Tập thể dục dưới sự cho phép của bác sĩ theo dõi thải ghép
  • Dùng thuốc hạ mỡ máu theo chỉ định.

- Nguy cơ ung thư: Một số loại thuốc chống thải ghép có nguy cơ gây ung thư (da và môi), đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình hoặc bản thân bị ung thư, sống ở vùng nhiều ánh nắng mặt trời.

Do đó để giảm nguy cơ ung thư cần:

  • Tránh ánh nắng trực tiếp, tránh đến những nơi nhiều ánh nắng mặt trời.
  • Bôi kem chống nắng chống UVA, UVB...

Phát hiện sớm những thay đổi trên da, thường xuyên tự kiểm tra da và môi. Thông báo cho bác sĩ theo dõi sức khỏe của bạn khi thấy: Khối u lạ, sưng, xước, loét hoặc màu sắc bất thường trên da, niêm mạc. Nên khám bác sĩ da liễu hằng năm, trao đổi với bác sĩ theo dõi.

Sàng lọc yếu tố nguy cơ ung thư:

  • Nữ: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
  • Nam: Ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng.

- Thiếu máu: Sau ghép có thể bị thiếu máu do quá trình phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng, hồng cầu bị vỡ bất thường hoặc thải ghép. Thuốc hạ áp cũng có thể khiến cơ thể tạo ra ít tế bào hồng cầu hơn. Thiếu máu gây mệt mỏi, nếu không được điều trị sẽ gây thiếu máu các cơ quan, dẫn đến suy tim. Nếu bạn bị thiếu máu phải có chế độ ăn giàu sắt và uống thuốc sắt theo đơn của bác sĩ.

- Gout: Là tình trạng tăng acid uric gây lắng đọng tinh thể trong khớp gây sưng đau. Thuốc chống thải ghép (cyclosporin) có tác dụng phụ là gây tăng acid uric, cơ thể phải cần thời gian để loại bỏ acid uric sau khi ghép.

Để tránh bị gout thì bạn sẽ được bác sĩ kiểm soát nồng độ acid uric:

  • Chế độ ăn: Hạn chế một số thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, nước ngọt, nước ngọt có đường và rượu.
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh
  • Kiểm soát huyết áp, đường máu và mỡ máu.
  • Thuốc (tránh nhóm chống đau giảm viêm non steroid).

Mời độc giả xem thêm video:

Ghép gan bất đồng nhóm máu 21.11

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn