Hà Nội

Chuyên gia tiêu hóa: Đừng tưởng "cắt trĩ" là xong!

TS.BS Vũ Trường Khanh

TS.BS Vũ Trường Khanh

Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai

29-05-2017 15:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Một số bệnh nhân mắc trĩ than phiền rằng, cứ tưởng cắt trĩ là xong, tuy nhiên sau một vài năm, trĩ lại xuất hiện nếu không thay đổi được những thói quen xấu.

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, trĩ là một bệnh lành tính hoàn toàn, không nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống do những khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh. Để phòng tránh bệnh trĩ, cách đơn giản nhất là chúng ta nên duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, khoa học.

Người ngồi nhiều dễ mắc bệnh trĩ

TS. Khanh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như chế độ sinh hoạt không điều độ, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, thói quen hay ngồi xổm, đặc biệt là dân văn phòng, phụ nữ sau sinh, những người có bệnh lý về đường tiêu hóa phải rặn nhiều…..

Theo các chuyên gia, táo bón lâu ngày là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trĩ. Khi bị táo bón, phân khô cứng gây khó khăn khi đi đại tiện. Mức độ khó khăn khi đi đại tiện phụ thuộc vào táo bón nặng hay nhẹ. Nếu thường xuyên bị táo bón và phải rặn nhiều sẽ gây giãn các tĩnh mạch vùng trực tràng quá mức dẫn đến bị trĩ, nứt kẽ hậu môn hoặc rách hậu môn.

TS.BS Vũ Trường Khanh.



Chế độ ăn uống không hợp lý cũng là nguyên nhân gây bệnh trĩ. Chế độ ăn ít chất xơ: như ít ăn rau, ít ăn các loại củ quả, uống không đủ nước, cũng có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh trĩ do táo bón, khiến bệnh khó chữa trị hơn và có thể tái phát sau khi đã điều trị. Một số điều kiện làm tăng khả năng xuất hiện các triệu chứng của bệnh: uống bia rượu, ăn những chất kích thích như: ớt, hành, tỏi….

Tỷ lệ mắc bệnh trĩ tăng theo độ tuổi. Nghiên cứu cho thấy những người trên 50 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn. Đối tượng dễ mắc bệnh trĩ là những người ngồi nhiều, ít vận động; phụ nữ sau sinh.... Ở những đối tượng này, hậu môn hay vùng chậu khi bị đè nén gia tăng áp lực lên thành mạch, từ đó có thể làm tắc nghẽn lưu thông máu. Khi máu không được lưu thông bình thường lâu ngày sẽ bị phồng lên tạo thành búi trĩ.

Các triệu chứng điển hình của bệnh trĩ

Cũng theo TS. Khanh, các dấu hiệu của bệnh trĩ khi đã có triệu chứng thì không quá khó để nhận biết, như đại tiện ra máu, thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, bị đau rát vùng hậu môn, cảm giác khó chịu vùng hậu môn….

Đại tiện ra máu: Đây là triệu chứng thường gặp và phổ biến ở hầu hết người bị bệnh trĩ từ giai đoạn đầu và tăng dần mức độ khi bệnh phát triển. Ban đầu bạn có thể thấy máu khi dùng giấy vệ sinh vùng hậu môn sẽ thấy máu thấm trên giấy. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ thấy máu chảy ra nhiều hơn, thành tia máu, thậm chí máu còn chảy ra khi không đi đại tiện mà chỉ cần ngồi xổm hoặc bất cứ tác động nhỏ nào gây áp lực vùng hậu môn cũng có thể chảy máu.

Sa búi trĩ: Đó là tình trạng búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn. Biểu hiện là người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, vướng ở hậu môn kèm theo đau rát. Khi bệnh nhẹ, búi trĩ lòi ra ngoài có thể co lại được, hoặc bệnh nhân tự đẩy lên được nhưng đến giai đoạn nặng búi trĩ lòi ra ngoài sẽ không tự co lại được hoặc có trường hợp búi trĩ luôn nằm ngoài hậu môn nên dễ gây viêm nhiễm, chảy máu …

Đau rát vùng hậu môn: Cảm giác đau xuất hiện trong và sau khi đi đại tiện. Cơn đau có thể kéo dài sau đó vài giờ. Các trường hợp bệnh nặng thường bị đau trong thời gian dài, thậm chí kéo dài dai dẳng.

Cảm giác khó chịu vùng hậu môn: Ngứa, hậu môn có dịch nhầy ẩm ướt, khó chịu hoặc luôn có búi trĩ thò ra ngoài.

Điều trị bệnh trĩ: Đừng tưởng "cắt trĩ" là xong!

TS. Khanh nhấn mạnh, điều trị trĩ chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài thói quen sinh hoạt điều độ từ ăn uống, vận động… vẫn là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa và quản lý bệnh trĩ tái phát. Một số bệnh nhân than phiền tưởng cắt là xong, tuy nhiên nguyên nhân vẫn còn đó nên sau một vài năm, trĩ lại xuất hiện nếu không thay đổi được những thói quen xấu.

Theo TS. Khanh, để điều trị bệnh trĩ, trước tiên chúng ta phải loại bỏ những yếu tố thuận lợi cho bệnh trĩ tiến triển như chế độ ăn uống hợp lý: nhiều rau xanh và củ quả để tránh bị táo bón. Ngày nay cuộc sống hiện đại, con người trở lên bận rộn, nhiều người trẻ có thói quen sử dụng đồ ăn nhanh, chế độ ít chất xơ và rau xanh nên càng tăng nguy cơ bị táo bón.

Khám cho bệnh nhân tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai.



Thứ hai, do chúng ta vận động ít, ngồi nhiều, tăng áp lực lên thành bụng cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh trĩ phát triển.

Thứ ba, do thói quen uống ít nước, đặc biệt ngồi trong phòng điều hòa mát nên không có cảm giác khát, tuy nhiên cơ thể chúng ta vẫn có nhu cầu nước. BS khuyến cáo khoảng 1-2h nên uống 1 cốc nước 100ml, duy trì mỗi ngày uống 1,5-2,5l nước tùy theo cơ thể và công việc. Nếu công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thì cứ khoảng 2h nên đi lại 5-10 phút, mỗi ngày phải tập thể dục được ít nhất 30 phút.

Khi thực sự bị trĩ gây khó khăn, phiền hà trong sinh hoạt thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Với các triệu chứng đi ngoài ra máu, khó chịu ở hậu môn thì có hai phương pháp điều trị. Về nội khoa, ngoài chế độ ăn uống và sinh hoạt, chúng ta phải dùng thuốc tại chỗ để điều trị. Nếu một số búi trĩ gây phiền hà mà chúng ta điều trị nội khoa không hết thì phải can thiệp như nội soi thắt búi trĩ bằng vòng cao su. Sau khoảng 1 tuần, búi trĩ sẽ tự rụng và hết triệu chứng. Với những trường hợp trĩ lớn và có biến chứng thì cần can thiệp ngoại khoa


Mai Thanh
Ý kiến của bạn
Tags: