Hai tháng con nghỉ Hè là hai tháng chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đau đầu vì không biết làm thế nào để con bớt xem tivi và chơi game trên máy tính hay điện thoại.
“Tôi đi làm cả ngày nên việc này chỉ trông chờ sự tự giác của con, nhưng rất khó vì con vẫn đang tuổi ham chơi, chưa biết suy nghĩ chín chắn hơn. Cắt Internet cũng không được vì tôi cần duy trì camera để thỉnh thoảng vào nhìn xem con ở nhà có an toàn không,” chị Thanh chia sẻ.
Tâm sự của chị Thanh cũng là nỗi niệm của rất nhiều phụ huynh trong những ngày này, khi còn một tháng nữa mới hết kỳ nghỉ hè.
Mâu thuẫn gia đình vì tivi, điện thoại
Chị Thanh cho hay việc không thể giúp con “cai nghiện” tivi và các trò chơi game không chỉ khiến chị lo lắng về sức khỏe tinh thần, khả năng độ cận thị của con sẽ tăng cao và những nguy cơ con có thể gặp phải trên môi trường số mà còn làm cho mâu thuẫn gia đình ngày càng căng thẳng.
“Mùa Hè nắng nóng, áp lực công việc, đi làm về đã mệt, lại thấy con vẫn mải miết với mấy trò chơi điện tử, tôi thực sự rất ức chế nên nhiều khi không thể kiềm chế, trách mắng con, thậm chí có khi đánh con. Vì thế, khoảng cách giữa tôi và con ngày càng lớn, nhất là khi con đang ở tuổi dậy thì, vốn dễ bị tổn thương. Nhiều khi biết mình cư xử chưa đúng mà vẫn không thể kiềm chế, không biết nên phải như thế nào,” chị Thanh trải lòng.
Giống như chị Thanh, gần 1 tháng qua, “tắt ngay điện thoại, tivi đi” là câu cửa miệng chị Lương Hiên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hay nói với các con mỗi khi đi làm về đến nhà. Sau “mệnh lệnh” ấy, hai đứa trẻ phụng phịu, đứa tắt điện thoại, đứa tắt tivi, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng.
Chị Hiên có hai con trai, đứa lớn 12 tuổi, đứa bé 9 tuổi. Từ đầu tháng 6, hai con của chị được nghỉ hè, còn vợ chồng chị vẫn phải đi làm bình thường. Vì thế, chị đã đón mẹ chồng ở quê lên trông cháu giúp.
Những ngày đầu kỳ nghỉ Hè, nhìn qua camera lắp ở nhà, chị thấy hai con dành phần lớn thời gian để xem ti vi, chơi game trên điện thoại. Chị đã nhờ mẹ chồng nhắc nhở các cháu, đồng thời dặn dò hai con mỗi ngày chỉ được sử dụng ti vi, điện thoại tối đa 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng thực tế, các con vẫn luôn “dán mắt” vào màn hình các thiết bị điện tử nhiều hơn thời gian chị quy định.
“Mẹ chồng chiều cháu, tôi là con dâu nên cũng không dám nói, chỉ có thể nhắc con và nhờ chồng nói khéo với bà để bà nghiêm khắc hơn với các cháu,” chị Hiên chia sẻ.
Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày nay, cha mẹ trang bị hoặc cho trẻ em sử dụng thiết bị di động từ rất sớm. Khảo sát cho thấy 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet, con số này ở trẻ 14-15 tuổi là 93%. Tuy nhiên, các em lại không đủ kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian này.
Đặc biệt vào dịp Hè, trẻ được nghỉ học nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm, khó quản lý chặt chẽ con cái, thời gian trẻ “dán mắt” vào màn hình cũng tăng theo.
Để mùa Hè không chỉ có tivi, điện thoại
Theo Thạc sỹ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), trong kỳ nghỉ Hè, nếu cha mẹ thiếu kiểm soát, để trẻ thường xuyên “làm bạn” với các thiết bị điện tử, trẻ có thể đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe lẫn tinh thần như: Béo phì, suy giảm thị lực, tiếp cận với những nội dung nhạy cảm, bạo lực trên mạng…
Hầu hết cha mẹ đều mong muốn có thể “tách” con khỏi tivi, điện thoại nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện đúng. Nhiều cha mẹ cấm đoán, mắng mỏ, tịch thu điện thoại, cắt mạng internet… Tuy nhiên, theo bà Lanh, những hành động mang tính chỉ trích, cưỡng chế như vậy khó có thể giúp con “cai” điện thoại, tivi mà chỉ càng khiến con khó chịu, phản kháng.
Để giúp trẻ rời xa tivi, điện thoại, bà Lanh cho rằng cha mẹ cần hiểu con đang làm gì với các thiết bị điện tử đó, nội dung các con xem là gì, nguyên nhân nào khiến các chương trình đó có thể thu hút con đến vậy.
Là chuyên gia tâm lý và từng tiếp xúc với nhiều trẻ nghiện game, điện thoại, tivi, bà Lanh cho biết nhiều trẻ chia sẻ thích các chương trình giải trí, trò chơi trên tivi, điện thoại vì giúp các em thư giãn, quên những chuyện không vui, quên đi lời mắng mỏ, chỉ trích, so sánh từ cha mẹ. Trong thế giới ảo, các con được nhập vai như chính mình đang thực hiện các hành động, được sống là chính mình chứ không phải làm những việc mình không muốn chỉ để chiều lòng bố mẹ.
“Nhiều trẻ cho hay khi chiến thắng trong game, con được tôn vinh, ghi nhận, được các game thủ khác ngưỡng mộ, còn ở ngoài đời thực thì đạt điểm 8, 9 thì bố mẹ vẫn buồn vì con không đạt điểm 10,” bà Lanh nói.
Theo đó, thạc sỹ Nguyễn Thị Lanh cho rằng một trong những nguyên nhân sâu xa của việc trẻ nghiện game, say mê tivi, điện thoại, máy tính vì các con cô đơn, rảnh rỗi hay bị tổn thương, hay bị bố mẹ la mắng, không được ghi nhận, khen ngợi. Thiếu thốn sự quan tâm đúng cách từ cha mẹ nên trong trẻ có khoảng trống vô cùng lớn, sống không có mục tiêu ước mơ, không có định hướng trong cuộc đời.
Vì vậy, để giúp con ‘cai’ các thiết bị điện tử, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, từng bước bước vào thế giới của con, lắng nghe suy nghĩ trong con, hiểu được cảm xúc nơi con. Từ đó, nắm bắt được con đang suy nghĩ gì, cảm xúc con mắc kẹt là gì thì mới có thể giúp con thoát ra khỏi thế giới ảo, dần dần dẫn dắt được con trong thế giới thực.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên khiến con bận rộn hơn khi mùa hè, các con có nhiều thời gian rảnh rỗi.
“Cha mẹ có thể giao cho con một số việc nhà đơn giản, cho con tham gia các lớp học kỹ năng hoặc rèn cho con các thói quen có các hoạt động thể chất tích cực như ca hát, nhảy, múa, chơi piano, đá bóng… Cách này sẽ lấp đầy khoảng thời gian trống của con, góp phần giúp con quên đi ti vi, điện thoại,” bà Lanh nói./.