Hà Nội

Chuyên gia: Thời gian nghỉ thai sản của nam giới nên tăng 1-3 tháng

05-04-2023 15:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Đề xuất nghỉ thai sản đến 6 tháng cho nam giới đang được dư luận quan tâm. Theo chuyên gia, nên tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 1-3 tháng.

Đề xuất nam giới cũng được nghỉ thai sản 6 tháng: Người dân mừng, bảo hiểm xã hội loĐề xuất nam giới cũng được nghỉ thai sản 6 tháng: Người dân mừng, bảo hiểm xã hội lo

SKĐS - Việc nam giới được nghỉ khi vợ sinh không chỉ hướng đến bình đẳng giới mà còn nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của mỗi một cá nhân đối với gia đình.

Người bố nghỉ dài ngày hơn sẽ chăm sóc gia đình tốt hơn

Cha và mẹ được hưởng thời gian nghỉ thai sản bình đẳng sau khi sinh con giúp đứa trẻ phát triển tốt hơn và đảm bảo bình đẳng giới trong xã hội, giúp giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính. Đây là lý do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) đề xuất Bộ LĐ-TB-XH sửa quy định nghỉ thai sản của nam giới lên tối thiểu 30 ngày, thay vì từ 5 - 14 ngày như hiện hành.

Dẫn chứng từ Phần Lan - quốc gia cho cả cha và mẹ được hưởng 160 ngày nghỉ phép có lương và đều hưởng quyền như nhau, WIB SC cho hay, Ngân hàng Thế giới cũng đã thông báo, dựa trên dữ liệu họ đã thu thập được, mỗi đứa bé sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ được nghỉ phép 6 tháng.

Chuyên gia: Thời gian nghỉ thai sản của nam giới nên tăng 1-3 tháng - Ảnh 2.

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới giúp việc chăm sóc con tốt hơn.

"Chúng tôi nhận thấy rằng việc tăng thời gian nghỉ thai sản ở Việt Nam từ 5 - 14 ngày làm việc cho người cha lên đủ 6 tháng sẽ là một thay đổi đáng kể. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thích nghi ban đầu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tăng dần thời gian nghỉ thai sản và trong dự thảo luật Bảo hiểm Xã hội lần này, nên tăng thời gian nghỉ sinh con lên tối thiểu 1 tháng", EuroCham và WIB SC đề xuất.

Dự thảo đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đến hết ngày 30/4 và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào đầu tháng 6, trước khi trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, việc người bố nghỉ phép chăm con là chuyện tích cực đối với gia đình của chính họ. Theo một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nghỉ phép dài ngày hơn có liên quan đến việc tăng cường gắn kết, dẫn đến cải thiện sức khỏe cũng như kết quả phát triển cho trẻ em. Khi các ông bố nghỉ phép, nó cũng giúp các bà mẹ được đi làm, thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tiền lương của họ.

Nội dung đề xuất nói trên rất nhân văn, nam giới đương nhiên cũng phải được nghỉ thai sản vì không chỉ bà mẹ mới có con mà là con chung. Khi vợ sinh con, chồng cũng vất vả do phải chăm sóc con nhỏ và vợ còn yếu sức sau khi vượt cạn. Nhiều gia đình công nhân viên chức, không có người thân giúp đỡ, điều kiện kinh tế khó khăn, khi vợ sinh nở chỉ biết dựa vào chồng trong giai đoạn con còn ít tháng; người chồng phải nghỉ phép để chăm vợ hoặc vừa đi làm vừa tranh thủ chăm vợ, con khá vất vả, chật vật.

"Do vậy tôi ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 5 - 14 ngày làm việc lên 1 tháng. Đây là mức tăng không quá lớn nên trong khả năng có thể nghiên cứu của cơ quan quản lý. Việt Nam không thể so sánh với Phần Lan khi cho nam giới nghỉ thai sản đến 6 tháng, nhưng hoàn toàn có thể nghiên cứu nghỉ 1 tháng", GS Nguyễn Đình Cử cho hay.

Nên tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới theo lộ trình phù hợp

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đề xuất của WIB SC thể hiện sự tiến bộ trong xây dựng chính sách, rất đáng hoan nghênh. Việt Nam sắp bước vào giai đoạn dân số già, tỉ lệ sinh đẻ ngày càng giảm. Người trẻ có xu hướng ngại đẻ, số lượng con sinh ra trong các gia đình trẻ bây giờ cũng đang giảm mạnh. "Ngay ở nhà tôi, các con đều nói sinh đẻ vất vả, nuôi dạy con rất mất thời gian nên chúng chọn cách chỉ sinh 1 đứa thôi", ông Túc nói.

Việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới sẽ khuyến khích lớp trẻ sinh con hơn, có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình, đặc biệt là với nam giới. Do vậy ông Nguyễn Túc cho rằng đây là đề xuất cần thiết và đúng đắn.

Tuy nhiên, nam giới nghỉ thai sản bao lâu thì cần tính toán kỹ cho phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội. Không nên áp dụng máy móc, rập khuôn mô hình ở nước nào đó mà không phù hợp với tình hình chung của nước mình.

"Nên tăng thời gian nghỉ thai sản ở nam giới như hiện nay từ 5-14 ngày lên 1 -3 tháng sẽ phù hợp với nước ta hơn. Nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép, chúng ta có thể đặt ra lộ trình tăng dần dần. Trước mắt nam giới có thể được nghỉ 1 tháng, nhưng sau 3-5 năm nữa sẽ tăng lên 2 tháng rồi 3 tháng khi tài chính cân đối được. Tôi cho rằng đây là điều mà người lao động rất mong chờ, nó cũng giúp nam giới có trách nhiệm hơn với gia đình, tác động tích cực tới an sinh, phát triển chung của xã hội", ông Nguyễn Túc phân tích.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thực hiện bình đẳng giới, là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tốt trên thế giới. Cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày nay ngày càng tiến bộ và phát triển. Bên cạnh gia đình, phụ nữ đã có tiếng nói, sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn tồn tại, đặc biệt là tư tưởng "trọng nam hơn nữ" trong xã hội, quan điểm "nam trưởng, nữ phó" còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ. Do vậy đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới là chính sách công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới chứ không nên coi là để tạo điều kiện cho nữ giới có thời gian chăm con tốt hơn bởi trách nhiệm với con cái giữa bố và mẹ là như nhau.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, hiện nay gánh nặng trong sinh nở, chăm sóc trẻ nhỏ vẫn trút hết lên vai người vợ vì lý do chồng phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nên chăng, cần có quy định để bảo đảm tính công bằng cho cả nam giới hưởng lương. Quan niệm xã hội vẫn chưa thực sự công bằng khi cho rằng việc sinh nở là của riêng phụ nữ. 

Truyền hình trực tuyến: Giúp mẹ mang thai khoẻ, sinh nở an toànTruyền hình trực tuyến: Giúp mẹ mang thai khoẻ, sinh nở an toàn

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Giúp mẹ mang thai khoẻ, sinh nở an toàn” vào 15h30 thứ Ba, ngày 09/06/2020. Chương trình được phát trực tiếp trên báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 5/4: Giám Đốc Trung Quốc Đang Bị Tạm Giữ, Sẽ Khởi Tố Bị Can Theo Pháp Luật Việt Nam | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn