Những câu chuyện ồn ào về bạo lực học đường gây "bão" mạng xã hội đã không còn là điều xa lạ. Bạo lực học đường có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác và tâm lý người trong cuộc.
Rất nhiều những vụ bạo lực học đường được nhiều người biết đến nhờ mạng xã hội, khi những video với nội dung bạo lực học đường được đăng tải. Đáng buồn là những video này hầu hết đều do các em học sinh ghi lại.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, bạo lực học thường xảy ra ở những lứa tuổi các em có biến động về tâm sinh lý, nhận thức chưa tốt. Trường học là nơi có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực, nhưng nhiều khi giáo viên, hiệu trưởng phát hiện vụ việc còn lúng túng về kỹ năng xử lý, nhất là khi những video bạo lực được phát tán lên mạng.
"Đáng buồn là những video này lại được chính học sinh quay lại và đưa lên mạng xã hội. Phát hiện hành vi bạo lực mà các em không can ngăn hay báo cáo thầy cô, ngược lại còn quay lại hình ảnh bạn mình bị đánh, thầy cô bị hành hung… là điều rất nguy hiểm.
Đây là hành động vô cảm, thiếu ý thức xây dựng trong việc chống bạo lực học đường. Những học sinh này cần phải được kỷ luật nghiêm để răn đe", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Về việc có nhiều ý kiến cho rằng xử lý các học sinh quay video sẽ khiến học sinh rụt rè, không dám đứng lên đấu tranh với các hành vi sai trái, TS. Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra, việc quay lại video bạo lực học đường chỉ đúng khi người quay có ý tốt. Có thể dùng video đó làm bằng chứng để giúp xử lý sự việc, chứ không phải dùng để phát tán lên mạng nhằm câu like, câu view…
"Các em phải có nghĩa vụ phòng chống bạo lực học đường chứ không nên cổ vũ những hành động thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ của mọi người. Học sinh cũng như phụ huynh phải hiểu rằng việc quay video và phát tán lên mạng xã hội là thiếu ý thức xây dựng cộng đồng, tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển", TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường?
Cũng theo Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, điều quan trọng đầu tiên là cần đưa ra những hướng giải quyết phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Nhà trường nên đưa ra những quy định xử lý kỷ luật tích cực, lựa chọn hình thức giáo dục, xử phạt học sinh sao cho phù hợp. Từ đó các em có thể nhanh chóng nhận ra cái đúng, cái sai, hiểu được cần ứng xử như thế nào khi gặp tình huống tương tự.
Tiếp theo, nhà trường phải có công tác quản lý, kiểm điểm khi phát hiện bạo lực học đường. Giáo viên chủ nhiệm cần sát sao, nắm rõ tình hình, làm một người thầy đáng tin cậy, làm chỗ dựa về cả tinh thần cho các em học sinh.
Về phía gia đình cũng cần quan tâm, gần gũi con cái. Tránh lơ là giáo dục, cần phát hiện sớm những biểu hiện, hành vi không đúng chuẩn mực của con để kịp thời điều chỉnh và có biện pháp răn đe.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra vào chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Kim Sơn nêu thống kê, từ 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là nhiều học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục rất lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Kim Sơn dẫn thống kê của Tòa án nhân dân tối cao về việc hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70-80% có liên quan bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỉ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường rất lớn. Do đó, việc ngăn chặn bạo lực gia đình, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực tập thể, cũng là nguyên dẫn đến vấn đề bạo lực học đường.