Chuyên gia sức khoẻ tâm thần chỉ lý do trẻ 4 tuổi chậm nói, rối loạn ngôn ngữ diễn đạt

17-02-2025 21:28 | Y tế

SKĐS - Trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em gặp vấn đề về ngôn ngữ, trẻ có nguy cơ bị chậm nói cao gấp 2-3 lần so với trẻ có gia đình bình thường; Thời gian sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ ở trẻ từ 1-3 tuổi làm tăng nguy cơ chậm nói...

Trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ diễn đạt vì sao?

Chia sẻ về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chiều nay - 17/2, BS Đỗ Thùy Dung - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho trẻ 4 tuổi được chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ.

Theo lời kể của mẹ, trẻ là con thứ nhất trong gia đình, quá trình mẹ mang thai bình thường. Do bố đi làm xa, mẹ làm công nhân sáng đi, tối về nên chủ yếu trẻ ở cùng ông bà. Hằng ngày trẻ được ông bà thường xuyên cho xem ti vi, xem điện thoại từ sớm. Mỗi khi ngồi chơi, ăn cơm, khi khóc,… đều được ông bà cho xem.

Đến 2 tuổi trẻ chỉ nói được ít từ đơn, chưa nói được ghép. Đến nay, mặc dù 4 tuổi nhưng đôi khi trẻ không nói gì trong thời gian dài, vốn từ hạn chế, không chủ động nói khi chơi trong nhóm bạn hàng xóm, ít kể chuyện ít khoe mách mẹ.

Chuyên gia sức khoẻ tâm thần chỉ lý do trẻ 4 tuổi chậm nói, rối loạn ngôn ngữ diễn đạt- Ảnh 1.

Các chuyên gia của Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Khi có nhu cầu lấy đồ (sữa, cốc, điều khiển, đồ chơi….) trẻ có thể chỉ tay hoặc kéo người lớn đến nhưng không nói, hoặc nói từ mà người nghe không hiểu được ý, thường mẹ hoặc ông bà sẽ đoán ý của trẻ để đáp ứng.

Trẻ nhớ và chỉ được màu sắc, con vật đúng khi được dạy, nhưng không tự nói khi được hỏi lại. Trẻ tự xúc cơm, ra hiệu khi buồn đi vệ sinh, sai được việc đơn giản. Mẹ trẻ lo lắng về việc con chậm ngôn ngữ hơn so với các bạn cùng khu nên cho đi khám và kiểm tra.

Tại Viện sức khỏe và tâm thần, trẻ được chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ diễn đạt. Trẻ được áp dụng trị liệu ngôn ngữ cá nhân 1-1, nhóm trẻ. Đồng thời, can thiệp tâm lý, giáo dục tư vấn gia đình, quản lý hành vi.

Trẻ từ 1-3 tuổi sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ mỗi ngày... làm tăng nguy cơ chậm nói

TS.BS Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ.

Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về… Theo đó, thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).

  • Trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em gặp vấn đề về ngôn ngữ, trẻ có nguy cơ bị chậm nói cao gấp 2-3 lần so với trẻ có gia đình bình thường;
  • Thời gian sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ ở trẻ từ 1-3 tuổi làm tăng nguy cơ chậm nói...
  • Tác động của tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ lên chậm nói là 22% trong khi tiếp xúc với một ngôn ngữ là 8%
  • Trẻ nam có tỷ lệ mắc các rối loạn ngôn ngữ cao hơn đáng kể so với nữ.

Theo thống kê trẻ từ 2-7 tuổi chậm nói chiếm tỉ lệ từ 2,3-19%. Ngoài ra, có khoảng 2,1%- 11,4% trẻ mẫu giáo trên thế giới chậm nói, trẻ từ 18- 35 tháng chiếm gần 15%. Trẻ trai cao gấp 3-4 lần so với trẻ gái. Trong đó, 25-30% trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có sự chậm phát triển ngôn ngữ.

TS Tùng cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ như: Bất thường giải phẫu, giác quan: cơ quan phát âm (sứt môi hở hàm ếch, lưỡi), vùng não chi phối phát âm, vận động vùng miệng, trẻ khiếm thínhYếu tố nguy cơ chu sinh dẫn đến suy giảm thính lực sinh non, thiếu oxy, vàng da sơ sinh…

Tổn thương hệ thần kinh trung ương như bại não, loạn dưỡng cơ và chấn thương sọ não; rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ; khuyết tật trí tuệ như chứng khó đọc, hội chứng Down, hội chứng nghiện rượu ở thai nhi, hội chứng X dễ gãy và các dị tật bẩm sinh.

Ngoài ra các yếu tố như thiếu sự kích thích lời từ những người xung quanh, trẻ khó học nói hoặc từ một cách tự nhiên nếu chúng không tích cực tham gia vào giao tiếp; sự thiếu hụt chăm sóc và bỏ bê từ gia đình cũng gây ra tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Chuyên gia sức khoẻ tâm thần chỉ lý do trẻ 4 tuổi chậm nói, rối loạn ngôn ngữ diễn đạt- Ảnh 2.

TS.BS Vũ Sơn Tùng, Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ.

Các biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, cụ thể:

  • 0-6 tháng tuổi: Trẻ không giao tiếp bằng mắt với những người xung quanh. Không nhìn theo hay có bất kỳ phản ứng gì khi được gọi tên. Khi nghe âm thanh từ các đồ vật, trẻ không có phản ứng quay về hướng các đồ vật đó.
  • 6-12 tháng tuổi: Trẻ không hứng thú, không phản ứng khi chơi ú òa hoặc những trò chơi tương tự. Không giao tiếp với mọi người xung quanh bằng từ ngữ, âm thanh, cử chỉ, thậm chí khi trẻ cần giúp đỡ như chỉ tay hoặc vẫy tay tạm biệt, Có vấn đề trong việc bắt chước âm thanh
  • 12-18 tháng tuổi: Trẻ không đáp lại khi được gọi tên hay không có những phản hồi trước các câu hỏi quen thuộc hàng ngày .Trẻ không nói được khoảng vài từ đơn
  • 2 tuổi: Trẻ không thể nói khoảng 50 từ đơn khác nhau, không thể ghép 2 – 3 từ đơn. Trẻ chỉ có thể lặp lại từ của người khác mà không thể tự nói ra từ mình muốn không thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản. Trẻ cũng không phản ứng hay đáp lại những yêu cầu, câu hỏi thường ngày.
  • 3 tuổi: Trẻ không thể kết hợp từ thành cụm từ, tạo câu dài như “Mẹ giúp con với”, không đáp lại những yêu cầu hay trả lời những câu hỏi dài, không tự đặt câu hỏi. không sử dụng được ít nhất 200 từ Không yêu cầu mọi thứ theo tên, mọi người xung quanh không hiểu được trẻ nói.

Khi nào cần can thiệp sớm chậm nói, rối loạn ngôn ngữ cho trẻ?

Theo TS Tùng, can thiệp sớm, đặc biệt ở trẻ từ 0-3 tuổi có thể giúp cải thiện, sớm đạt các mốc phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. đồng thời giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức, xã hội.

Các phương pháp can thiệp có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, chương trình hỗ trợ giáo dục, và các hoạt động khuyến khích trẻ giao tiếp. Liệu pháp này có thể được thực hiện bởi các nhà trị liệu ngôn ngữ và lời nói và các bác sĩ lâm sàng khác..

Ngoài ra, giáo dục cộng đồng, tăng cường nhận thức về sự quan trọng của việc phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ là rất cần thiết. Việc giáo dục phụ huynh về cách hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ tại nhà cũng rất quan trọng.

Trẻ em có thể bắt đầu thể hiện dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ từ 18 tháng tuổi nếu được can thiệp sớm, có thể cải thiện khả năng nói và giao tiếp lên tới 50% trong vòng một năm đầu can thiệp. Trẻ được can thiệp sớm có thể giảm 40% hành vi tiêu cực và tăng khả năng học các kỹ năng xã hội.

"Tất cả trẻ em bị nghi ngờ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chương trình can thiệp sớm tại địa phương để đánh giá chính thức.

Liệu pháp ngôn ngữ có hiệu quả đối với các rối loạn ngôn ngữ biểu đạt. Đối với trẻ em đang được điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ, liệu pháp do cha mẹ thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ lâm sàng có hiệu quả"- BS Tùng khuyến cáo.

Cách phát hiện rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏCách phát hiện rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

SKĐS - Trong sự phát triển của trẻ, ngôn ngữ được hình thành trên cơ sở các nhân tố di truyền bên trong như phức hợp các phản xạ có điều kiện do tác động của các yếu tố từ môi trường bên ngoài, trước hết là các kích thích vào trung tâm nghe

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn