Chuyên gia quốc tế:"Tàu Hải Dương 8 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam"

28-07-2019 06:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo sự khẳng định của báo chí quốc tế, nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển, là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới nói rõ, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu  cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 thuộc sở hữu của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (CGS) có chiều dài 88 m, tốc độ tối đa 15 hải lý (28 km)/giờ và có thể hoạt động trong phạm vi lên đến 16.000 hải lý. Tàu sử dụng công nghệ cao để tạo ra hình ảnh 3 chiều độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.

Những hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính là một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý. Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa.

Bãi ngầm Tư Chính mà nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm cũng nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Lý luận trước đó của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" phi lý và đơn phương của Trung Quốc hoặc là một phần của cái gọi là "vùng nước quần đảo Trường Sa". Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 đã bác bỏ điều này. Không thể dùng cái gọi là "đường lưỡi bò" hoặc "vùng nước quần đảo Trường Sa" để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam là vùng tranh chấp. Khu vực này như theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Trong lịch sử cũng như trên thực tế, Việt Nam cũng đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây.

Vì thế, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc bãi ngầm Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới. Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực mà còn đối với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Đây là vùng biển nằm án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu và Trung Đông-châu Á. Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu, chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa trao đổi toàn cầu với tổng giá trị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, khoảng 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng toàn cầu, trong đó cung cấp cho các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, được chuyên chở qua Biển Đông.

Dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và một thành viên của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc, vì thế, phải rút ngay nhóm tàu Hải Dương 8 khỏi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông để làm giảm căng thẳng hiện nay.


H.A
Ý kiến của bạn