Hà Nội

Chuyên gia Philippines: Phán quyết của PCA vượt quá sự mong đợi của tôi

13-07-2016 15:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau khi Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) công bố phán quyết về Biển Đông, chuyên gia luật biển quốc tế Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Luật Biển và Hàng hải thuộc Đại học Philippines đã có những trao đổi về vấn đề này.

Ông nghĩ sao về phán quyết mà PCA vừa đưa ra? Nó có đúng như dự đoán của ông hay không?

Phán quyết này gần như là một thắng lợi hoàn toàn đối với hầu hết nội dung mà Philippines đã đệ trình. Tôi phải thừa nhận nó vượt quá sự mong đợi khiêm tốn của tôi. Nói khác đi, đây là sự bất ngờ dễ chịu. Lý luận đằng sau đó rất rõ ràng và phù hợp với các quyết định trước đó của các tòa án khác. Phán quyết là một bước ngoặt đối với các vấn đề về quyền lịch sử dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), quyền hàng hải đối với các thực thể.

Chuyên gia luật biển quốc tế Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Luật Biển và Hàng hải thuộc Đại học Philippines,

Theo ông, phán quyết có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc, Philippines và các quốc gia khác có tranh chấp ở Biển Đông? Phán quyết này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với tình hình Biển Đông?

Phán quyết chắc chắn sẽ định hình lại những biện luận về các tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ không có quyền đưa ra các yêu sách đối với gần trọn Biển Đông bằng đường 9 đoạn được nữa. Tất cả các quốc gia ven biển được hưởng quyền rõ ràng đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của họ.

Phán quyết coi một vùng rộng lớn của Biển Đông là khu vực hàng hải chung. Phần còn lại là EEZ và thềm lục địa, được phân bổ một cách công bằng giữa các quốc gia lân cận. Quyền của Philippines, cũng như quyền của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei đối với các vùng biển liền kề của họ vượt quá 12 hải lý cũng được làm sáng tỏ.

Thế giới sẽ coi phán quyết là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung cũng như là một bước ngoặt cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Ông dự đoán gì về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết?

Trung Quốc đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố không công nhận tòa trọng tài và bất chấp phán quyết. Tuy nhiên, nhiều này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Bắc Kinh cuối cùng sẽ phải thừa nhận rằng, về dài hạn, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu và nguyện vọng của mình trong khu vực nếu không thể hiện sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế.

Trên quan điểm của cá nhân ông, nếu phớt lờ phán quyết, Trung Quốc sẽ mất hay phải trả giá gì, thưa ông?

Trung Quốc sẽ mất sự tín nhiệm và cơ hội để trở thành một cường quốc được tôn trọng trong khu vực. Nếu cố tình phớt lờ phán quyết, Trung Quốc sẽ bị coi là một đối tác không đáng tin cậy, một quốc gia không thể tin tưởng được. Trung Quốc sẽ không thể có được láng giềng tốt, một yếu tố mà nước này rất cần để đảm bảo lợi ích lâu dài và đạt được những mục đích lớn hơn trong khu vực.

Là một chuyên gia của Philippines, ông đánh giá gì về tác động của phán quyết này đối với Việt Nam?

Việt Nam rõ ràng có thêm lựa chọn sử dụng việc tranh tụng để đối phó những hành động hung hăng của Trung Quốc. Phán quyết cũng là một phương tiện giúp Việt Nam giải quyết một số vấn đề nhất định hiện đang bị bế tắc. Ví dụ như việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay việc các lực lượng Trung Quốc tấn công các tàu của Việt Nam trên Biển Đông.

Phán quyết này ít nhất cũng giúp Việt Nam hạn chế được các vùng biển mà Trung Quốc coi là vùng có tranh chấp ở ngoài 12 hải lý tính từ bất kì thực thế nào.


Ý kiến của bạn